Tài xế Vũ Thị Hồng Thái (47 tuổi), người lái ôtô Mercedes tông ba xe máy rồi gây cháy sáng 20/11 ở chân cầu vượt Lê Văn Lương (Hà Nội) nói "do đi giày cao gót" nên đạp nhầm chân ga.
Trước tình trạng nhiều phụ nữ lái ôtô gây tai nạn liên hoàn xảy ra thường xuyên, độc giả Phuong Nguyen cho rằng: "Đạp nhầm chân ga với chân phanh thì có liên quan gì đến giày cao gót? Chẳng qua người cầm lái mất tập trung và xử lý tình huống kém thôi, đừng đổ tội cho giày".
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Anh Nam Phùng: "Đôi giày làm gì có tội, chẳng qua phản xạ kém, mà đường Việt Nam thì quá đông. Xe thì lại quá khỏe".
"Mang giày cao gót đạp nhầm chân ga, đồng ý là xe số tự động rất nhạy chân ga nhưng nếu người lái luôn chuẩn bị với tâm lý phía trước tay lái là sự sống, luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm,ý thức khi lái xe và điều cơ bản nhất là phải có thời gian tập lại cho cứng, cho phản xạ quen khi lái thì cũng không đến nỗi gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi nghĩ cần thiết nên áp dụng giờ tập lái phải đạt được bao nhiêu giờ thì mới được cấp bằng" độc giả hoàng phúc đỗ.
Tuy nhiên độc giả Minh cho rằng mang giày cao gót dẫn đến việc đạp nhầm phanh là hoàn toàn có cơ sở: "Nếu từng lái ôtô bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong điều khiển chân ga và chân thắng giữa khi mang dày và khi mang dép không có quai hậu (khó điều khiển hơn vì khi rút chân ra hay xoay cổ chân thì mang dép rất khó thao tác). Việc phụ nữ mang giày cao gót (làm cho gót chân cao hơn nhiều so với sàn xe) sẽ rất khó trong việc thao tác cổ chân hoặc tư thế đạp ga, phanh (thường thì thì chỉ để khoảng 30-35% chiều dài bàn chân trên phanh hoặc ga, nhưng khi đi giày cao gót thì có khi phải để hơn 60% chiều dài bàn chân, dẫn đến khó xoay cổ chân để chuyển từ ga sang phanh".
(Xem thêm: Nhiều phụ nữ lái ôtô tông loạt xe máy - hiện tượng hay bản chất?)
"Ước gì chị ấy lường trước được sức mạnh của chiếc xe mình vừa mua để tập làm quen với nó dần dần ở những cung đường vắng vẻ hơn. Tôi tưởng tượng cũng thấy rất khó khăn để chuyển một cách chính xác từ bàn đạp ga qua phanh thật nhanh khi mang đôi giầy cao gót, điểm tựa vừa cao vừa nhỏ khó thăng bằng, điểm tiếp xúc bàn đạp thì nhọn và nhỏ khó chính xác, lỡ hụt một phát thì hoảng loạn là điều chắc chắn, nhất là khi lái chiếc xe lạ thì cảm giác vị trí hai bàn đạp chưa ghi nhớ tự nhiên trong não được. Buồn cho cả nạn nhân và người gây tai nạn", độc giả Trịnh Lê Hiếu.
Độc giả Phương Anh chia sẻ: "Tôi là phụ nữ, lái xe 10 năm rồi, không bao giờ đi giày gót nhỏ, cho dù chỉ là giày gót cao 3-5cm, để lái xe. Câu "thần chú" khi lái xe số tự động là: Nhả ga thì rà phanh. Khi xe chạy đều, không cần đạp ga thì chân phải phải để ở phanh để nếu có cuống thì phản xạ tự nhiên sẽ là đạp phanh".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.