Đến khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hỏi bệnh nhân Tô Văn Cung có lẽ không ai là không biết kể cả y bác sĩ hay người nhà đi chăm sóc người bệnh. Giữa dòng người tấp nập ra vào khoa chăm sóc bệnh nhân, thấp thoáng có bóng dáng nhỏ bé của một bé gái mới 9 tuổi quanh quẩn bên người cha đang nằm trên giường bệnh, cử chỉ có phần lóng ngóng. Từ ngày đầu anh Cung nhập viện hôm 8/10 đến nay chỉ có duy nhất có cô bé chăm sóc cha. Bé tên là Tô Thị Bích Ngọc, con gái út của anh Cung, hiện học lớp 4.
“Sáng con dậy từ 5h30 đi mua đồ ăn cho bố, sau đó bữa trưa tối thì cứ đều đặn đến giờ đi lấy cơm về cho 2 bố con. Trong lúc bố nghỉ ngơi thì con ngồi chơi hoặc tranh thủ đi tắm, gội đầu, giặt giũ quần áo. Tối thì con ngủ cùng với các bác cũng đi chăm bệnh nhân giống như con. Nằm chiếu trải trên hành lang, dù có chăn đắp nhưng nhiều hôm con vẫn thấy lạnh”, bé Ngọc thỏ thẻ nói.
Những ngày này bố đã tỉnh, có thể đi lại, ăn uống bình thường nên công việc của bé cũng đỡ vất vả hơn. “Ngày đầu vào viện, bố vật vã làm con lo lắm vì chỉ có một mình ở trong viện. Con phải làm vệ sinh, đánh răng, cho bố ăn; những công việc này con không quen làm nhưng có các bác cùng phòng hướng dẫn”, vừa nói cô bé vừa húng hắng ho.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Hùng, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn nhớ như in tình cảnh tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Cung vào hôm đó. Bệnh nhân ở trong tình trạng tinh thần không tỉnh táo, trạng thái kích thích, đau bụng nhiều, đi tiểu ra máu. Đi cùng chỉ có cô con gái nhỏ nước mắt lưng tròng xách theo một túi với mấy bộ quần áo, không một xu dính túi. Rất may là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế hộ cận nghèo. Bệnh viện đã kịp thời cấp suất ăn từ thiện, lo cơm bữa hằng ngày cho 2 bố con.
“Nhìn tình cảnh của hai bố con chúng tôi cũng rất ái ngại vì cháu còn nhỏ, tình trạng bệnh nhân lại nặng. Bố bé có tiền sử nghiện rượu lâu năm, được chẩn đoán bị xơ gan, tình trạng khá nặng, đái ra máu do có sỏi niệu quản", bác sĩ Hùng nói. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, không còn đi tiểu ra máu, đỡ đau bụng. Dự kiến tuần tới viện sẽ chuyển bệnh nhân sang khoa Ngoại để tiến hành phẫu thuật vì viên sỏi khá to.
Anh Cung cho biết phát hiện bị xơ gan gần một năm nay nhưng gia đình quá khó khăn không có tiền chữa. Vợ anh bệnh tâm thần 7 năm nay, không đến mức không biết gì nhưng hay đi lang thang; con trai lớn đang học lớp 8 sáng phải trông xe ở chợ, chiều đi học; cô con gái học lớp 4 phải nghỉ học đến viện trông bố.
“Nhà đông anh em nhưng phận ai biết người nấy, không có điều kiện giúp đỡ nên khi nằm viện tôi cũng không dám nhờ vả ai. Bà nội, ông ngoại đều tuổi đã cao", người cha chia sẻ. Anh nói rằng bình thường mỗi ngày uống nửa lít rượu, nhiều lúc say cũng mắng con, chửi anh em, hàng xóm. "Biết là sai, nhưng cũng vì hoàn cảnh xô đẩy nên mới rơi vào cảnh rượu chè", anh Cung nói.
Gần đây đi tiểu ra máu, anh lần lượt khám ở tuyến xã, huyện, tỉnh và được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai lúc không còn tỉnh táo. Gia đình không có tiền, khi đi viện anh bán 2,5 tạ lúa được 1,5 triệu đồng chi trả cho tiền đi lại, xe cộ; đến lúc nộp tiền bảo hiểm, viện phí thì không còn nữa.
Hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên bé Ngọc hơi lầm lì, ít nói, có phần già dặn hơn so với nhiều đứa trẻ cùng lứa tuổi. "Cô bé rất ngoan, bố hay các bác bảo làm gì cũng làm theo. Tối đến cháu ngủ ngoài hành lang cùng chúng tôi, mình già cả không ngủ được thì thỉnh thoảng dậy đắp chăn cho cháu. Khổ con bé đang tuổi ăn tuổi ngủ, đáng nhẽ đang được đi học thì phải nghỉ ở viện chăm sóc bố", bà Phan Thị Lừng, 50 tuổi, ở Quảng Ninh chăm chồng nằm cùng phòng thương cảm nói.
Hối hận vì mình uống rượu nhiều đến mức đổ bệnh này, giờ anh Cung chỉ mong sớm khỏi bệnh để con có thể về nhà đi học với bạn. “Con bé không nói gì nhưng tôi biết nó nhớ bạn, nhớ trường lắm. 3 năm liền cháu đều là học sinh giỏi”, người cha 42 tuổi buồn bã nói.
Nam Phương