"Chúng tôi nhận thấy người dùng đang rất hào hứng với sự phát triển của AI tạo sinh trên smartphone, trong đó có thị trường Việt Nam, cũng như háo hức với những cơ hội AI có thể mang lại", ông Moynihan nói với VnExpress.
Trích dẫn số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông năm nay, với tỷ lệ người dùng smartphone ở Việt Nam vượt qua 84% dân số, ông Moynihan dự đoán sẽ có nhiều người sử dụng smartphone AI tạo sinh hơn vào năm 2025, khi nhiều mẫu máy hơn ra mắt, đồng thời AI không bị giới hạn trên máy cao cấp nữa mà sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các dòng tầm trung - điều sẽ mang đến cơ hội trải nghiệm và sử dụng các tính năng mới cho nhiều người dùng hơn.
Theo định nghĩa của MediaTek, AI Phone là một nền tảng có thể chạy các mô hình AI tạo sinh (GenAI) mới nhất ngay trên thiết bị mà không cần đến sự hỗ trợ từ đám mây, nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng. Để làm được điều này, nền tảng cần có một NPU (chip thực hiện tác vụ AI như xử lý hình ảnh) mạnh mẽ, hệ thống quản lý bộ nhớ tinh vi và khả năng quản lý năng lượng tiên tiến.
Chẳng hạn, chip Dimensity 9300 ra mắt năm 2023 có thể chạy các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với 7 tỷ, 13 tỷ và cao nhất 33 tỷ tham số ngay trên thiết bị. Thế hệ Dimensity 8300 sau đó cũng được trang bị NPU hỗ trợ GenAI trên chip. Mẫu Dimensity 9400 mới nhất ra hồi tháng 10 tích hợp NPU thế hệ thứ 8 kèm khung phần mềm cho tác nhân AI (Agentic AI) gọi là Dimensity Agentic AI Engine (DAE).
Theo Moynihan, trên thị trường hiện nay, hầu hết smartphone hỗ trợ AI tạo sinh ở mức độ cải thiện trải nghiệm người dùng qua các tính năng như nhận diện hình ảnh, tối ưu hóa hiệu suất và tăng cường trải nghiệm giọng nói. Những mẫu này chưa hoàn toàn được xem là AI Phone.
"Để được coi là một AI Phone, điện thoại cần có khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa, tối ưu hóa hệ thống và đưa ra quyết định thông minh, giúp cải thiện các khía cạnh của thiết bị, từ hiệu suất đến kết nối và bảo mật", Moynihan nói.
Ông Moynihan cũng cho rằng không loại trừ khả năng các chế độ hybrid cũng nằm trong định nghĩa về AI Phone. Nghĩa là, một số ứng dụng sẽ có khả năng chạy trên thiết bị mà không cần tương tác với đám mây, trong khi số khác có thể chia tách quá trình xử lý GenAI giữa thiết bị và đám mây.
"Khi các ứng dụng trên smartphone trở nên thông minh và có khả năng tự động hóa nhiều hơn, chúng tôi kỳ vọng một số quá trình xử lý và chạy mô hình GenAI sẽ diễn ra cục bộ trên thiết bị, với dữ liệu và sở thích của người dùng được lưu trữ tại chỗ, trong khi một số hành động do tác nhân AI thực hiện có thể yêu cầu tương tác với đám mây", Moynihan nói.
Đại diện MediaTek nhận định AI tạo sinh đang giúp cá nhân hóa nội dung trên smartphone theo nhiều cách khác nhau. Một trong đó là sử dụng kỹ thuật AI để nâng cao việc chỉnh sửa ảnh và chất lượng hình ảnh đã có từ nhiều năm nay. Việc ứng dụng GenAI và các kỹ thuật Stable Diffusion cho các tính năng như xóa nội dung không mong muốn khỏi ảnh và tạo nội dung mới để lấp đầy khoảng trống còn lại từ nội dung đã xóa, mở rộng viền ảnh theo phong cách của người dùng, giúp cá nhân hóa hình ảnh một cách dễ dàng.
Các kỹ thuật tạo sinh tương tự có thể được sử dụng cho các trải nghiệm chơi game và ứng dụng chơi game, cũng như tạo video tùy chỉnh phục vụ cho các trường hợp sử dụng trên mạng xã hội khác. Chúng cũng giúp cải thiện khả năng tóm tắt nội dung, dịch thuật, giúp tạo văn bản một cách chính xác hơn, không chỉ trên từ vựng mà còn trên khía cạnh ngữ cảnh, ngữ nghĩa, sắc thái văn hóa, giúp trải nghiệm cá nhân được tối ưu hơn.
Tuy nhiên, ông Moynihan đánh giá việc phát triển AI có một số thách thức kỹ thuật, nhất là việc quản lý năng lượng và quản lý bộ nhớ, vì AI tạo sinh đòi hỏi khả năng tính toán cao trong thời gian dài, dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng lớn. Bên cạnh đó, các mô hình LLM thường có kích thước khá lớn, yêu cầu đáng kể về bộ nhớ trên thiết bị.
"Với sự phát triển nhanh chóng của AI, khi các mô hình LLM thực sự chứng minh được khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên, chúng tôi tin AI sẽ thay đổi cách chúng ta tương tác với thiết bị, nhất là tính năng sử dụng các lệnh bằng giọng nói - điều sẽ trở thành lĩnh vực tận dụng GenAI tốt nhất trong tương lai', ông Moynihan dự đoán.
MediaTek cho biết đang tập trung thúc đẩy kỷ nguyên AI mới. Với thiết bị, công ty cải tiến kiến trúc NPU giúp tăng tốc các mô hình AI tạo sinh, chẳng hạn thế hệ NPU thứ 8 trên Dimensity 9400 được triển khai trên công nghệ 3 nm thế hệ thứ hai tiên tiến của TSMC.
Tại Việt Nam, MediaTek đang giữ gần 49% thị phần trong lĩnh vực chip di động. Hồi tháng 6, công ty giới thiệu chip Dimensity 9300 thế hệ thứ 7 cho thị trường trong nước. Đây là chip chuyên dụng cho smartphone AI, có thể xử lý tác vụ liên quan đến GenAI ngay trên thiết bị, không cần kết nối mạng. Vào tháng 10, công ty tiếp tục ra mẫu Dimensity 9400 hỗ trợ AI trên thị trường toàn cầu.
Theo Conversation, 2024 được xem là năm mở màn cho AI tạo sinh trên điện thoại, khi các nhà sản xuất nhận thấy quá trình xử lý của AI nên được thực hiện trên thiết bị cá nhân và không cần kết nối Internet, nhằm trao quyền kiểm soát và quyền riêng tư vào tay người tiêu dùng. Hãng nghiên cứu thị trường Canalys cũng ước tính 16% điện thoại thông minh ra mắt toàn cầu năm nay tích hợp AI tạo sinh và dự báo tăng lên 54% năm 2028, nhờ những tiến bộ về công nghệ, chip xử lý và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Bảo Lâm
- MediaTek ra chip 3 nm Dimensity 9400 hỗ trợ AI
- Huawei kiện MediaTek
- MediaTek hợp tác thiết kế chip 'Make in Vietnam'
- MediaTek 'phổ cập AI' với chip thế hệ mới