Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ sáu, 16/4/2021, 10:00 (GMT+7)

Mẹo đi phỏng vấn xin việc

Cách sử dụng phụ kiện, cách trang điểm, phong thái, giọng điệu... là những điều có thể chuẩn bị trước, để thêm điểm cộng trong một cuộc phỏng vấn.

Tỏ ra tự tin

Theo Amy Cuddy, nhà tâm lý học xã hội tại Trường Kinh doanh Harvard, Mỹ, mọi người nên dành hai phút để sửa tư thế: nên ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, tay nâng hoặc chống hông.

Trước khi phỏng vấn, hãy thẳng vai, thả lỏng lưng, nâng cằm hoặc đơn giản là dựa lưng vào ghế. Bạn nên ra dáng một người chiến thắng.

Chọn quần áo phù hợp

Đừng giới hạn quần áo đều là những màu tối. Một chiếc áo có cổ bóng lấp ló sau áo blazer có thể khiến vẻ ngoài của bạn thú vị hơn. Cũng cần lưu ý rằng áo blazer (ví dụ như áo màu xanh), cũng như một chiếc áo khoác nỉ tối màu, trông rất phong cách chuyên nghiệp và trẻ trung.

Bạn có thể kết hợp không chỉ màu sắc mà còn cả hoa văn và họa tiết. Ngoài ra, đừng quên độ vừa vặn và hợp thời trang của quần áo.

Chọn phụ kiện

Một chiếc túi, đôi giày hoặc đồ trang sức sẽ hoàn thiện hình ảnh của bạn, giúp bạn tự tin, chuyên nghiệp và thu hút sự chú ý của người phỏng vấn hơn. Khi chọn phụ kiện, hãy tuân theo nguyên tắc “càng ít càng tốt”.

Phụ nữ nên tránh đeo hoa tai to hoặc nhiều vòng tay. Đàn ông không nên đeo gì ngoài đồng hồ đeo tay và nhẫn cưới. Giày dép phải gọn gàng và chính thống. Phụ nữ nên chọn những đôi giày cổ điển, kín mũi và đàn ông nên chọn những đôi giày buộc dây hoặc giày bệt.

Kiểu tóc và sơn móng tay của bạn không nên nổi bật. Nên soi gương trước khi rời khỏi nhà.

Trang điểm phù hợp

Đừng dán mi giả và sử dụng mascara không thấm nước. Không nên chọn mắt kẻ cứng. Son đỏ có thể chấp nhận được, nhưng phải trông hoàn hảo và là điểm nổi bật duy nhất trong tổng thể gương mặt. Son dưỡng môi không màu hoặc son dưỡng màu môi sẽ là lựa chọn hợp lý và đáng tin hơn.

Xưng hô bằng tên và tập trung vào cuộc trò chuyện

Khi bạn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc, bên cạnh thông tin về công ty, hãy cố gắng tìm hiểu tên người phỏng vấn, hoặc nhớ tên sau khi họ giới thiệu.

Gọi tên có thể giúp bạn và nhà tuyển dụng gần gũi hơn, tăng cơ hội nhận được việc làm.

Tự tin giới thiệu thành tích của bạn

Câu trả lời của bạn càng rõ ràng càng tốt. Nhớ lại những việc bạn đã làm tốt. Giám đốc nhân sự - nhà tuyển dụng Evan của Indeed khuyên bạn sử dụng phương pháp START (tình hình, nhiệm vụ, hành động và kết quả) để câu chuyện dễ hiểu với người nghe.

Hãy nói về đóng góp của cá nhân bạn trong việc giải quyết vấn đề, không phóng đại và cũng đừng quá khiêm tốn. Nếu có thể, hãy dẫn ra các con số - giải thích tỷ lệ phần trăm doanh số bán hàng tăng lên như thế nào khi bạn đến công ty hoặc số lượng người đăng ký mới mà tài khoản Instagram của thương hiệu nhận được sau khi bạn bắt đầu duy trì nó.

Kể về điểm yếu một cách tích cực

Nhiều người kể về điểm yếu của bản thân nhưng lại thuyết phục nhà tuyển dụng, thậm chí còn hiệu quả hơn kể ưu điểm. Ví dụ: "Tôi lười giao tiếp vì bận bịu với công việc".

Một nhà tuyển dụng rất hiểu cách bạn đương đầu với khó khăn. Vì vậy, cần chứng minh bạn nhận thức rõ điểm yếu của mình, đánh giá khách quan và nỗ lực cải thiện.

Thể hiện khiếu hài hước

Một cuộc khảo sát của Accountemps cho hay, 79% giám đốc tài chính cho rằng nhân viên có khiếu hài hước sẽ hòa nhập văn hóa doanh nghiệp tốt hơn. Các doanh nghiệp không thích những nhân viên "khó tính" và khô khan. Tuy nhiên, đừng lạm dụng, chỉ cần đủ để người đối diện thấy bạn thân thiện và nhạy bén.

Ngữ điệu sinh động

Người đối thoại với bạn có thể thấy buồn chán và thỉnh thoảng bị phân tâm bởi những suy nghĩ của chính họ. Bạn cần thay đổi tốc độ nói, giọng điệu và ngữ điệu để câu chuyện tươi sáng, có sức thuyết phục và truyền cảm hứng hơn.

Cách bạn truyền đạt suy nghĩ đến người khác không chỉ ảnh hưởng đến cách người phỏng vấn hiểu và đánh giá bạn, mà còn cả cách sếp và đồng nghiệp nhận định về bạn trong công việc.

Nhật Minh (Theo Brightside)