Ảnh: Corbis. |
Nhiều trẻ nhỏ có thói quen mút ngón tay. Đây là một trò chơi giúp trẻ thư giãn, bình tĩnh, bắt nguồn từ phản xạ bẩm sinh mút vú mẹ. Ở đa số trường hợp, thói quen này dần dần mất đi, nhưng một số cháu vẫn duy trì nếu bố mẹ không can thiệp. Trẻ 3-4 tuổi trở lên có thể mút tay do bố mẹ quá nghiêm khắc, cảm giác bị bỏ rơi lúc có em bé, hay stress do gặp khó khăn trong việc học hành, quan hệ với cô giáo, bạn bè... Những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin, sống khép mình hay có tật mút tay hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Anh Thư, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, tuy không phải bệnh lý nhưng mút tay là một thói quen có hại, trước hết là dẫn đến các bệnh về tiêu hoá. Khi thường xuyên đưa tay vào miệng, thì dù có rửa tay rồi, thì trẻ vẫn sẽ nhiễm rất nhiều vi trùng, virus, trứng giun sán... Trong khi đó, đường ruột còn yếu nên trẻ dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá.
Với trẻ 6 tuổi trở lên (bắt đầu thay răng sữa), thói quen mút tay có thể làm biến dạng hàm, chẳng hạn như hô hay móm.
Do đó, bác sĩ Thư khuyên các phụ huynh nên tìm cách "cai" sớm cho con nếu phát hiện trẻ có thói quen mút tay. Điều này đòi hỏi sự kiên trì của bố mẹ và những người lớn khác trong gia đình.
Với trẻ nhỏ, nên giám sát thường xuyên để kéo ra mỗi lần bé cho ngón tay vào miệng, đồng thời hướng trẻ đến một trò chơi thú vị nào đó để thu hút sự chú ý. Tốt nhất là chọn những trò chơi mà trẻ phải dùng cả hai tay để tham gia, chẳng hạn như ném bóng, mặc áo cho búp bê... Các mẹo vặt sau cũng được nhiều bà mẹ áp dụng hiệu quả:
- Cho trẻ đeo găng trùm cả bàn tay khi ngủ.
- Quấn băng y tế quanh ngón cái khi bé ngủ.
- Bôi thuốc đắng vào ngón tay (nên hỏi ý kiến bác sĩ về sự an toàn của thuốc).
Tuy nhiên, các mẹo trên phải được kết hợp với việc để ý nhằm ngăn trẻ mút tay, và thu hút sự chú ý của trẻ đến các trò chơi. Vào buổi tối, nên để con thật buồn ngủ mới đưa vào giường, giữ tay cho đến khi bé ngủ.
Với trẻ lớn, không nên áp dụng những giải pháp "bạo lực" như bôi thuốc hay quấn băng vào tay, bởi sẽ tác động xấu đến tâm lý của trẻ. Tốt nhất là nhẹ nhàng giải thích những tác hại của thói quen này. Nếu trẻ vẫn chưa bỏ được, không nên quát mắng hay quở trách vì cảm giác có lỗi, kém cỏi sẽ khiến trẻ mút tay nhiều hơn.
Có thể khuyến khích con chơi với bạn hơn tuổi, vì trẻ lớn thường "khó tính" với những trẻ bé hơn, và con bạn có thể cố bỏ mút tay để được chấp nhận.
Bạn cũng nên tìm hiểu tâm tư tình cảm của con xem trẻ có gặp khó khăn gì không. Nên gần gũi để trẻ không cô độc, khích lệ lòng tự hào của trẻ. Nếu thấy khó khăn trong việc "cai" mút tay cho con, bạn nên nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Hải Hà