Văn phòng làm việc ngày nay thường theo hướng không gian mở. Nhưng nó có thể là một cơn ác mộng, đặc biệt là khi việc bạn cần tập trung cao. Tiếng trò chuyện lớn tiếng của đồng nghiệp, chuông điện thoại liên tục reo... cũng đủ làm xao lãng. Đâu là cách tốt nhất để đối phó với tiếng ồn và phiền nhiễu trong văn phòng nhưng không bị xem là thô lỗ?
Karen Dillon, tác giả quyển "HBR Guide to Office Politics" nói rằng điều quan trọng là phải học cách đối phó với tiếng ồn ngoài mong muốn. Bạn cần có "các chiến lược sinh tồn" của riêng mình, cũng như một số quy tắc cơ bản. Sau đây là vài ý tưởng.
Hướng tới mặt tích cực
Chúng ta thường muốn có không gian riêng nơi làm việc. Một chút riêng ấy đảm bảo rằng các đồng nghiệp không thể tình cờ nghe được các cuộc điện thoại hoặc biết chính xác các trang web bạn đang truy cập. Tuy nhiên, cũng có nhiều lợi ích khi trở nên thân thiết với các đồng nghiệp. Sẽ có tiếng cười, sự hài hước, và bạn cảm nhận được sự hòa quyện công việc và cuộc sống.
Dillon khuyên nên cố gắng chấp nhận khái niệm văn phòng không gian mở bằng cách tập trung vào các mặt tích cực. Ít nhất, hãy cưỡng lại sự thôi thúc muốn trở thành người đầu tiên phàn nàn về tiếng ồn nếu không muốn bị xem là người khó tính hoặc hay bắt bẻ.
Thiết lập quy tắc nhóm
David Burkus, Phó giáo sư tại Đại học Oral Roberts (Mỹ), tác giả quyển "Friend of a friend" gợi ý nên thảo luận nhóm về cách mọi người có thể làm việc tối ưu trong văn phòng có không gian mở. Đầu tiên, bạn nên nói chuyện với quản lý vì tốt nhất là cuộc thảo luận này nên được đề ra bởi lãnh đạo.
Mục tiêu chung của nhóm là đưa ra "những quy tắc được thống nhất mà tất cả đều có thể tuân theo," Burkus nói. Ví dụ, khi một đồng nghiệp đang nói chuyện điện thoại, những người còn lại nên thì thầm. Hay giải pháp "chọn đồng minh như đôi mắt thứ hai cho bạn". Nếu đồng nghiệp ồn ào khi bạn đang nghe điện thoại, đồng minh này có thể lịch sự yêu cầu họ im lặng. Và bạn cũng sẽ làm điều tương tự cho họ.
Mua tai nghe
Theo Dillon, nên mua một tai nghe để chống ồn cho những lúc bạn cần tập trung cao. Bạn có thể nghe bất cứ thứ gì giúp làm việc hiệu quả nhất. Tai nghe cũng có tác dụng như một sự nhắc nhở trực quan rằng nếu như hoàn toàn không cần thiết thì đừng làm phiền bạn.
Tuy nhiên, "Hãy thận trọng với tần suất bạn sử dụng chúng," Dillon khuyến nghị nên thể hiện bạn vẫn là một phần của nhóm. Burkus thì nói rằng có những nhóm dùng "mật mã tai nghe" để biểu đạt mức độ tập trung của họ. Cụ thể, đeo cả hai tai nghe tức "Để tôi yên. Tôi đang tập trung. "Đeo một tai và bỏ một tai ở ngoài là "Hãy hỏi trước khi làm gián đoạn". Bỏ hai tai nghe ở ngoài nghĩa là "Tôi có thể trả lời bạn."
Di chuyển quanh văn phòng
Mọi người đều cần một nơi làm việc có thể "suy ngẫm, viết và động não mà không có phiền nhiễu," Dillon nói. Ngay cả những văn phòng thiên về không gian mở nhất cũng có chỗ riêng dành cho những nhân viên cần yên tĩnh. Bạn nên tận dụng tối đa các phòng họp trống, các vách ngăn bán riêng tư và các căn phòng yên tĩnh.
"Khi đồng nghiệp ưa tám chuyện bắt đầu nói về phim Game of Thrones đêm qua, bạn có thể lấy máy tính xách tay và đi đến một chỗ khác trong văn phòng. Đi đến một tầng khác trong tòa nhà nếu được. Nhân viên nơi đó không biết bạn và do đó, bạn có thể ít bị phân tâm hơn", Burkus nói.
Tạm rời văn phòng
Nếu khó tập trung khi ở văn phòng, Burkus khuyên bạn thỉnh thoảng nên xin phép sếp được làm việc nơi khác, như thư viện hay một quán cà phê. Tùy thuộc vào việc đang làm, hãy đến nơi bạn cảm thấy thoải mái và có thể làm việc hiệu quả nhất. Chẳng hạn, bạn có thể nói với quản lý của mình, "Tôi cần tập trung khi viết những báo cáo này. Tôi có thể qua quán cà phê bên đường để hoàn thành chúng không?". Đây là yêu cầu nhỏ hơn so với yêu cầu làm việc tại nhà và do đó khó bị từ chối hơn.
Chuyển đổi bàn làm việc
Nếu vấn đề không phải là do văn phòng có không gian mở mà do một đồng nghiệp nói nhiều và ồn ào, có lẽ đã đến lúc xin quản lý chuyển bàn làm việc. "Bạn không nên chịu đựng", Dillon nói. Tuy nhiên, cũng đừng phàn nàn. Thay vào đó, hãy nói chuyện với sếp về cách bạn sẽ làm việc đạt hiệu quả hơn trong không gian mới.
Phiên An (theo Harvard Business Review)