Thời gian này năm ngoái là những ngày khủng hoảng với chị Nguyễn Thị Trà, 52 tuổi, ở phường An Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng. Con trai út của chị, bé Nguyễn Thành Duy, học sinh lớp 6, đột nhiên mệt mỏi, chán ăn, sút cân. Đưa con đi khám tại trung tâm y tế, bác sĩ không thể lấy được máu, nên yêu cầu chuyển ngay tuyến trên.
Tại Bệnh viện Phụ sản Nhi, bé Duy được chẩn đoán bị máu đông, phải hút ra, bơm máu khác và truyền nước nhiều ngày. Chị Trà còn đang chưa rõ con bệnh gì, khắp xóm đã hay tin bé bị ung thư máu.
"Ra đường, người này, người kia dúi cho tôi vài ba trăm cho cháu chữa bệnh. Cảm kích sự quan tâm của xóm giềng, tôi càng thêm hoang mang vì bệnh tình của con", chị Trà nhớ lại.
Người thân giấu tình trạng của bé với chị. Thời điểm nhập viện, cậu bé vô cùng nguy kịch. Máu đông, lá lách chiếm cả ổ bụng, cơ thể suy kiệt. Một bác sĩ nói rằng nếu trong hai ngày tới bé không khá lên sẽ trả về.
May sao Duy qua được cơn nguy kịch. Qua hàng loạt xét nghiệm, em được kết luận bị bạch cầu mạn dòng tủy.
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, bệnh cầu mạn dòng tủy thường diễn tiến chậm hơn và triệu chứng không quá rầm rộ như những dạng bệnh bạch cầu cấp tính song phương pháp điều trị rất tốn kém. Phác đồ của Duy là dùng thuốc trong hai năm, chi phí ước tính hơn 250 triệu đồng.
"Nếu không được dùng thuốc và chăm sóc tốt, bệnh sẽ tiến triển nặng", bác sĩ Thảo Nguyên nói.
Đây là con số nằm ngoài mọi tầm với của gia đình chị Trà - một hộ nghèo lâu năm của tổ dân phố 52, phường An Khê. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Ngọt, bị bệnh hen suyễn từ nhỏ, một tháng đôi ba lần phải đi viện. Trước anh làm thợ mộc, vì bệnh này nên không thể theo được nghề nữa. Sau này có những dạo sức khỏe tưởng ổn, anh được tạo điều kiện đi phụ hồ, làm mấy việc nhẹ nhất trong tổ thợ, song bước lên cầu thang, đi ra nắng một chút là thở không hơi. Làm được một đồng tiền công lại tốn ba đồng tiền thuốc, nên sau mấy bận anh phải cấp cứu thì ở nhà hẳn.
Từ ngày đó, chị Trà đã thân cò chạy vạy nuôi chồng và ba đứa con bằng đồng lương thợ nề. Cơm cháo nuôi nhau rồi dần dần các con cũng lớn. Tới năm ngoái, con gái lớn đã lập gia đình, chưa có nghề nghiệp ổn định song mẹ cũng ít phải lo. Con trai thứ cho đi nghĩa vụ. Đôi vai người phụ nữ tưởng nhẹ gánh bớt thì tai họa ập tới.
"Nhiều lúc tủi cho mình khổ phận, chỉ muốn buông xuôi để giải thoát. Nhưng con mình đẻ ra thì phải có trách nhiệm. Bằng giá nào cũng phải cho thằng Duy được sống", người mẹ nói.
Bé Duy nằm viện trong thời điểm dịch Covid-19 nên chỉ được một người đi cùng. Chị Trà cắt cử con gái lớn cắm chốt ở viện chăm em, còn mình ở ngoài đi làm, lo vay mượn đóng viện phí và chăm chồng.
Mấy chục năm làm thợ nề, chuyện xách vữa, khuân gạch, hay cheo leo trên giàn giáo dưới cái nắng chói chang, chị thấy chẳng hề gì, chỉ mong sao có việc. Song vì dịch bệnh chỉ 10-15 ngày mỗi tháng có việc. Đôi lúc có người thương gọi chị đi dọn nhà, phụ bếp trả cho vài đồng.
Ngặt nỗi, bệnh của thằng út cần 4 viên thuốc một ngày tốn khoảng 500.000 đồng, chưa kể các loại thuốc bổ như canxi, thuốc hạ tiểu cầu. "Tôi cứ tính tiền theo tuần cho dễ chạy. Mỗi tuần chưa gom được 3 triệu là không dám đi viện", người mẹ nói.
Đồng lương phụ hồ chỉ đủ mua cho con vài món tẩm bổ, chị Trà đành phải chạy vạy cách khác cứu con. Thương cậu bé đang tuổi ăn tuổi chơi đã mắc bệnh quái ác, nên các anh em, họ hàng giúp đỡ và cho vay. Chị Trà cho biết cũng được những người bạn thợ nề, xóm giềng ủng hộ mua cho bé viên thuốc. Đợt này, xác định từ Tết cho tới tháng Hai hàng năm là mùa thợ xây không có việc, chị đã vay ngân hàng 25 triệu đồng để sẵn đi viện.
"Cũng may có người thương xin cho con thứ hai của tôi đi làm. Hiện mỗi tháng cháu cũng góp được 5 triệu đồng mua thuốc cho em", chị nói.
Ông Trịnh Sáu, tổ phó tổ dân phố 52, phường An Khê, cho biết hoàn cảnh gia đình chị Trà nhiều năm hộ nghèo, do chồng bệnh tật, mất sức lao động, vợ chỉ là lao động phổ thông lúc có việc lúc không. Nay con bị bệnh máu, gia đình đã nghèo càng thêm khó.
Hơn một năm chạy cho con từng viên thuốc, chị Trà luôn có một nỗi lo thường trực: Thằng Duy hết thuốc, bệnh có thể từ mạn thành cấp tính và càng khó chữa trị. Vì thế dù hàng tuần thiếu tiền hoặc bận việc đến đâu, người mẹ cũng phải đưa con nhập viện nội trú để được bác sĩ thăm khám và mua thuốc trợ giá. Nếu mua ở ngoài, một viên thuốc này giá hơn 400.000 đồng. "Con mắc bệnh nặng, phải đi viện để được bác sĩ theo dõi liên tục cũng dễ trở tay", chị nói.
Bằng việc tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, tới nay tình trạng bé Duy tạm ổn và đi học trở lại. Nhưng chị Trà không dám buông lơi. Hàng đêm ôm con trên căn gác chật hẹp, chị vẫn ám ảnh cái lần gặp lại con sau hai tháng nhập viện trong đợt dịch. Từ 46 kg, Duy chỉ còn 21 kg, dặt dẹo như con mèo hen.
"Lúc đó tôi lạnh toát người, sững sờ. Vứt cái xe đó chạy đến ôm con, tôi cảm giác như đã giành được con từ cửa tử trở về", người mẹ hồi tưởng.
Phan Dương
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.