Đức đang từng bước "làm phẳng đường cong" của Covid-19, nhưng người dân chưa thể quay lại nhịp sống hoàn toàn bình thường như trước, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 15/4 tại thủ đô Berlin để thông báo về kế hoạch giúp nước Đức bắt đầu nới dần các hạn chế về kinh tế, xã hội được áp đặt để ngăn nCoV lây lan.
"Chúng tôi đã đạt được điều gì đó, điều không phải mặc nhiên mà có ngay từ đầu, khi giúp các bác sĩ và nhân viên tại tất cả các cơ sở y tế không bị quá tải", bà Merkel nói. "Những gì chúng tôi đạt được chỉ là thành công tạm thời, không hơn, không kém. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng đó chỉ là thành công tạm thời hết sức mong manh", bà nhấn mạnh thêm.
Trong tuần mà một số quốc gia nhỏ hơn ở châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn dịch, nhiều người háo hức chờ đợi kế hoạch mở cửa nền kinh tế của Đức. Những thông báo mới của Thủ tướng Đức Merkel được đưa ra sau khi chính phủ công bố bản đánh giá ảm đạm về tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, trong đó nói rõ quốc gia này đứng trước một cuộc suy thoái lớn và thất nghiệp gia tăng.
Thủ tướng Đức cảnh báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đóng cửa thêm 20 ngày nữa, trong khi các nguyên tắc cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, theo kế hoạch mở cửa kinh tế của bà, một số cửa hàng sẽ được phép hoạt động trở lại từ đầu tuần tới nếu đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để duy trì cách biệt cộng đồng.
Những cơ sở kinh doanh đầu tiên được phép mở cửa là hiệu sách, cửa hàng xe đạp và đại lý xe hơi. Nhưng tất cả họ phải đảm bảo hạn chế lượng khách trong cửa hàng, trong khi phải tránh tình trạng xếp hàng dài đợi bên ngoài.
Tất cả trường học sẽ đóng cửa thêm ba tuần, nhưng trường tiểu học và mẫu giáo có thể còn lâu hơn, Thủ tướng Merkel cho hay. Học sinh trung học trở lên có thể được phép quay lại trường vào tháng 5, nhưng điều này sẽ tùy thuộc vào những thay đổi liên quan tới việc đưa đón học sinh bằng xe buýt, như chia từng nhóm nhỏ, sử dụng khẩu trang và thực hiện cách biệt cộng đồng.
Chính phủ Đức cũng lập tức khuyến nghị người dân sử dụng khẩu trang tại không gian công cộng kín như cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng, nhưng không bắt buộc giống như ở Áo.
Nhà hàng và quán bar vẫn chưa thể mở cửa trong khi những sự kiện thể thao lớn như các trận bóng tiếp tục bị cấm tới 31/8. Các buổi lễ tôn giáo cũng chưa thể nối lại cho tới khi các địa điểm này có những biện pháp an toàn đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn cho các tín đồ.
Merkel cho biết sau mỗi hai tuần, chính phủ Đức sẽ dựa vào số ca nhiễm được báo cáo để đánh giá tác động của từng biện pháp nới lỏng và tránh nguy cơ nCoV bùng phát trở lại.
"Dục tốc bất đạt, ngay cả khi ý tưởng là rất tốt. Chúng ta cần hiểu rằng phải sống chung với nCoV cho tới khi nào tìm ra vaccine và cách điều trị", Thủ tướng Merkel khẳng định.
Đức là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng đã có những phản ứng nhanh và quyết liệt để ngăn dịch bệnh lây lan. Một tháng trước, khi ghi nhận 90 ca tử vong vì nCoV, chính quyền Thủ tướng Merkel đã áp quy tắc cách biệt cộng đồng rất khắt khe, theo đó cấm tụ tập quá hai người không sống cùng nhà và đóng cửa phần lớn nền kinh tế.
Tới ngày 15/4, Đức báo cáo 136.616 ca nhiễm và 3.428 ca tử vong, trở thành vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Tây Ban Nha và Italy. Nhưng số ca nhiễm hàng ngày đang giảm dần và tỷ lệ tử vong vẫn ở mức khá thấp so với các quốc gia khác.
Chiến lược xét nghiệm sớm và rộng khắp của Đức, cùng số lượng giường chăm sóc tích cực lớn được xem là "chìa khóa" giúp quốc gia này giữ tỷ lệ tử vong thấp. Nhưng bên cạnh đó, niềm tin của người dân vào khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Merkel và ý thức tuân thủ các biện pháp hạn chế của chính phủ cũng góp phần không nhỏ vào thành công của Đức, theo các nhà virus học.
Vẫn theo cách làm quen thuộc như trong các giai đoạn trước của đại dịch, bà Merkel đã tham vấn nhiều ý kiến của cố vấn, chuyên gia trước khi đưa ra thông báo ngày 15/4. Bà đã nghiên cứu các khuyến nghị từ 26 học giả hàng đầu trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm đạo đức và tâm lý học hành vi, trước khi đạt được đồng thuận với thủ hiến 16 bang của Đức.
