Có chăng lớn rồi nên xuân của nó khác mọi lần! Ừ chắc vậy, vì xuân này nó có ở nhà đâu? Nó 21 tuổi, cái tuổi tràn đầy nhựa sống, dám ước mơ, dám suy nghĩ, dám hành động và đang là cô sinh viên năm ba của một trường đại học sư phạm. Lớn rồi biết suy nghĩ nhiều hơn, biết thương mẹ nhiều hơn, hiểu được nỗi vất vả mà mẹ phải gánh gồng để nuôi bốn chị em nó ăn học đàng hoàng như bàn dân thiên hạ, trong khi ba nó đắm chìm trong men rượu thì tiền với nó trở thành vấn đề quan trọng.
Để có tiền trang trải việc học, theo đuổi ước mơ của một cô giáo dạy Văn, cũng như phụ giúp mẹ nó dần tự lập hơn. Từ một cô học trò quanh quẩn bên mẹ, bên những chú bò rong ruổi ăn cỏ ở quê, nó thành cô sinh viên mang theo niềm tự hào của mẹ và biết tất tần tật mọi việc làm thêm. Từ cô gia sư đến việc phụ bán bánh mì buổi sáng, làm phục vụ cà phê vào buổi tối, hay phục vụ nhà hàng khi có tiệc, đến quán cơm chay cũng cần nó tuốt, rồi đến tiệm Internet và ngay cả việc trông trẻ hay bảo mẫu như nhỏ bạn ghẹo nó. Cũng vì thế mà Tết người lớn của nó khác Tết nhỏ mọi lần. Nó quyết định ở lại thành phố đi làm kiếm tiền ngay trong cái Tết này.

Bởi qua Tết, nó cần tiền cho kì đi kiến tập của nó. Cái gì cũng đụng đến tiền, nào là tiền trại, tiền hội, tiền lớp, tiền đoàn, tiền ăn, tiền trọ… và biết bao khoản khác. Nhưng nó không dám xin mẹ vì nhà nó nghèo, mẹ nó cũng khổ quá rồi. Chữ tiền ấy bám riết nó, làm nó căng thẳng đến bế tắc nhiều khi không muốn nghĩ, hễ ai nhắc đến là nó nổi cáu và “tiền” không cho nó có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Đây là năm thứ hai nó ăn Tết xa nhà. Tết năm nay của nó sẽ không còn giao thừa bên mẹ và em nó, không có xông đất cũng chẳng có lì xì nữa, thiếu đi tiếng cười rộn rã bên gia đình. Tết của nó gắn liền với việc bán xu thú nhún, bi lắc hay kiểm phiếu trò chơi trẻ em ở khu vui chơi của thành phố. Nó lấy tiếng cười tràn đấy hạnh phúc của bọn trẻ tay trong tay được bố mẹ dìu dắt đi chơi hay cái không khí rộn ràng của người lẫn bài nhạc xuân mở vang khắp khu trò chơi làm niềm vui cho Tết riêng của mình. Nhẩm theo lời bài hát “Xuân ơi xuân xuân đã về…”, nó tự nhủ “Tết mình thế này cũng hay?”.

Nhưng đố ai không buồn cho cái Tết xa nhà. Nhìn những vòng quay của thú nhún, nhìn hộp cơm ăn dở giờ giải lao, nhìn cái đông vui của mọi người… nó bỗng thèm Tết quá chừng. Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ cái Tết đoàn viên ấm cúng của gia đình rồi nhìn mình nó lại tủi, lại chạnh lòng - một giọt nước mắt bất giác lăn dài. Mồng 3 Tết nắm trước đang vắng khách thế là có thời gian suy nghĩ về vòng quay của đời mình nó thấy buồn kinh khủng, lần đầu tiên nó thấy hai chữ chị hai mà em nó vẫn gọi sao mà nặng thế, nó chui vào nhà banh bật khóc thật to để xoa dịu nỗi lòng. Thế rồi Tết riêng của nó qua đi. Nhưng may mắn thay có tận ba ngày Tết, bảy ngày xuân cơ mà. Tết hết nhưng còn xuân và mồng 8 nó về, thật sự ăn Tết chung với đời. Người ta thì hết Tết nhưng nó Tết chỉ mới bắt đầu - một cái Tết muộn nhưng đúng nghĩa.
Đấy là cái Tết của năm Giáp Ngọ và cũng chính là cái vòng lặp lại cho Tết Ất Mùi năm nay. Vẫn thế, vẫn quay, vẫn tương tự mang một nỗi buồn vô thức dâng lên trong nó. Dưới ánh nắng yếu dần của ngày tàn, vài hoa mai đang nở rộ nơi cuối đường, đạp vội chiếc xe với bộ đồng phục sau giờ tan ca café nó mong gió nhắn giùm nỗi lòng của kẻ xa quê rằng: “Mẹ ơi! Tết này con không về”.
Nguyễn Thị Hằng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |