Sáu mươi ba tuổi, cái tuổi đáng ra phải được sống cuộc sống an nhàn và thụ hưởng những thành quả của cả một đời làm lụng vất vả vì chồng vì con, nhưng mẹ không làm điều đó. Dù biết rằng giờ đây chúng tôi đã khôn lớn, mỗi đứa đều đã có một mái ấm gia đình và một cuộc sống riêng được gọi là tạm đủ.
Mẹ bảo nếu mẹ còn sống ngày nào thì mẹ vẫn sẽ lo cho các con, các cháu ngày đó, ngày xưa cuộc sống vất vả, ngoài thời gian lên lớp, những lúc rảnh rổi hay ngày nghỉ mẹ làm đủ thứ việc chỉ mong sao lo được cho các con hai bữa cơm một ngày. Mẹ hay tâm sự với chúng tôi rằng hồi đó nhà mình không có tiền như bây giờ, nhiều khi thèm ăn miếng thịt, con cá nhưng đâu có tiền để mua chỉ có bó rau miếng nước nắm kho qua ngày, có chăng là mỗi lần bố về phép thăm nhà mẹ mới dám bỏ tiền để mua mấy lượng thịt gọi là để chiêu đãi bố nhưng mẹ cũng chẳng dám gắp miếng nào vì mẹ nhường lại phần cho chúng tôi. Giờ thì có tiền nhưng làm gì còn sức mà ăn được nữa. Mẹ chỉ mong sao các con không lớn nên người có cuộc sống ổn định, các cháu học giỏi, ngoan ngoãn, nge lời cha mẹ ông bà thì có chết mẹ cũng mãn nguyện rồi.
Người ta bảo mỗi người sinh ra đều có 1 số phận của mình, có người có được cuộc sống sung sướng, đầy đủ. Có người phải vất vả mưu sinh và mẹ thuộc nhóm người thứ hai. Năm ông tôi mất mẹ mới được 4 tuổi, cái tuổi của một đứa con nít chỉ biết ăn, biết chơi, và chưa chưa nhận thức được sự ra đi của một người thân khỏi cuộc sống này. Sự ra đi của bà là một mất mát lớn đối với ông và các con, một mình ông gà trống nuôi con, mặc dù ông cũng cố gắng lo cho mẹ và các cậu được đầy đủ nhưng thiếu bàn tay của bà cuộc sống của mẹ tôi đã vất vả càng thêm khó khăn hơn.
Ngoài đồng lương ít ỏi của một ông giáo làng, ông chẳng còn nguồn thư nhập nào khác, nên ngoài thời gian đi học mẹ và các cậu cũng cố gắng làm việc để lo cho cuộc sống của cả gia đình. Vốn là thầy giáo dạy chữ nho trong làng nên ông rất nghiêm khắc với mẹ, ông hướng mẹ và các cậu theo nghề giáo như ông. Ông bảo người giáo là người dạy chữ và dạy nhân cách cho con người, nên dù không phải là nghề danh giá, nhưng nó giúp cho đời, cho người.
Hết lớp bảy, giữa lúc cuộc kháng chiến chống mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, 2 cậu tôi xung phong vào chiến trường, rồi cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống mỹ. Riêng mẹ, sau khi học hết lớp bảy, tiếp tục đăng ký học lớp Trung cấp sư phạm ở tận Hà Nam Ninh. Vậy là ông cũng đã có người nối nghiệp. Ngày mẹ ra trường cũng là lúc nhận được tin ông mất. Ông không được nhìn thấy mẹ ngày tốt nghiệp và cũng từ đây mẹ không còn được chăm sóc bởi bàn tay của ông.
