Trí thông minh
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, con cái giỏi tính toán hoặc nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề logic mới gọi là thông minh. Song, theo học thuyết “Thông minh đa chiều” của Howard Gardner, trẻ thích vẽ vời, ca hát, chơi thể thao, quảng giao... cũng được gọi là sáng dạ.
Cha mẹ có thể quan sát sự thông minh của trẻ ở những khía cạnh sau:
Khả năng giải quyết vấn đề: Bé có khả năng tự giải quyết vấn đề trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của người khác như tìm cách mở cửa khi bị khóa, tìm cách lấy đồ vật trên cao...
Tư duy sáng tạo và tư duy trừu tượng: Tư duy sáng tạo của bé là có khả năng suy nghĩ, tìm tòi ra cái mới dựa trên nền tảng những thứ đang có. Ví dụ chỉ với một hình tròn, nhưng bé có thể vẽ thành ông mặt trời, một bông hoa hay một chiếc bánh. Còn nhắc đến tư duy trừu tượng là khả năng suy đoán, tổng kết từ thực tế để có được khái niệm tương ứng.
Khả năng quan sát và liên kết thông tin: “Ba ơi, hôm nay mẹ mới cắt tóc đó ba”; “Mẹ ơi, mấy hôm nay bạn Bi không sang chơi cùng con”,... những câu nói tưởng đơn giản nhưng thực tế lại cho thấy bé nhận ra sự thay đổi trong môi trường xung quanh, từ đó nhanh chóng hiểu được những gì đang diễn xung quanh mình.
Ham học hỏi, tìm hiểu và khám phá: “Mẹ ơi tại sao tại sao bầu trời lại màu xanh?”; “Cái này là cái gì vậy mẹ?”;... muôn vàn câu hỏi của trẻ là minh chứng cho sự tò mò, tinh thần ham học hỏi. Cha mẹ cũng thường bắt gặp trẻ bắt chước hay tự đóng vai bác sĩ, giáo viên,... Đó cũng là biểu hiện trẻ thích khám phá.
Tự tin
Nhà tâm lý học Carl Pickhardt, tác giả 15 cuốn sách nuôi dạy con nổi tiếng tại Mỹ khẳng định: một đứa trẻ thiếu tự tin sẽ ngại thử những điều mới mẻ hoặc thử thách, đồng nghĩa với việc bỏ lỡ các cơ hội.
Sự tự tin sẽ là động lực giúp trẻ làm chủ cuộc sống, từ đó dễ dàng đạt được thành công. Ba mẹ có thể nắm bắt lòng tự tin của trẻ ngay từ những hành động nhỏ bé hàng ngày như tự làm vệ sinh cá nhân mỗi sáng thức dậy, mạnh dạn trả lời câu hỏi của giáo viên hay tự giác xin lỗi khi biết mình mắc sai lầm.
Cha mẹ không nên cười các ý tưởng của con, dù chúng kỳ quặc thế nào. Ngoài ra, nên đưa bé tới những nơi mới, gặp người lạ, giao thử thách; cho trẻ học chơi nhạc cụ và bếp núc; tán thưởng thành công, chấp nhận thất bại của trẻ và sẵn sàng nhận sự góp ý, dạy bảo từ phía con cái.
Sẻ chia cảm xúc
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle từng nói: "Giáo dục tâm trí mà không có uốn nắn trái tim, thì coi như công cốc". IQ chỉ đóng góp khoảng 20% vào thành công tương lai của trẻ. Trẻ biết sẻ chia cảm xúc, biết quan tâm đến người khác, giúp đỡ những người bất hạnh... chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) cao sẽ sống hạnh phúc hơn.
Trẻ dưới 3 tuổi thường ái kỷ (chỉ biết yêu bản thân), nếu không uốn nắn thì khi 5-6 tuổi sẽ trở nên ích kỷ (chỉ biết quyền lợi cá nhân). Vậy nên, cha mẹ nên làm tấm gương đạo đức tốt, sau đó mới dạy con rèn thái độ tri ân, kiểm soát cảm xúc tiêu cực để tránh làm tổn thương người khác và quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội.
An San