Mercedes đang tiến hành triệu hồi tổng cộng 2.909 xe các loại để khắc phục lỗi, bao gồm cả nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước. Trong đó, 2.014 chiếc C200 (thế hệ W206), E180, E200, E300 (thế hệ W213) và GLC200 (thế hệ X253) có hệ thống bơm nhiên liệu gặp lỗi, nguy cơ khiến xe ngừng hoạt động. Những xe này sản xuất trong nước giai đoạn tháng 8/2021-9/2022.
Ngoài ra, 244 chiếc AMG GT 53 4Matic, GLS 450 4Matic ( thế hệ X167), Maybach GLS 480 4Matic S450 (thế hệ V223), V250 cũng bị triệu hồi. Những mẫu xe nhập khẩu này được triệu hồi với nguyên nhân và thời gian sản xuất tương tự các dòng C200, E180... ở trên.
Theo hãng xe Đức, bơm nhiên liệu trên các xe bị ảnh hưởng có thể không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chức năng bơm nhiên liệu có thể bị suy giảm trong một số điều kiện nhất định, thậm chí ngừng hoạt động. Trong trường hợp này, xe có thể chết máy, gây ra rủi ro va chạm hoặc tai nạn khi vận hành trên đường.
651 chiếc Mercedes còn lại trong danh sách triệu hồi thuộc dòng GLC200, GLC300 4Matic (thế hệ X254) mới nhất. Nguyên nhân triệu hồi được xác định do lỗ ren lắp móc kéo xe ở thanh ngang phía trước có thể không đáp ứng các thông số kỹ thuật. Hãng không loại trừ khả năng mối nối bu lông bị lỏng khi chịu tải, dẫn đến nguy cơ tai nạn.
Tất cả các xe kể trên được các đại lý của hãng tiếp nhận triệu hồi và khắc phục lỗi miễn phí, từ 8/12. Thời gian mỗi xe hoàn thành việc sửa chữa khoảng 1,5-4 giờ, tùy loại.
Mercedes cho biết chưa ghi nhận sự cố nào liên quan đến các lỗi trên. Hãng triệu hồi để khắc phục như một biện pháp phòng ngừa.
Mercedes là thương hiệu hạng sang lắp ráp nhiều xe nhất tại Việt Nam. Nhà máy tại quận Gò Vấp, TP HCM là nơi xuất xưởng của các dòng C-class, E-class, GLC (trừ các bản coupe) và mới đây nhất là AMG C 43. BMW, đối thủ lớn nhất của thương hiệu ngôi sao ba cánh, đang được Trường Hải lắp ráp một số dòng tại nhà máy ở Quảng Nam, gồm X3, X5, Series 3 và Series 5.
Phạm Trung