Nhóm nghiên cứu từ Đại học Yale đã chụp ảnh não của 12 phụ nữ ở thời điểm 4 tuần sau sinh. Một nửa trong số đó sinh mổ, số còn lại sinh thường. Họ phát hiện thấy ở những người sinh thường, vùng não liên quan đến xúc cảm và tình cảm hoạt động mạnh. Theo họ, chìa khóa của vấn đề là sự khác biệt về hàm lượng hoóc môn tiết ra trong ca sinh. Các cơn co dạ con trong quá trình sinh thường sẽ kích hoạt giải phóng hoóc môn oxytocin, được xem là quan trọng trong việc định hướng bản năng làm mẹ. Tuy nhiên, sinh mổ không có quá trình giải phóng hoóc môn tương tự, và lại làm tăng nguy cơ trầm uất sau sinh. Sự khác biệt trong hoạt động não ở trên dường như không chỉ ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhanh của bà mẹ với đứa trẻ, mà còn làm thay đổi tâm trạng của người mẹ đó. Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ James Swain cho biết công trình này có thể giúp làm sáng tỏ hơn về cơ chế hóa học đằng sau mối liên hệ mẹ con. Giáo sư James Walker, phát ngôn viên của Đại học Sản Phụ khoa hoàng gia Anh, cho biết: "Từ lâu chúng tôi đã nhận ra rằng những bà mẹ sinh mổ đôi khi gặp trục trặc trong mối liên hệ với con". Tuy nhiên ông cho biết lý do của điều này vẫn chưa rõ ràng. Trong một số trường hợp, nó có thể liên quan tới những khó khăn của chính ca đẻ mổ. Ngoài ra theo ông, công trình mới đây chỉ nghiên cứu trên 12 người, và có thể cá tính của các bà mẹ đã làm cho họ khó khăn hơn khi gắn bó với con, chứ không phải do kiểu sinh gây ra. Và sau cùng, theo ông, không có nghiên cứu dài hạn nào đánh giá liệu các bà mẹ sinh mổ có gặp trục trặc lâu dài trong mối liên hệ với con hay không. "Không nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều phụ nữ sinh mổ vẫn là những bà mẹ tuyệt vời". Hiện có những mối lo ngại rằng ngày càng nhiều phụ nữ chọn cách sinh mổ, một thủ thuật có thể để lại tác dụng phụ nguy hiểm. T. An (theo BBC) |