Thứ năm, 21/6/2018, 12:10 (GMT+7)

Messi - 'chú dê' oằn mình vì gánh nặng Argentina

Trận hòa Iceland ở lượt trận ra quân cho thấy thành bại của Argentina tại World Cup 2018 một lần nữa được dồn cả lên đôi vai của Lionel Messi.

Quan hệ giữa Messi và tuyển Argentina khởi đi với những chương tươi đẹp. Mười ba năm trước, tại Utrecht Hà Lan, Argentina đánh bại Nigeria 2-1 ở chung kết World Cup U20. Messi, ở vị trí trung phong, với mái tóc đúng chuẩn “ngố”, ghi cả hai bàn từ chấm 11 mét. 

Ở cú sút phạt đền thứ hai, Messi chạy đà, đợi thủ môn đối phương phản xạ rồi mới nhẹ nhàng sút bóng theo hướng ngược lại. Từ trên khán đài, nhà báo Simon Kuper nghe tuyển trạch viên Piet de Visser của Chesea đã nói trong vô thức: “Maradona…”.

Ba năm sau đó, tại Bắc Kinh, Messi một lần nữa dẫn dắt dàn hảo thủ trẻ tuổi của Argentina giành HC vàng Olympic. Chiến công này cũng đến sau khi anh và đồng đội đánh bại Nigeria ở chung kết.

Thời gian lướt qua. Bây giờ, Messi đã 30 tuổi, và những thành tựu ở Barca giúp anh được vinh danh là GOAT (viết tắt của Greatest Of All Time, tức Vĩ đại nhất qua mọi thời đại). Trong tiếng Anh, GOAT cũng có nghĩa là dê. Thế là trước khi World Cup khởi tranh, tạp chí Paper nghĩ ra một concept thú vị: để Messi chụp hình với… dê.

Nhưng sự vĩ đại của Messi không đi liền với thành công ở cấp đội tuyển. Hơn một thập kỷ qua, quan hệ giữa anh với Argentina rất phức tạp. Có yêu có ghét, có hoài nghi, có chờ đợi, có trách móc lẫn tuyệt vọng. Đã có lúc, người Argentina quy cho chàng trai quê Rosario là không yêu quê hương đất nước. Và họ cho rằng, vì không yêu, Messi không sẵn sàng đổ máu vì Argentina. Nhưng họ không hề quan tâm đến một sự thật: Messi đã khước từ lời mời khoác áo của các tuyến trẻ lẫn đội tuyển Tây Ban Nha để chọn Argentina. Khi nói chuyện, anh vẫn giữ ngữ âm Rosario. Anh vẫn mê mẩn món pizza kiểu Argentina và bánh pudding ngọt quê hương. Bất chấp những điều đó, Messi vẫn bị dán mác là “một người Argentina không toàn vẹn”, theo lời của tác giả Jimmy Burns trong quyển sách mới về cuộc thư hùng Messi - Ronaldo.

Nếu đặt tương quan Messi – Ronaldo trong màu áo đội tuyển, chúng ta cũng có thể thấy sự khác biệt. Ronaldo rất thoải mái khi khoác màu áo Bồ Đào Nha, nơi anh được tất cả yêu mến. Trong khi đó, Messi dường như chịu rất nhiều áp lực. Chung kết Copa America 2016, nơi Messi đá hỏng quả luân lưu quyết định khiến Argentina thêm một lần lỡ hẹn với danh hiệu lớn, là khoảnh khắc đen tối nhất cuộc đời anh. Đấy là trận chung kết thất bại thứ ba liên tiếp trong vòng ba năm của Argentina. Thất bại ấy khiến Messi cảm thấy số phận dường như chơi khăm anh. Và Messi quyết định giã từ đội tuyển để không phải chịu thêm những đả kích (vài tháng sau, Messi rút lại quyết định ấy, vì Argentina... cầu xin anh trở lại).

Khi khoác lên người sắc áo Argentina, Messi không có sự thoải mái như Ronaldo ở tuyển Bồ Đào Nha.

Messi không ngại những so sánh với Ronaldo. Thậm chí nó còn kích thích anh thi đấu tốt hơn. Trong màu áo CLB, màn thư hùng của họ đã thắp sáng bóng đá thế giới suốt một thập kỷ. Nhưng Messi lại rất sợ khi bị so sánh với Diego Maradona, người đã giúp Argentina vô địch World Cup 1986 với màn trình diễn đậm chất cá nhân. Là một con người hướng ngoại và nổi loạn, cách Maradona hát quốc ca đầy cảm xúc cũng rất khác với Messi, một người hướng nội. Và người Argentina lại có thêm một lý do, để cáo buộc Messi không yêu nước. 

"Không có gì làm tôi đau đớn hơn khi nghe đồng bào cáo buộc mình không phải là người Argentina. Mọi người biết gì về cảm xúc của tôi chứ?", Messi nói.

