Chị Nguyễn Cát Tiểu Giang hiện là R&D Developer tại Nhật Bản, đồng thời là mentor (chuyên gia hướng dẫn) tại đơn vị đào tạo trực tuyến FUNiX. Ngày 5/9, chị là diễn giả trong chương trình chia sẻ dành cho sinh viên học lập trình tại FUNiX.
Chị Tiểu Giang khẳng định: "Nghề lập trình không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo. Tôi chuyển từ một học sinh chuyên Anh sang học công nghệ thông tin khi không có nền tảng về ngành. Tôi đi theo code chỉ với niềm đam mê. Hiện tại, tôi rẽ sang lĩnh vực IOT. Với sự "lì lợm" và đam mê, bạn hoàn toàn có thể "dev đến già" cũng như đạt được những thành công trong sự nghiệp".
Chị Giang cho biết, lộ trình phổ biến trong ngành lập trình gồm 3 cấp độ: Junior (Sơ cấp) - Mid - Senior (Trung cấp) và Senior (Cao cấp). Tùy vào mỗi công ty, các cấp độ có thể được phân chia ở nhiều mức hơn. Như ở FPT Software sẽ gồm 6 cấp độ từ Dev1 đến Dev6. Thời gian để một người có thể chuyển từ cấp độ này sang cấp độ khác trong ngành phụ thuộc vào năng lực của mỗi người, nhưng trung bình sẽ mất từ 3- 5 năm để phát triển đến cấp độ Mid - Senior; 7-10 năm để phát triển đến cấp độ Senior.
Bằng cấp quan trọng
Theo chị Tiểu Giang, nhiều người cho rằng "bằng cấp không quan trọng". Thực tế để có một bước nhảy vọt trong sự nghiệp, khi không sở hữu bằng cấp bạn cần phải nắm vững ít nhất một kỹ năng chuyên môn đặc thù, hay làm ra sản phẩm được cộng đồng công nhận. Đây không phải là lối đi dễ dàng, và chỉ có một số cá nhân xuất sắc – ví dụ như Nguyễn Hà Đông làm được.
Trái lại, bằng cấp giúp các bạn có một lộ trình chắc chắn hơn trong ngành. Việc học tiếp lên Thạc sỹ, Tiến sỹ cần thiết để mỗi người khẳng định năng lực, bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm cho mình, rộng mở đường thăng tiến.
Tham gia buổi trò chuyện, Bảo An, 16 tuổi, đang học lập trình tại FUNiX băn khoăn có cần học thêm đại học không? Mentor Tiểu Giang chia sẻ, FUNiX có chương trình được thiết kế cho người học muốn lấy bằng đại học ngành công nghệ thông tin. Chương trình học tại FUNiX cung cấp các kiến thức kỹ năng cốt lõi ngành kỹ thuật phần mềm, hoàn thành chương trình, nếu muốn lấy bằng Đại học, học viên được chuyển đổi tín chỉ tương đương tối đa để học tiếp lấy bằng cử nhân tại trường Đại học FPT.
Ngoài ra, học viên hoàn thành ba chứng chỉ đầu tiên đủ điều kiện phỏng vấn đầu vào vị trí Fresher tại FPT Software. "Theo học lập trình sớm, học sinh THPT hoàn toàn có thể học FUNiX để vừa có cơ hội lấy bằng sớm, vừa đi làm, và nên học tiếp lên Thạc sỹ để nắm bắt lợi thế trong sự nghiệp", chị Giang đưa ra lời khuyên.
Nữ mentor cũng khẳng định học lập trình không bao giờ là quá trễ. Dù bạn 29 tuổi mới bắt đầu, 38 tuổi mới làm Fresher, hay đổi hướng công việc khi lớn tuổi... vẫn có cơ hội trong nghề. Điều cần là bạn hiểu rõ năng lực của bản thân, hiểu đam mê, có mục tiêu rõ rệt và bĩnh tĩnh tiến tới.
Những hướng đi khi làm lập trình
Mentor Tiểu Giang gợi ý về những hướng phát triển của người làm lập trình. Trong đó, có những hướng đi mà nhiều bạn trẻ băn khoăn như: Làm trong công ty hay làm tự do (freelancer)? Theo chị Giang, freelancer có nhiều lợi thế như chủ động hơn so với làm trong công ty, nhưng số người đi lên và thành công chỉ với freelancer không nhiều. Việc bắt đầu làm cho một công ty để có kinh nghiệm, kiến thức rồi mới bắt đầu làm freelancer sẽ giúp bạn nắm bắt được nhiều cơ hội hơn.
Làm cho doanh nghiệp chuyên outsource hay startup? So sánh hai hướng đi này, mentor Giang nhận định, làm việc tại công ty phần mềm phải tuân theo những quy trình chỉn chu, rõ ràng. Startup thì coi trọng ý tưởng sáng tạo, tuy nhiên ý tưởng đột phá để đi đến kết quả tốt rất ít, các bạn trẻ muốn startup cần phải tỉnh táo, có kiến thức tốt để tránh "ngã ngựa".
Lập trình viên mới ra trường nên rèn luyện trong môi trường kỷ luật để gắn bó lâu dài với nghề, có cơ hội thăng tiến, thu nhập tốt.
Lập trình viên theo hướng R&D (nghiên cứu và phát triển) là hướng phát triển sâu và phù hợp với các bạn có đam mê. Mentor Giang gợi ý, với các bạn trẻ muốn theo R&D, nên làm một Software Engineer trong vòng một – hai năm để lấy kinh nghiệm, có cái nhìn tổng thể về hệ thống, nhờ đó sẽ phát triển thuận lợi hơn.
"Khi bạn còn trẻ, còn thời gian, nên tận dụng để phát triển toàn diện kỹ năng nền tảng để con đường làm R&D suôn sẻ. Ngoài ra, việc học cao hơn lên thạc sỹ, tiến sỹ là cần thiết khi phát triển theo hướng R&D", chị Giang nói.
Quỳnh Anh
FUNiX là đơn vị đào tạo trực tuyến chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin hiện có hơn 7.000 sinh viên. FUNiX đào tạo bằng phương pháp học chủ động, có sự dẫn dắt của đội ngũ hơn 3.000 mentor - các chuyên gia công nghệ.
Sinh viên có thể tùy chọn theo các chương trình như học để đi làm, học chuẩn bị để lấy bằng Đại học Công nghệ thông tin, học để nâng cao kiến thức... nhiều bạn có cơ hội việc làm trong ngành công nghệ thông tin sau hai, ba chứng chỉ đầu.