Tôi có nhiều cung bậc cảm xúc đến vậy, bởi tôi là con của một bệnh nhân đang mắc ung thư vú. Mẹ tôi đẹp lắm! Đẹp từ hàm răng, vóc dáng và tính cách. Mẹ sống chan hòa, chẳng bao giờ to tiếng với bất kỳ ai, gia đình hai bên nội ngoại và đồng nghiệp luôn yêu quý, khi nhắc đến mẹ dường như mọi người luôn có cảm giác ngưỡng mộ và nể phục. Sau khi nuôi ba chị em tôi khôn lớn, tốt nghiệp đại học ra trường cũng là lúc sức khỏe mẹ giảm sút nhanh chóng.
Chỉ trong 3, 4 tháng, mẹ sụt cân nghiêm trọng, da xấu đi, tóc rụng nhiều, có lẽ mẹ cảm nhận được sức khỏe của mình nên đã một mình bắt xe ôm ra Bệnh viện K Trung ương để khám. Đến trưa, bác sĩ gọi mẹ vào và nói rằng: "Bà về làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế, bệnh của bà phải chữa trị lâu dài và tốn kém", khi đó mẹ mới biết mình bị ung thư vú đã ở cuối giai đoạn 2. Thật bất ngờ, mẹ vẫn bình tĩnh cảm ơn bác sĩ, tự bắt xe ôm về nhà, rồi gọi các con vào nói chuyện, sau đó nhờ con rể đưa đi làm thủ tục chuyển bảo hiểm và bắt đầu hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác từ đó.
Trái lại với tinh thần lạc quan của mẹ, khi mới biết tin, chị em tôi khóc như mưa, bởi chúng tôi nghĩ rằng bệnh ung thư là không có thuốc chữa, là dấu chấm hết, là chết. Không khí trong gia đình trở nên nặng nề, chúng tôi không muốn tin bệnh hiểm nghèo lại rơi vào chính gia đình mình.
Những suy nghĩ sẽ không còn mẹ ở bên, sẽ phải rời xa mẹ khiến tôi không thể nào cầm được những giọt nước mắt. Nhưng tôi chỉ cho phép mình khóc hai ngày, sau đó là những ngày tôi lao vào tìm hiểu về bệnh ung thư. Chỉ vì muốn tìm ra phương pháp giúp mẹ chữa bệnh, có những ngày tôi dành cả 8 tiếng ở cơ quan chỉ để đọc, chọn lọc các kênh thông tin, các bài báo, bài viết của các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu, tôi nhờ bạn làm bác sĩ tìm thêm tài liệu y học đã được nghiên cứu để tham khảo.
Sau khi đã có một số kiến thức nhất định về bệnh của mẹ, tôi bắt đầu tìm mua các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị, các loại thuốc bổ để mẹ dùng, chăm sóc mẹ tốt nhất từ vật chất đến tinh thần. Đặc biệt, trong suốt quá trình điều trị của mẹ, gia đình tôi thống nhất với nhau là luôn nói chuyện vui, không nói bất kỳ chuyện buồn hay bi quan nào để ảnh hưởng đến mẹ.
Còn mẹ, trái ngược với nước mắt và sự lo lắng của mọi người trong nhà, mẹ bình tĩnh, vững vàng đón nhận bệnh và coi nó như một thử thách mà mẹ phải vượt qua trong cuộc đời mình. Từ những ngày đầu phát hiện bệnh đến những đợt điều trị hóa chất và suốt cả hành trình sau này mẹ đã cam đảm chịu đựng tất cả. Trong vô vàn đớn đau đó, chưa một lần thấy mẹ hoảng loạn hay rơi nước mắt mà luôn tự trấn an tinh thần cho mình và cho cả gia đình.
Trong lúc bệnh tình nguy hiểm, mẹ vẫn luôn động viên các con, vẫn lạc quan và vẫn là chỗ dựa, là sức mạnh của bố con tôi. Khi nằm viện, mẹ hợp tác và tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ, thân thiết với các bệnh nhân khác để cùng động viên nhau và chia sẻ kinh nghiệm.