Và sự so sánh với Maradona ngày càng trở thành một gánh nặng với Messi. Sở hữu ba Cup Champions League, chín danh hiệu La Liga, Messi cho thấy anh thừa sức chống chọi với áp lực. Anh cũng từng đá hỏng vài quả phạt đền quyết định trong màu áo Barca, nhưng anh vượt qua những cú sốc ấy rất nhanh. Và người hâm mộ Barca không bao giờ trách anh, kể cả khi đội nhà để thua một trận nào đó. Đấy là một sự tương phản hoàn toàn nếu so với Argentina. Ở Barca, Messi là con hạc đẹp đẽ đứng trên chiếc mai rùa. Ở Argentina, anh là… con rùa. 

Các CLB luôn hỏi ý kiến Messi về chiến thuật và hệ thống phù hợp với anh nhất, nhưng anh rất ít khi phát biểu ý kiến. Anh luôn e dè khi về đội tuyển, và rất ngại phải đối diện với truyền thông. Vậy mà World Cup 2010, Maradona trao băng thủ quân cho Messi, trong trận đấu với Hy Lạp. Jimmy Burns viết: “Messi đã thật sự hoảng loạn, không phải vì trận đấu mà vì anh ta phải nói chuyện trước truyền thông và kích thích các đồng đội trước khi vào trận. Trên thực tế, Messi đã thất bại ở cả hai nhiệm vụ ấy”.

Thuyết âm mưu cho rằng Maradona đã kìm tỏa Messi bằng cách biến hậu bối thành một bản sao của chính ông. 

Giải ấy, Argentina bị loại từ tứ kết, thua Đức 0-4!

Có một cách duy nhất để vô hiệu hóa Messi, và Maradona đã vô tình làm thế. Ông kéo Messi ra xa khung thành, như chính mình thuở trước. Nhưng bóng đá hiện đại đã khác xa thời Maradona làm mưa làm gió ở World Cup 1986 tại Mexico. Trước tầng lớp phòng ngự khoa học của Đức, Messi trở thành kẻ đi lạc trên sân bóng. 

Đến World Cup tiếp theo, Argentina vẫn xây chiến thuật quanh Messi. Alejandro Sabella ít kinh nghiệm cầm quân đỉnh cao, nhưng vẫn được LĐBĐ Argentina bổ nhiệm vì ông sẵn sàng nghe Messi. Theo truyền thông xứ sở tango, vì Messi ít khi chịu nói trực tiếp mong muốn của anh, Sabella hay hỏi dò hai người bạn thân của anh - Angel di Maria và Sergio Aguero - xem Messi muốn gì. Khi được biết Messi thích có Fernando Gago và Gonzalo Higuain cùng đá, Sabella đã làm theo ngay.

Nhưng Messi đến với World Cup 2014 trong tình trạng rất tệ về thể chất lẫn tâm lý. Barca vừa kết thúc mùa giải mà không có một danh hiệu nào. Messi thường xuyên đứng trên sân bóng Brazil mà như không rõ anh hiện diện ở đó làm gì. Cha của Messi nói ông có cảm tưởng mỗi chân của con trai phải nặng đến cả tạ. Cú sút phạt đưa bóng vọt xà ngang đội tuyển Đức trong những giây bù giờ có lẽ là hình ảnh tiêu biểu. Và như thường lệ, Messi trở thành vật tế thần của cả nước Argentina.

Trên thực tế, Messi chỉ chơi kém so với tiêu chuẩn quá cao của chính anh. Tổng kết World Cup 2014, Argentina ghi tám bàn, Messi góp một nửa. Anh thực hiện 46 pha lừa bóng thành công trong khi người đứng thứ hai ở thông số này – Arjen Robben - có 34. Vấn đề là Messi phải tự thân vận động là chính, chứ không nhận được sự hỗ trợ của một hệ thống phù hợp. Toàn giải đấu ở Brazil, Messi chỉ có 242 đường chuyền. Con số này của Manuel Neuer - một thủ môn – đã là 244. Nếu ở Barca, Messi là thành viên của một tập thể mạnh, thì ở tuyển Argentina, anh là thành viên mạnh của một tập thể yếu.

Messi chơi không hề tồi ở World Cup 2014, chỉ là không đủ để nâng trên vai cả một tập thể Argentina ỷ lại vào anh. 

Chuyên gia phân tích dữ liệu Claudio Flores đến từ New York chỉ ra: so sánh World Cup 2014 với mùa giải 2013-2014 ngay trước đó: bình quân một trận Messi lừa bóng trong màu áo Argentina nhiều gấp rưỡi tại Barca, và tạo ra số cơ hội cũng gấp rưỡi. Nhưng đồng đội của anh đều phung phí đa số cơ hội ấy. 