Ra trường, mẹ xin về dạy cấp 2 ở trường làng, rồi mẹ cũng lấy chồng là bố tôi bây giờ. Hồi đó bố là bộ đội đóng quân ở làng tôi. Mẹ bảo hồi đó mẹ có nhiều mối lắm, nhưng chẳng hiểu thế nào mẹ lại lấy bố. Có lẽ vì bố trồng cây si nhiều nhất nên cuối cùng mẹ cũng đồng ý lấy bố và có lẽ một lý do nữ mà mẹ đồng ý về sống chung với bố, đó là hoàn cảnh của bố cũng giống mẹ nên mẹ thương. Đám cưới của mẹ được tổ chức đơn sơ trong sự chúc mừng của bà con, xóm giềng và các chú bộ đội là bạn bè của bố. Rồi mẹ cũng lần lượt sinh hai anh tôi, thiếu bàn tay chăm sóc của cả nội và ngoại nhưng mẹ cũng chẳng được bàn tay chăm sóc của bố bởi chiến tranh. Với người bộ đội thì thời gian ở chiến trường còn nhiều hơn ở nhà.
Hòa bình bố trở về quê rồi có thêm tôi, mẹ bảo hồi đó đúng ra mẹ không đẻ thêm nhưng vì nhà có hai anh là con trai nên mẹ muốn đẻ thêm một em gái cho có nếp có tẻ, nhưng cuối cùng lại đẻ ra tôi nhưng không vì thế mà bố mẹ buồn. Hồi đó bố xuất ngũ do vết chiến tranh với cấp bậc đại úy và thương binh 1/4 và hành trang là những vết thương còn hằn lại sau chiến tranh, cuộc sống lại càng khó khăn hơn, bốn miệng ăn lúc đó thật sự là một gánh nặng với mẹ.
Để tạo thêm thu nhập và lo cho chúng tôi, bố lên đường đi làm kinh tế mới, cải tạo và dựng lên một trang trại nhỏ trên mảnh đất rừng cách nhà tôi khoảng 20 cây số. Số tiền dành dụm cùng với vay mượn của bà con bố mua một cặp bò để chăn nuôi, trồng thêm khoai, sắn, ngô để bán lấy tiền nhằm tái sản xuất. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó tôi khoảng 6 hay 7 tuổi gì đó. Ngoài thời gian đi học ở trường tôi cũng lên rẫy để phụ chăn bò, rồi hái chè để mẹ đem bán. Cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn một chút, từ 2 con bò giống, bố đã gây dựng được một đàn bò cả gần 20 con. Thời đó nó là một nguồn tài sản khá lơn đối với một gia đình.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, nhờ chăm chỉ làm ăn mà kinh tế gia đình tôi đã khá hơn. Học hết cấp 2, anh cả lên đường nhập ngũ, hai năm sau quân ngũ anh trở về, rồi cũng được mẹ dựng vợ và mua cho một căn nhà ở riêng.
Anh hai thì theo nghề xây dựng rồi cũng lấy vợ và ra ở riêng, chỉ có tôi là người Nam tiến và định cư miền Nam. Giờ đây cuộc sống của các thành viên trong gia đình đã được xem là tạm ổn, bố mẹ tôi cũng có lương hưu, nên anh em chúng tôi cũng không phải chu cấp cho bố mẹ nữa. Nhiều khi tôi muốn đón mẹ vào miền Nam ở với tôi để tôi được phụng dưỡng, nhưng mẹ bảo mẹ ở quê với bà con xóm giềng quyen rồi, ở thành phố mẹ không quyen. Với lại rá rụng về cội, lúc còn trẻ thì bôn ba nhưng về già lại chỉ muốn ở cái nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng mình khôn lớn - đó chính là quê hương.
Dù chưa một lần nói ra nhưng trong sâu thẳm tôi thầm cảm ơn mẹ rất nhiều - người đã sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ chúng tôi nên người, để có được cuộc sống như hôm nay.
6 cái Tết tôi chưa được về thăm mẹ và ngôi nhà đã nuôi dưỡng những giấc mơ của tôi. Mẹ vẫn thường nhắc tôi rằng "Dù làm gì quê hương vẫn là cái nôi của mỗi con người. Con sông dù có chảy ra biển lớn, nhưng nó cũng đều bắt đầu từ nguồn cội".
Lê Minh Hoàn
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |