Hiện nay, công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nâng cao trải nghiệm của người dùng. Ở góc nhìn khác, sự phát triển của AI cũng dẫn con người vào thế giới máy móc hơn, thiếu đi những cảm xúc thường nhật. Các doanh nghiệp, dịch vụ đứng trước bài toán làm sao chạm đến cảm xúc khách hàng.
Theo ông Klaus N. Hang - CEO KNH Consulting, trí tuệ cảm xúc mới là thứ điều khiển và lay động được khách hàng. Sự phát triển của công nghệ và khủng hoảng phi truyền thống là chất xúc tác đưa doanh nghiệp tìm ra hướng đi phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Tại Nhật Bản, phong cách phục vụ Omotenashi, miễn "tip" (tiền tip) nhìn nhận xu hướng chăm sóc khách hàng và xây dựng thương hiệu theo cách chạm vào cảm xúc.
Năm 2017, Yuki Tatsumi - một bồi bàn nhà hàng đã tổ chức triển lãm Japanese Tips tại Tokyo (Nhật Bản). Triển lãm trưng bày hơn 8.000 tác phẩm Origami, làm từ giấy ăn, giấy bọc đũa hay giấy lót bát đũa... do khách hàng để lại thay cho lời cảm ơn hoặc tiền tip. Đây là nét độc đáo trong văn hóa tiền tip tại Nhật. Yuki Tatsumi sưu tầm Origami Tips từ 47 địa phương suốt 5 năm.
Với hệ thống Menard Spa có mặt tại Nhật Bản và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ, biển hiệu "No Tips, Please" được đóng khung gỗ, treo ở khu vực rửa tay. Theo ông Khương Anh Văn - Chủ tịch HĐQT Menard Việt Nam, người Nhật quan niệm chất lượng dịch vụ khi đến tay khách hàng phải là dịch vụ hoàn hảo. Khách hàng không cần trả thêm tiền để phân loại dịch vụ chưa tận tình với dịch vụ làm hài lòng họ.
Về phía doanh nghiệp, quy tắc "No tips" cho thấy nhân viên chăm sóc khách hàng bằng sự tận tâm mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không phân biệt hay bớt săn sóc một vài cá nhân. "Khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ với sự thoải mái nhất, không phải suy nghĩ, đắn đo về mức độ hài lòng và sẽ tip bao nhiêu trước khi ra về", vị này nhấn mạnh.
Việc không nhận tiền tip là một phần của văn hóa Omotenashi phục vụ khách hàng bằng cả trái tim của người Nhật, mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa chuyên biệt và gắn kết khách hàng với thương hiệu. Nét văn hóa này tập trung vào các giá trị làm hài lòng khách hàng, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ.
Lấy ví dụ, mời họ một tách trà với hương vị theo mùa; mang ô đón khách khi thời tiết không thuận lợi; mời khách hàng ngâm chân trước khi bắt đầu liệu trình spa. "Khi khách hàng hài lòng, sẽ tăng nhu cầu sử dụng lại dịch vụ và lượng khách hàng thân thiết cho doanh nghiệp", đại diện Menard Việt Nam nhận định.
Tại Menard Spa, liệu trình massage mặt cho khách hàng bắt đầu từ việc ngâm và massage chân, giúp đem lại cảm giác thư giãn. Bàn chân là nơi chịu nhiều áp lực nhất của cơ thể. Massage chân làm lưu thông máu và tăng hiệu quả cho chu trình massage mặt và cơ thể. "Nhân viên nhẹ nhàng bấm huyệt bàn chân. Hương thảo mộc lan tỏa trong làn nước ấm. Sau đó dùng khăn mềm lau khô chân cho khách hàng", vị đại diện nói thêm.
Theo đại diện Menard, xu hướng xây dựng thương hiệu lấy khách hàng làm trung tâm và chạm vào cảm xúc theo phong cách Omotenashi sẽ tiếp tục phát triển, ngay cả trong Covid-19. Khủng hoảng đã khiến doanh nghiệp thay đổi phương thức liên lạc và chăm sóc khách hàng.
Hãng Tiffany&Co chi nhánh Trung Quốc đã gửi thư chia sẻ với khách hàng với tinh thần lạc quan, tích cực. Ông chủ Amazon Jeff Bezos cũng viết thư, động viên các nhân viên vượt qua khó khăn. Tại xưởng Le Don (Pháp), Dior chuyển sang sản xuất khẩu trang cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, tập đoàn LVMH sử dụng các nhà máy nước hoa để sản xuất nước rửa tay sát khuẩn miễn phí. Trong giãn cách xã hội, Menard Việt Nam đã đóng cửa hệ thống shop và spa, ưu tiên tiêu chí an toàn. Đồng thời thương hiệu giữ liên lạc trực tuyến và lan tỏa những thông điệp tích cực đến khách hàng.