Sự đồng thuận rộng rãi này có thể được thấy rõ khi bộ trưởng tài chính, thủ hiến bang Bavaria và thị trưởng Hamburg đã đứng cạnh bà Merkel trong cuộc họp báo kéo dài hàng giờ hôm 15/4.
"Đức đi theo triết lý tập thể và các cuộc tranh luận trong những ngày gần đây đã kết thúc với kết quả tốt đẹp. Tất cả các bang hoàn toàn đồng thuận với chiến lược của chính quyền liên bang và đây là một chiến lược thận trọng", Markus Soder, thủ hiến Bavaria, người từng không ít lần chỉ trích Thủ tướng Merkel, cho hay.
Trong cuộc họp báo ngày 15/4, Thủ tướng Merkel cảm ơn người dân vì đã tuân thủ những quy định cách biệt cộng đồng khắt khe và hy sinh cuộc sống bình thường vì quá nhiều hạn chế, đồng thời nhấn mạnh rằng thành công của Đức trong việc kiểm soát Covid-19 là nhờ vào sự hợp tác của họ.
"Đường cong của dịch đang được làm phẳng", Merkel ám chỉ tới số ca nhiễm trong ngày đang giảm. Nhưng bà cảnh báo không nên quá chủ quan với cảm giác an toàn sai lầm, bởi những thành công này có thể nhanh chóng bị đảo ngược.
"Chúng ta không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu bây giờ chúng ta từng bước để cuộc sống bình thường trở lại, điều quan trọng là chúng ta phải theo dõi các chuỗi lây nhiễm một cách hiệu quả hơn. Mục tiêu của chúng ta là theo dõi mọi chuỗi lây nhiễm", bà nói.
Trước khi kết thúc họp báo, Thủ tướng Merkel khẳng định khả năng xét nghiệm của Đức sẽ được cải thiện. Hiện tại, Đức có thể xét nghiệm 100.000 người mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Sáng 15/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra lộ trình cho 27 quốc gia thành viên lên kế hoạch về chiến lược "thoát hiểm" của họ. Đứng đầu trong các khuyến nghị của EC là cơ chế xét nghiệm kiểu Đức, cho phép theo dõi và cách ly tất cả người nhiễm nCoV, đồng thời cho phép những người khỏe mạnh từng bước quay lại cuộc sống thường ngày.
Thủ tướng Merkel cũng đưa ra những giải thích chi tiết về cơ sở khoa học đằng sau kế hoạch của bà. Một biến số quan trọng mà chính phủ đang xem xét là tỷ lệ lây nhiễm, tức là số người bị nhiễm nCoV từ một người mang virus.
Bà Merkel cho biết tỷ lệ này hiện là 1, đồng nghĩa cứ một người nhiễm nCoV sẽ lây bệnh cho một người khác. Nếu tỷ lệ này tăng lên 1,1, hệ thống y tế Đức sẽ "chạm ngưỡng" vào tháng 10. Nhưng nếu để nó tăng lên 1,2, tức là cứ trong 5 người nhiễm có một người lây cho hai người khác, hệ thống y tế sẽ đứng trước nguy cơ quá tải vào tháng 7.
"Nếu là 1,3, chỉ tới tháng 6 là hệ thống của chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ quá tải. Do đó, mọi người có thể thấy thời gian nghỉ ngơi của chúng ta ít tới mức nào. Toàn bộ diễn biến đó sẽ phụ thuộc vào số người nhiễm mà chúng ta có thể giám sát", bà Merkel nhận định.
Katrin Bennhold, biên tập viên tờ NYTimes, nhận định Thủ tướng Merkel, người từng là nhà vật lý công tác tại Viện Hóa Lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức, đã bám sát vào khoa học khi thận trọng đưa ra kế hoạch mở cửa từng bước của chính phủ. Nhờ vậy, bà đã giành được sự đồng thuận của các lãnh đạo vùng trong một hệ thống nhà nước liên bang phức tạp của Đức.
Không dùng những từ ngữ khoa trương, thông báo của Thủ tướng Merkel dường như một lần nữa khiến Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được xem như lá cờ đầu của châu Âu và hình mẫu cho các quốc gia phương Tây đang loay hoay với bài toán mở cửa kinh tế trong khi chống Covid-19.
Bennhold cũng đánh giá cách tiếp cận của bà Merkel hoàn toàn trái ngược với tình cảnh hỗn loạn và chia rẽ trong nền chính trị Mỹ, nơi các thống đốc bang đang lập liên minh để chống lại ý chí áp đặt của Tổng thống Donald Trump, người sốt sắng muốn mở cửa trở lại nền kinh tế, dù không dựa trên căn cứ khoa học nào.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)