Vị giác và khứu giác là hai giác quan phát triển sớm ngay từ lúc còn trong chiếc bụng ấm áp của mẹ, được phát triển và hoàn thiện khi thai nhi đạt từ 11 tuần đến 15 tuần tuổi. Bào thai hoàn toàn có thể cảm nhận được các hương vị khác nhau tùy vào chế độ ăn của mẹ và nghe được tiếng mẹ thầm thì. Từ lúc lọt lòng, bú sữa mẹ đến quá trình chạm ngõ ăn dặm, hai cơ quan này cũng phát triển dần theo.
Vị giác của bé rất nhạy cảm. Khi mẹ đưa thức ăn vào, bé có những biểu hiện thích thú với vị ngọt và tẩy chay vị chua, đắng. Trong khi đó, khứu giác dẫn đường trẻ tìm mẹ qua mùi hương quen thuộc như mùi sữa, mùi quần áo hay mùi cơ thể mẹ qua mỗi lần ôm ấp.
Vì thế, giai đoạn ăn dặm là lúc mẹ cần chú ý áp dụng các phương pháp để hỗ trợ bé phát triển hai giác quan quan trọng này.
Mẹ có thể vừa gắn kết tình cảm, vừa tăng sự nhạy bén của vị giác và khứu giác cho bé thông qua các trò chơi vận động thể chất.
Mẹ hãy thử thách khả năng cảm nhận hương vị của bé bằng cách chuẩn bị một cái bát to có trộn lẫn 2 món trái cây tươi và vài quả bóng nhỏ rửa sạch. Sau đó mẹ bảo trẻ nếm một món bất kỳ trong bát, nếu trẻ bốc miếng trái cây thì mẹ nói cho bé biết đó là quả gì, vị chua hay ngọt. Còn nếu trẻ bốc quả bóng thì hãy khen ngợi trẻ và nói với trẻ rằng “quả bóng này không ăn được con nhé”.
Trò chơi này rất hiệu quả trong việc phát triển các kỹ năng vận động như trườn bò, cầm nắm cũng như kích thích vị giác, giúp não ghi nhớ vị của từng trái cây khác nhau, đồng thời nâng cao khả năng nhận thức của trẻ.
Trò chơi dùng hương vị của các loại bột ăn dặm cũng được nhiều mẹ lựa chọn. Trong mỗi bữa ăn, mẹ có thể dùng bột yến mạch, bột gạo trái cây để khuyến khích bé trườn tới chén bột.
“Thơm quá con à, con đến đây rồi mẹ cho nếm thử nào", mẹ có thể mời gọi con bằng những hành động nhỏ như vậy. Những trò chơi đơn giản nhưng vô cùng hữu ích trong việc phát triển khứu giác của trẻ. Qua đó việc ngửi thường xuyên như thế sẽ giúp trẻ nhanh làm quen với món mới hơn.
Một cách khác, mẹ có thể dùng hương thơm nhẹ nhàng của hoa hồng, oải hương, bạc hà để trẻ có thể ngửi và cảm nhận nhiều mùi hương khác nhau. Mẹ nên làm thành nhiều chiếc lọ hương thơm khác nhau và dán nhãn bằng các màu sặc sỡ xanh, vàng, đỏ. Khi lấy một lọ cho bé ngửi, hãy nói thật to và rõ tên của mùi hương đó, lặp đi lặp lại nhiều lần. Có thể đưa lên cao và khuyến khích bé rướn lên để lấy. Cách làm này vừa rèn luyện khả năng vận động, vừa kích thích khứu giác trẻ phát triển.
Song song với các hoạt động thể chất, mẹ cần đảm bảo bữa ăn của trẻ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để hấp dẫn vị giác, khứu giác, giúp bé ăn dặm ngon miệng, ăn nhiều hơn.
Kẽm, sắt, vitamin D3, A, C trong bột ăn dặm sẽ hỗ trợ cho hệ miễn dịch của bé. Chất lysin và các vitamin nhóm B kích thích bé ăn ngon miệng hơn và DHA và lutein hỗ trợ phát triển trí não của bé.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương
Chuyên gia về giáo dục trẻ em tuổi đầu đời