Và khi Messi không thể tự quyết định, đồng đội quanh anh cũng chẳng còn biết làm gì. Messi từng nói ở Barca, những lúc khó khăn anh luôn ngẩng đầu nhìn lên để tìm Andres Iniesta. Nhưng ở tuyển  Argentina, anh đơn giản là không có một ai để tìm.

Messi đã chơi trong hệ thống chiến thuật phức tạp của Barca từ năm 13 tuổi. Messi rất thích lừa bóng, cũng giống Maradona, nhưng Barca đã huấn luyện thành công để biến Messi thành cầu thủ của tập thể. 

Một trong những người có công lớn đến việc phát triển sự nghiệp của Messi là Frank Rijkaard. HLV người Hà Lan gọi Messi lên đội một, khi anh mới 17 tuổi. Rijkaard nói: "Tôi từng xem những trận đấu mà Messi gần như đá theo kiểu một chống 11. Tôi đã phải gò cậu ấy dần dần. Pha này cậu lừa, nhưng lần sau hãy chuyền, và lần sau nữa, hãy lùi xuống".

Với sự xuất hiện của Pep Guardiola, Messi trở thành cầu thủ hay nhất thế giới. Khi HLV này rời Catalonia, Messi đã là tay săn bàn tốt nhất lịch sử Barca. Guardiola từng nói một câu nổi tiếng: "Tôi cứ nghĩ mình sẽ giúp Messi trở thành cầu thủ hay nhất thế giới, nào ngờ cậu ấy giúp tôi trông như HLV giỏi nhất thế giới".

Sự tiến hóa của Messi tại Barca diễn ra liên tục theo từng năm. Anh có thể đá xuất sắc ở ba vị trí: tiền đạo lệch trái, một số 9 ảo và một số 10. Messi đá ở vị trí nào, hệ thống chiến thuật của Barca lập tức điều chỉnh để phù hợp với anh. Argentina không có một hệ thống chiến thuật như thế. Họ là một tập thể không bản sắc. César Luis Menotti, HLV của đội tuyển Argentina vô địch World Cup 1978, tóm tắt: "Ở Argentina, Messi thực sự bị cầm tù. Ở Barca, anh ta chơi bóng. Ở đội tuyển, anh ta chạy".

Ở Barca, Messi thực sự là ông chủ. Ở Argentina, anh chỉ là "ô-sin cấp cao". Nếu Gonzalo Higuain ghi bàn vào lưới Neuer trong hiệp một trận chung kết World Cup 2014, có lẽ bây giờ Messi đã được xưng tụng là Maradona mới. Mọi cuộc so sánh có lẽ đã chấm dứt và Messi đã có một sự nghiệp thật sự viên mãn. 

Nhưng ở Rio de Janeiro hôm ấy, Argentina đã gục ngã bởi bàn thắng trong hiệp phụ của Mario Goetze. Tương tự, trong hai trận chung kết thất bại liên tiếp ở Copa America, Argentina chỉ thua trong loạt sút luân lưu. Tức là Messi đã mang Argentina đến sát vinh quang lắm rồi, nhưng số phận dường như vẫn muốn chơi khăm chàng trai Argentina khốn khổ.

Ba ngày nữa, 24/6, Messi sẽ chính thức bước sang tuổi 31. Nhưng tình thế có vẻ vẫn vậy. HLV Jorge Sampaoli, một “fan cuồng” của Messi, vẫn xây dựng đội bóng xung quanh anh. Messi vẫn phải thi đấu trong một tập thể không có hệ thống ổn định. Trong 18 trận ở vòng loại, Argentina dùng ba HLV khác nhau và 45 cầu thủ. Lucas Biglia nói: “Không có Messi, chúng tôi chỉ là một đội bóng tầm thường”.

Là một HLV có thực tài, Sampaoli chính là người dẫn dắt Chile đánh bại… Argentina ở chung kết Copa America 2015, mang về danh hiệu đầu tiên cho Chile trong lịch sử. Ông thích lối chơi tấn công và pressing, nhưng lại thiếu những tiền vệ và hậu vệ biên đủ giỏi để khai triển cách chơi ấy. Rốt cục, Sampaoli vẫn sao chép nguyên xi bài vở của các vị tiền nhiệm: biến Argentina thành tập thể kiểu "Messi và những người bạn".

Bị Iceland cầm hòa 1-1 trong trận ra quân, giờ áp lực buộc Argentina phải hạ Croatia. Messi lại chịu áp lực phải chuộc lại quả phạt đền hỏng ăn trận gặp Iceland. Một tập thể tràn ngập ngôi sao như Argentina một lần nữa dồn hết gánh nặng lên vai Messi. Argentina như một lão lái buôn, có một dàn ngựa thồ khỏe mạnh nhưng lại chất hết đồ lên người một con dê. 

Và con dê ấy vẫn lầm lũi tiến bước, trong chuyến thồ hàng cuối cùng của đời mình.

Hoài Thương