Lúc đó tôi đang làm ở viện nghiên cứu của một bộ. Lương ba cọc ba đồng. Cuộc sống của công nhân viên chức khó khăn đồng đều. Tất cả theo chế độ tem phiếu, theo tiêu chuẩn.
Thời ấy, có vè:
"… Tôn Đản chợ của vua quan
Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng…".
Năm 1978 đổi tiền, thống nhất tiền tệ sau cuộc chiến tranh dài dằng dặc. Tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc. Khó khăn chồng chất, đói nghèo.
Trụ được đến tháng 9/1985, lạm phát phi mã, lại đổi tiền tiếp. Đất nước bộn bề khó khăn.
Cậu em ruột gửi từ Sài Gòn ra một hộp sữa bột Meiji Nhật nặng chưa đầy một cân. Lúc đó, dân miền Bắc không biết rằng, trên đời còn có cả loại sữa bột Meiji. Vặn mãi, vặn mãi mới mở được hộp sữa pha cho con bé uống. Trắng tinh, mịn. Thơm ngạt cả mũi.
Giờ, nếu đẻ thêm đứa nữa, sau 30 năm vật vã bươn chải kiếm sống, tôi đủ tiền mua một nghìn hộp sữa bột Meiji. Nhưng hộp sữa năm xưa là một món quà, một kỷ niệm không thể quên. Đứa con gái đầu lòng mà tôi yêu hơn mọi thứ trên đời, sinh ra đã phải nằm chung trong một chiếc lồng kính tại bệnh viện C. Nó không lớn lên bằng hộp sữa - vì sữa ấy chỉ được pha dè sẻn trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng kỷ niệm này được tôi lưu giữ mỗi khi nhớ về một thời khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ.
Cái vỏ hộp Meiji bằng kim loại, tôi giữ đựng đồ 10 năm sau, mãi khi chuyển về nhà mới, hộp bị gỉ sét mới bỏ.
Con bé và thế hệ những đứa trẻ sinh ra trước và sau cuộc Đổi Mới giờ đều đã trên dưới ba mươi. Từ một nước hơn 90% là nông nghiệp, đói nghèo, nay Việt Nam cũng đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy không phải mọi cái đều tốt hơn, nhưng những thay đổi về hạ tầng như đường sá, cầu cống, hàng không, viễn thông, đi lại, xuất cảnh… mang tính hội nhập, tích cực là điều không thể phủ nhận.
Ngày trẻ, ước mơ lớn nhất của tôi là được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài để đổi đời. Năm 1989, đói quá, nghèo quá, tôi bắt đầu trốn giờ làm việc tranh thủ đi "đánh quả". Vụ đầu tiên làm thầu, tôi kiếm được mấy chỉ vàng. Mỗi lần nhận tiền bên A, trừ chi phí, ra Hàng Bạc, mua được mấy phân vàng.
Bắt đầu ham. Vụ thứ hai, cuối năm 1989, đầu 1990, lần đầu tiên, sau gần năm nhận cả thiết kế, cả tổ chức thi công, tôi cầm gần hai chục cây vàng. Số tiền này, khi ấy khá lớn, có thể mua được vài căn nhà. Nhưng tôi tiêu hết chỉ sau một chuyến đi Sài Gòn. Một chiếc Cup 81-89 màu ốc bươu kim vàng giọt lệ; một đầu máy Sharp 790 mới nhất; một TV Sanyo màu 25 inch; một dàn máy nghe nhạc... Tất cả được quyết rất nhanh. Chả đâu vào đâu, chỉ để "thỏa mãn nỗi đau bần cố".
Ba mươi năm, nhiều thứ thay đổi chóng mặt. Tụi trẻ ra nước ngoài du học dễ dàng, chỉ cần gia đình có tiền. Công nghệ thay đổi nhanh kinh khủng. Phần lớn đám trẻ giờ đã có điện thoại thông minh. Tất nhiên chúng không thể hiểu được sao bố chúng lại khao khát một cái ti vi, một cái đầu máy đến mức đổi bằng mấy cây vàng.
Đám trẻ thích nghi nhanh chóng với công cuộc toàn cầu hoá không cần hô khẩu hiệu. Chúng đứng bên ngoài cuộc Đổi mới ba chục năm trước. Không nhiều những đứa trẻ thời ấy, giờ còn quan tâm đến chuyện, cuối năm nay là tròn 30 năm Đổi mới.
Xương máu của các thế hệ đàn anh, thế hệ chúng tôi đổ nơi chiến trường Campuchia, các ngọn đồi, cánh rừng, dòng suối biên giới phía Bắc, chúng không được biết, nhiều đứa còn không cả quan tâm. Cái đói nghèo, khó khăn thiếu thốn nhiều chục năm trước cuộc Đổi mới mà cha mẹ chúng phải oằn mình chống đỡ, chịu đựng, chúng hoặc không biết, hoặc lỡ quên.
Tôi nhớ hộp sữa bột Meiji Nhật Bản. Nhớ những năm tháng gian khổ. Nhớ câu nói nổi tiếng, ấn tượng của một chính khách: "Hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu"...
Hộp sữa bột Nhật Bản, giờ có thể mua được dễ dàng với hầu hết người dân của đất nước có thu nhập trung bình. Nhưng nỗi lo thì đang ở chỗ khác, môi trường đang bị hủy hoại đến mức cảnh báo, nợ công vượt trần, xã hội phân hoá sâu sắc bởi khoảng cách giàu nghèo, tham ô, tham nhũng tràn lan, đạo đức xuống cấp, lòng tin của người dân lung lay...
Tôi trân quý hộp sữa bột ấy. Nhưng nó chỉ là một kỷ niệm. Tôi biết rằng nó không thể là thành quả mà chúng ta hướng tới. Ba mươi năm, không thể vì ai cũng mua được hộp sữa, mà ta tin rằng mọi thứ đã tốt đẹp, đã thành công.
Ai cũng cần nhìn lại quãng đường mình đã đi, để nhận biết mình là ai, để biết tử tế với đúng, sai, được, mất.
Bùi Huy Hội