Trong quá trình chăm sóc mẹ, tôi mới thấy các bệnh nhân và bác sĩ ở bệnh viện họ coi nhau như một gia đình, quan tâm, giúp đỡ, nhường nhịn nhau như người thân. Thứ tình cảm đặc biệt mà có lẽ chỉ có bệnh nhân ung thư mới có thể thấu hiểu được.
Cha tôi, người đồng hành trên suốt chặng đường, trong mỗi bước chân, mỗi bữa ăn, từng viên thuốc, từng giấc ngủ của mẹ. Ngày nào mẹ đi viện thì cha đưa đi, ngày nào mẹ không phải đến viện thì cha cơm nước, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa, thuốc thang cho mẹ. Đêm mẹ đau người thì cha xoa bóp, động viên và kiên nhẫn chịu đựng những lúc mẹ khó chịu trong người. Cha cứ nhẹ nhàng quan tâm, chăm sóc, động viên và tình yêu của cha đã giúp mẹ yên tâm trong suốt những tháng ngày điều trị. Dường như đó là liều thuốc đặc biệt mang lại sự vui vẻ, lạc quan cho mẹ mỗi ngày.
Khi ngồi viết những dòng chữ này, mọi khoảnh khắc mà mẹ và gia đình tôi đã trải qua như những thước phim quay chậm. Cùng mẹ đi qua những tháng ngày chiến đấu với bệnh ung thư vú, tôi nhận ra nhiều điều cho mình và muốn nhắn gửi tới mọi người rằng:
Thứ nhất, bệnh tật không chừa ai, dù ít hay nhiều tuổi, dù bạn giàu hay nghèo, dù bạn đẹp hay bình thường thì đều có thể mắc các loại bệnh khác nhau. Tuổi càng cao, sức đề kháng càng giảm thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do môi trường sống, do thói quen ăn uống, lao động trong môi trường độc hại. Vì vậy, chúng ta cần ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học, lao động và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tìm đọc các thông tin về sức khỏe để có thêm kiến thức bảo vệ mình và gia đình.
Thứ hai, nếu có bệnh, hãy tuyệt đối phải hợp tác và tuân thủ sự chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, không kiêng khem làm mất cân bằng dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng, một cơ thể khỏe mạnh mới có thể đẩy lùi các tế bào ung thư ác tính gây bệnh. Không nghe theo những thông tin chưa có khoa học kiểm chứng, mà dùng những loại thuốc lá một cách tùy tiện, nó đầy tạp chất và độc tố chưa được loại bỏ, thậm chí còn gây ngộ độc cho cơ thể.
Thứ ba, tinh thần lạc quan vui vẻ của người bệnh đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và đẩy lùi bệnh. Bác sĩ vẫn nói với mẹ tôi là tinh thần quyết định 50% kết quả điều trị. Vì vậy, cần duy trì thái độ sống tích cực, nhiều năng lượng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Cuối cùng, sự quan tâm và chăm sóc của người thân rất quan trọng, giúp cho bệnh nhân an tâm điều trị, lạc quan vui sống. Quy luật cuộc đời là sinh - lão - bệnh - tử, ai rồi cũng sẽ già đi và có bệnh, còn gì tuyệt vời hơn khi ốm đau ta luôn có gia đình bên cạnh, cùng chăm sóc cho nhau, cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Điều đó giúp các thành viên trong gia đình biết yêu thương, trân trọng nhau hơn, làm cho hai từ "gia đình" trở lên thiêng liêng hơn trong lòng mỗi người.
Hà Nội những ngày này thật lạnh, ngoài kia gió vẫn không ngừng thổi, mưa vẫn không ngừng rơi nhưng trong lòng tôi chỉ có cảm giác ấm áp, thân thương khi nghĩ về gia đình mình. Tôi hạnh phúc vì được làm con của mẹ, tự hào mỗi khi nghĩ về cha và vui vẻ khi anh chị em tôi thương yêu, cùng nhau quan tâm lo lắng cho cha mẹ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Mẹ vẫn luôn nói với chúng tôi: "Không quan trọng ta sống được bao lâu, mà quan trọng là mỗi phút giây trôi đi, ta đã sống như thế nào". Chúc các bệnh nhân ung thư thật lạc quan, mạnh khỏe để vượt qua bệnh tật.
Nguyễn Thu Hiền