GLC là tên gọi khác của GLK khi hãng xe sang Đức thay đổi hệ thống định danh và có thể coi là "phiên bản SUV của C-class" khi phát triển trên nền khung sườn chiếc sedan hạng sang cỡ nhỏ ăn khách nhất của Mercedes tại Việt Nam.
Không khó để nhận ra Mercedes làm gì với GLC bởi mẫu SUV có vóc dáng gần như tương đồng với các anh em trong nhà như GLE hay GLS. Những người từng phân vân về một GLK quá góc cạnh và đàn ông nay có thể nhìn GLC với con mắt khác. Đường nét mượt mà bóng bảy điệu đà theo phong cách "unisex" mà giới truyền thông vẫn gắn cho Mercedes thời gian gần đây. Bởi hãng xe Đức đang có chiến lược hướng về phụ nữ.
Tuy nhiên, ai đã mê về một GLK phong trần rắn rỏi đàn ông sẽ phải tạm biệt phong cách đó bởi Mercedes không giữ một chút nào quá khứ. Dù sao, đó là sự thay đổi cần thiết, nhất là khi đang có sự thành công của C-class và cả GLC trên thị trường thế giới.
So với GLK, GLC trường xe và đầy tính khí động học. So với các đối thủ như Audi Q5 và BMW X3, GLC mượt mà lịch duyệt hơn dù có thể chưa hẳn cá tính bằng.
Mọi kích thước của GLC đều lớn hơn GLK. Chiều dài kéo thêm 120 mm và rộng hơn 50 mm. Chiều dài cơ sở ở mức 2.873 mm, lớn hơn so với Audi Q5 và BMW X3 nên không gian nội thất mở rộng, tạo sự khoáng đạt rộng mở.
Khoang nội thất có nhiều tương đồng với C-class, sử dụng phần lớn các đường cong và pha trộn giữa chất liệu da, gỗ và hợp kim tạo nên không gian nhiều cảm xúc. Cửa sổ trời toàn cảnh panorama. Đèn viền nội thất 3 màu và hệ thống âm thanh Burmester 13 loa công suất 590 W.
Mercedes đưa hai phiên bản GLC ra thị trường là GLC250 4Matic và GLC300 4Matic. Bản GLC250 trang bị động cơ 2 lít I4 công suất 211 mã lực, mô-men xoắn cực đại 350 Nm.
Bản GLC300 cũng trang bị động cơ 2 lít I4 nhưng có công suất cao hơn là 245 mã lực và mô-men xoắn cực đại 370 Nm.
Cả hai đều trang bị hệ dẫn đông 4 bánh toàn thời gian 4Matic và hộp số tự động 9 cấp 9G-Tronic. GLC là chiếc SUV đầu tiên trang bị hộp số 9 cấp này tại Việt Nam.
Mercedes thiết lập 4 chế độ chạy Comfort (êm ái), Eco (tiết kiệm nhiên liệu), Sport (thể thao) và Sport + (thể thao nhất). Người lái có thể lựa chọn các chế độ chạy tùy theo phong cách của mình. Một trong những điều làm nên sự khác biệt so với Mercedes truyền thống.
Ở địa hình, GLC có các chế độ Slippery khi mặt đường trơn trượt. Off-road dành cho các địa hình sỏi đá bãi cát hay đường mòn. Incline dành cho đường đèo, dốc đứng hoặc mấp mô. Cuối cùng là Trailer khi kéo thêm rơ-moóc hay khởi động trên mặt cỏ.
Trang bị an toàn của Mercedes GLC vẫn đầy đủ theo truyền thống đặt hành khách vào trung tâm như chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử ESP, phân bổ lực phanh điện tử EBD. Phanh khẩn cấp tự động. Phòng ngừa va chạm Collision Prevention Assist Plus có khả năng tự động giảm tốc khi gặp nguy hiểm. Cụm đèn trước tự động điều chỉnh tầm chiếu xa khi gặp xe ngược chiều, mở rộng góc chiếu khi cua. Camera hỗ trợ lùi.
Mức giá dành cho GLC250 là 1,769 tỷ đồng và GLC300 là 1,919 tỷ đồng, đã bao gồm thuế GTGT. Nhờ lợi thế lắp ráp nên mức giá của GLC tốt hơn rất nhiều so với các đối thủ như BMW X3 đang có giá từ 2 tỷ đến 2,4 tỷ đồng. Chưa kể hệ thống bán hàng của Mercedes phủ rộng hơn rất nhiều.
Với GLC, Mercedes kỳ vọng nâng tỷ lệ xe SUV lên mức 30% trong doanh số bán hàng. Đặc biệt là lấy thị phần từ đối thủ Nhật là Lexus.
>> Thêm ảnh Mercedes GLC tại Việt Nam
Trọng Nghiệp
Ảnh: Đức Quang