Ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé, lụp xụp của gia đình ông Trần Văn Như (62 tuổi, thôn Nam Trung, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) mấy hôm nay rất đông người tới chúc mừng. Con trai ông, Trần Văn Cường (lớp 12A, THPT Trần Phú) vừa trở thành thủ khoa của ĐH Bách khoa TPHCM với 28,25 điểm (Toán: 9, Lý: 9.25, Hóa: 10).
Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt hiền từ, Cường cười buồn khi tâm sự về ngôi thủ khoa trường đại học danh tiếng. "Khi thi xong khối A, em dự tính được 28 điểm và tin rằng sẽ đỗ đại học. Nhưng trên đường về nhà, em chỉ nghĩ tới bố mẹ tuổi già sức yếu, không biết sẽ lấy tiền đâu cho em nhập trường", Cường cúi mặt nói.
Thủ khoa ĐH Bách khoa TP HCM là con út trong gia đình có 5 anh chị em trong gia đình nghèo nhất xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Các anh chị của Cường vì cái đói cũng phải rời quê hương vào miền nam làm ăn. Trong ngôi nhà lụp xụp với những chiếc ghế cũ, một số ít bát đũa đã được sắm từ lâu, những tấm giấy khen và bảng thành tích của cậu được bố mẹ treo khắp nơi. Chiếc giường cũng là bàn học của Cường.
Bà Nguyễn Thị Trung (58 tuổi, mẹ Cường) cho biết, chồng bị bệnh tim và mất trí nhớ gần 10 năm nay. Ngoài việc đi lại, ông không hề nhận thức được điều gì. Ai đến ông cũng ngồi im, hỏi gì ông cũng chỉ gật đầu, không nói. Mọi công việc trong gia đình đều do bà Trung và Cường gánh vác. Nguồn thu của cả nhà trông chờ vào 8 sào ruộng và vườn rau.
"Mỗi ngày tôi thu được 20.000 đồng từ việc bán rau. Số tiền ấy tôi gom góp lại để trả tiền lãi vay ngân hàng, thỉnh thoảng trích ra mua tí cá, thịt, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhiều khi gạo còn ít, tôi toàn nấu cháo, bỏ rau má, rau khoai vào ăn thay cơm", người mẹ với mái đầu đã nhiều sợi bạc nói trong nước mắt.
Nhà nghèo nên suốt 3 năm THPT, Cường không hề đi học thêm mà chỉ đến trường và về nhà tự ôn tập. Kết quả, cậu đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10; giải Nhì khi học lớp 11 và giải Ba môn Toán Quốc gia năm lớp 12.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Cường bảo các môn tự nhiên cần rèn luyện khả năng tư duy lô gíc. Khi học ở trường em chú ý nghe giảng, về nhà làm bài tập trong sách nâng cao rồi xâu chuỗi các công thức của 3 môn học lại thành sơ đồ cho dễ nhớ.
"Cường có tố chất rất đặc biệt về môn Toán. Cường không học nhiều như các bạn khác mà chỉ nhìn qua sách là sẽ nhớ được vanh vách các công thức để vận dụng vào bài làm. Em luôn biết vượt lên mọi hoàn cảnh và sống hòa đồng với mọi người", thầy Phạm Đăng Nhân, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần phú, cũng là giáo viên dạy Toán của Cường nhận xét.
Biết hoàn cảnh của gia đình Cường, mỗi đầu năm học, thầy cô và bạn bè lại góp tiền mua giúp em sách vở, dụng cụ học tập. Cũng vì cái nghèo mà có lần được gọi đi ôn đội tuyển Quốc gia, nam sinh này đã từ chối.
Cường tâm sự nhiều đêm nghĩ tới bố mẹ mà em rơi nước mắt. Bố vẫn mãi chỉ biết ngồi im lơ đãng, mẹ giờ già yếu, mọi công việc đều trông chờ vào Cường. Cứ sau mỗi buổi đi học, cậu lại về nhà chăn trâu, cắt cỏ, cấy gặt giúp mẹ. Cây sáo là thứ giúp em giải tỏa căng thẳng trong học hành và tìm thấy sự lạc quan khi nhìn về tương lai phía trước.
Nói đến tương lai, mẹ Cường lại khóc thành tiếng. Bà bảo, khi được con trai báo tin đỗ thủ khoa, bà ứa nước mắt. Ông bố vẫn ngồi im, đưa ánh mắt ngơ ngơ nhìn xung quanh.
"Tôi vui và tự hào lắm nhưng cũng buồn khôn xiết. Sắp tới em nó đi học, không biết lấy gì cho con nhập trường đây. Gia đình chẳng còn gì để bán nữa. Thôi thì nếu đến bữa không vay mượn được, tôi đành cầm cố sổ đỏ. Còn những viên ngói cuối cùng trên mái nhà, tôi cũng gỡ để bán lấy tiền cho con vào giảng đường".
Ngoài ĐH Bách khoa, năm nay Cường cũng thi ĐH Y Hà Nội. Cậu dự đoán sẽ được trên 28 điểm, khả năng đậu ngành Y đa khoa. "Nếu may mắn đỗ hai trường em cũng không biết học trường nào. ĐH Bách khoa chỉ học 5 năm, trong khi trường Y em yêu thích phải cần đến 6 năm trên giảng đường. Em sợ mẹ sẽ không có tiền để trụ nổi", Cường chia sẻ.
Lê Đức Hùng