Menswear là cách biến tấu những món đồ vốn chỉ dành cho đàn ông trở nên hài hòa, thanh lịch và cá tính với cơ thể phụ nữ. Không phải là dạng rộ lên rồi tắt lịm, menswear âm ỉ tồn tại trong chuỗi dài lịch sử thời trang thế giới, là phong cách mà chỉ có những phụ nữ thực sự có gu mới tìm đến và mặc được, mặc đẹp.
Vài năm trở lại đây, menswear len lỏi vào cách kết hợp trang phục của nhiều bộ sưu tập lẫn show diễn. Với xu hướng xuân hè, Gucci tung hàng loạt bộ suit in hoa, may rộng hơn và đầy phóng khoáng trong cả hai bộ sưu tập dành cho nam và nữ. Còn Chanel khiến nhiều tín đồ khấp khởi khi trình làng những chiếc quần âu ống rộng, có đai hoặc không đai, mặc cùng áo sơ mi cổ điển. Để ý kỹ, các tín đồ làng mốt sẽ thấy, giày đế bệt như oxford, loafer bỗng bùng nổ mạnh mẽ thời gian qua. Chưa kể, trào lưu diện váy trùm quần là một cách khéo léo để tôn vinh những chiếc quần âu ôm dáng hoặc thụng.
Khởi nguồn của menswear
Là người đi tiên phong trong lĩnh vực đồ menswear cho nữ giới vào thập niên 1930, nhà thiết kế huyền thoại người Pháp Coco Chanel và sau này có thêm Yves Saint Laurent đều có chung một tư tưởng khi chứng minh cho thế giới thấy, phụ nữ cần quyền tự quyết trong cuộc sống, cần giải phóng cả tư tưởng lẫn cách mặc. Những bộ vest không chỉ dành riêng cho cánh mày râu. Và phụ nữ không cần cố nhịn ăn để có vòng eo 45 cm, nhét mình khổ sở trong những chiếc corset, váy thắt eo chật chội. Thay vào đó, họ được thể hiện quyền lực trong những bộ cánh rộng rãi, mạnh mẽ.
Coco Chanel đã khởi động trào lưu menswear bằng cách lăng xê mốt quần âu và áo jersey - trước đây vốn là những trang phục dành riêng cho nam giới. Sau đó, bà sáng tạo mẫu áo khoác len đặc trưng của nhà mốt: dáng hộp, với phần tay áo rộng và khuy cài kiểu nam.
Thời kỳ đó, Marlene Dietrich và Katharine Hepburn là hai nhân vật tiêu biểu cho thời trang menswear. Sở hữu những đường nét nữ trên gương mặt như: lông mày thanh mảnh, mắt sắc sảo, tóc vàng gợn sóng... nhưng Dietrich lại thường xuyên chọn đóng bộ vest và cà vạt ngay cả trên màn ảnh và ngoài đời. Trong khi đó, khác với vẻ rắn rỏi và nổi loạn của Dietrich, minh tinh Katharine Hepburn lại hiền hòa hơn với những mẫu trang phục nam được nữ tính hóa. Những bộ vest và quần âu của bà tuy có dáng rộng thùng thình nhưng chất liệu và đường may lại mềm mại, tinh tế. Biết rõ điểm mạnh hình thể, Hepburn gắn bó với phong cách này trong suốt sự nghiệp. Bà còn thêm thắt áo vest bằng vải tweed, đi giày lười, oxford hay thậm chí xách cặp nam đi làm.
Đến đầu thập niên 1960, quần âu bằng chất liệu khêu gợi và tông màu pastel trở thành lựa chọn thời thượng cho các quý cô. Nhưng phải đợi đến năm 1966, khi nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent tung ra bộ sưu tập "Le Smoking" gồm tuxedo đậm chất thời trang, thì trào lưu menswear mới thực sự bùng nổ.
Không những tinh tế trong từng đường nét, các mẫu áo toát lên vẻ mạnh mẽ tiềm ẩn của nữ giới. Từ giới chuyên môn đến khách hàng đều không ngừng ca ngợi bộ sưu tập này, biến "Le Smoking" thành một trong những bộ sưu tập kinh điển có tầm ảnh hưởng lớn và quan trọng trong giới thời trang đến cả ngày nay. Thậm chí, trong và sau đám cưới với thành viên nhóm Rolling Stones, nữ diễn viên Bianca Jagger đều chọn Le Smoking làm trang phục của mình.
Menswear nở rộ qua các thời kỳ
Đến thời đại disco 1970, set đồ kinh điển bao gồm áo sơ mi tay dài phối cùng vest không tay, áo khoác blazer kiểu nam, cà vạt chấm bi và quần kaki xếp ly phản ánh tính chất nổi loạn của nữ giới trong xã hội lúc bấy giờ. Đôi khi, phụ nữ còn mượn cả quần áo trong tủ đồ của bạn trai để tạo phong cách menswear riêng cho mình.
Một thập kỷ sau, trang phục menswear cho phái nữ tập trung vào chất liệu vải cao cấp, với phần đệm vai vuông đặc trưng và không thể thiếu thần thái sắc nét, rắn rỏi của một người nam. Giai đoạn này, không ai mặc vest nam mà đạt được vẻ nam tính tuyệt đối như ca sĩ người Jamaica, Grace Jones - người sở hữu vẻ đẹp lưỡng tính hiếm có. Người đẹp sở hữu một ảnh bìa album đại diện cho một thế hệ nữ giới hiện đại, đủ sức và đủ tầm bước ra ngoài xã hội.
Bắt đầu từ sau thập niên 2000, các bộ suit không còn được may quá cứng nhắc như thập niên 1980, cũng không quá phóng khoáng như những năm 1990. Thay vào đó là sự dung hòa với phom dáng cứng cáp nhưng vẫn thanh mảnh. Xu hướng những năm gần đây càng kết hợp nhuần nhuyễn giữa trào lưu menswear cùng các chi tiết nữ tính, khiến trào lưu này ngày càng dễ mặc hơn.
Ngày nay, các biến tấu sáng tạo của menswear trở nên thịnh hành trong giới sao Hollywood. Nhiều mỹ nhân lựa chọn xu hướng này để tạo sự khác biệt giữa muôn vàn kiểu váy lộng lẫy trên thảm đỏ. Angelina Jolie, Salma Hayek, Emma Stone... là những minh tinh có phong cách mặc menswear thực sự tạo được chất riêng. Nếu Jolie thêm quyến rũ nhờ blazer và quần âu tôn dáng của Saint Laurent hay bộ suit trắng xẻ ngực sâu khêu gợi, thì Emma Stone dễ dàng khiến ai cũng phải ngoái nhìn bằng cách mặc vest Dior dáng dài cùng váy sheer thướt tha.
Không gây sốc như những chiếc váy xuyên thấu hay cut-out, cũng chẳng ồn ào náo nhiệt như những bộ cánh thập niên 1970, bohemian hay tua rua đang được tung hô trên các sàn diễn, menswear vẫn ở nguyên vị trí của nó: trầm tĩnh và đẳng cấp. Vẻ đẹp của menswear đến từ chính ý nghĩa thông điệp của những người sáng tạo ra nó: Coco Chanel và Yves Saint Laurent, đến từ phong thái tự tin của người mặc và đến từ niềm vui thích được là chính mình khi mặc một món đồ.
Sao Mai