Mẹ ra đi trong một cơn bạo bệnh, mười năm rồi nhưng với tôi mọi chuyện vẫn như ngày hôm qua. Ở tuổi năm mươi ba, mẹ vẫn rất đẹp nhưng những vết chân chim hằn rõ khuôn mặt, đặc biệt là đôi tay của bà với những ngón xù xì, nứt nẻ mà mỗi ngày đông lạnh giá hay vuốt lên tóc tôi sẽ phát ra thứ âm thanh “sột soạt”. Dù tất bật đến đâu, tôi luôn thấy mẹ cười và lạc quan.
Mẹ tôi vốn xuất thân là một tiểu thư, nhưng khi lấy bố, bà chấp nhận hy sinh tất cả để bố tôi yên tâm công tác, mọi khó khăn, vất vả đổ lên đôi vai nhỏ bé của mẹ. Cái dáng thanh mảnh, lúc nào cũng làm việc thoăn thoắt như thoi đưa và những ngón tay chai sần với mười móng “mòn vẹt” là hình ảnh luôn hằn sâu trong trí nhớ tôi.
Có lần tôi hỏi mẹ:
Trời lạnh, sao mẹ không mang dép và đeo bao tay khi làm việc?
Mẹ tôi nói rằng đi chân không để chạy cho nhanh, còn đeo bao tay thì làm việc rất vướng víu và kém hiệu quả. Mẹ tôi là vậy đó.
Mẹ từng nói: “Hạnh phúc của bà là được nhận mọi phần xấu và cực nhọc về mình để được nhìn thấy nụ cười yên tâm của bố và sự trưởng thành, đẹp đẽ của các con”.
Vì tôi là con út nên nhận hết sự cưng chiều của mẹ và có thời gian gần gũi mẹ nhiều nhất nên tôi thấu hiểu sự vất vả, cực nhọc của bà mỗi ngày. Điều mà ngày còn nhỏ khiến tôi ngạc nhiên và ngưỡng mộ là: Mẹ làm được tất cả những công việc đồng áng, nội trợ, đan len… nhưng với một ngón tay trỏ phải bị gãy gập xuống. Không hiểu sao những cây lúa mẹ cấy vẫn thẳng hàng, những chiếc áo len tôi mặc với những đường len điệu nghệ vẫn được mẹ đan đều đều trong những đêm đông. Khi tôi lớn thêm chút nữa, mẹ có kể rằng hồi còn bé, cậu tôi có ngồi lên một lọ mực thủy tinh, mẹ chỉ kịp móc ngón trỏ vào kéo lọ mực ra, để cậu tôi khỏi bị thương thì đột ngột cậu tôi ngồi thật mạnh, làm đứt gân ngón trỏ phải nên bây giờ ngón đó bị gập xuống. Cái đức hy sinh có ở trong mẹ tôi ngay từ khi bà còn là một đứa trẻ.
Ngày mẹ tôi lâm bệnh, tôi đã ngồi tỉ mẩn nậy từng cặn dư của men cơm rượu, của bồ hóng trong những móng tay lem luốc, mòn hết phân nửa phần móng. Ngoài công việc đồng áng vất vả, để có thêm thu nhập, bà còn nấu rượu để bán cho những hàng quán ven đường và lấy hèm nuôi những đàn lợn. Đây chính là nguồn “ngân sách” cho chúng tôi học hành và chi tiêu trong nhà. Cả đời mẹ dành hết cho chồng, cho con mà chẳng còn chút thời gian để chăm chút cho chính bản thân mình. Chúng tôi đã trưởng thành trên đôi tay ráp nhám, “mòn vẹt” và có ngón trỏ gãy gập ấy…
Mẹ tôi nằm xuống mà chẳng kịp rửa tay. Bạn bè tôi có nói với tôi rằng: “Cậu chưa học được một phần mười đức tính của mẹ, vậy mà bà đã ra đi”. Nước mắt tôi chảy tràn và xót xa biết chừng nào khi nhìn vào đôi tay của mình với 10 ngón trắng trẻo, thuôn dài. Tôi ân hận và day dứt vì ước gì tôi có thể làm được điều gì đó cho mẹ, ít ra cũng để đôi tay mẹ bớt xù xì và mười móng tay không còn “mòn vẹt” nữa.
Mẹ đã đi thật xa mà chưa có một ngày thảnh thơi, chưa một lần được các con báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Tận sâu thẳm, con muốn được gửi tới mẹ lời tri ân với tấm lòng thành kính và biết ơn đôi tay “mòn vẹt móng” của mẹ đã cho chúng con một cuộc đời êm ấm. Với chúng con, đó mãi là bàn tay đẹp nhất.
Hàn Yên
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |