"Mẹ ơi sớm nay xuân về
Mẹ trông ra ngoài hiên nắng
Mẹ mong đứa con xa nhà
Rồi mùa xuân... anh ấy sẽ về"
Nhớ ngày đầu tôi đến TP HCM, một đô thị lớn nhất Việt Nam học tập và làm viêc, tâm hồn chộn rộn hứng khởi chỉ có ở người ngày đầu xa nhà, khẽ hít hà hương gió sớm mai, lòng tự nhủ "vì cuộc đời là những chuyến đi". Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã 6 năm rồi…
Sáng nay đi làm, ngược với dòng xe hối hả đưa người về quê đón Tết còn có những chuyến xe trĩu nặng chở hàng Tết ở quê ngược vào TP HCM, để những người xa xứ ở Sài Gòn tìm được chút hương vị Tết quê nhà. Cố gắng chỉ suy nghĩ, tập trung vào công việc nhưng một cảm giác thật khó tả. Nỗi nhớ nhà khó mà giấu được khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết vẫn phải đi làm…
Tết đến...
Tự nhiên người ta thèm cảm giác có một gia đình, một mái ấm mà người thân quây quần, cười nói, ăn uống vui vẻ...
Mùi hương, mùi hoa, mùi bánh chưng, mùi ẩm ướt của không khí... tất cả cứ quanh quẩn đâu đây.
Hà Nội chắc bây giờ nhộn nhịp lắm. Công việc bận bịu quá, mọi thứ cứ dồn dập... thế mà tự nhiên cái giây phút này, tôi nhớ Hà Nội thế, nhớ bố mẹ, nhớ lũ chó mèo, nhớ cây cối và cái ngõ nhà mình thế... Có phải là lần đầu tiên tôi xa nhà vào dịp tết đâu... Thế mà sao cứ như ngày đầu vậy,cứ nghe đâu đây mùi của Tết quê hương...
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán. Năm Giáp Ngọ sắp qua. Tiếng gõ móng lộc cộc của chú ngựa xa dần, xa dần, nhường chỗ cho tiếng "be be" vui vẻ của chú dê báo hiệu năm Ất Mùi đáng tới. Giờ này, thiên nhiên và con người của Thủ đô Hà Nội - đất Thăng Long nghìn năm vạn vật đang náo nức chờ đón xuân sang. Cái lạnh se se tràn về giữa thành phố làm tôi nhận ra không còn bao lâu nữa là đến Tết rồi. Vậy mà tôi chưa thể về vì mưu sinh của cuộc sống. Tôi nhớ lắm những mùa Tết đã qua, tôi luôn ở gần gia đình. Đã mấy năm rời Hà Nội vào nam làm việc, những ngày cận kề Tết mới thấy chạnh lòng đêm nào trời lạnh, nơi gác trọ lặng lẽ...
Tôi vẫn còn nhớ như in những chiều 30 Tết, ngôi nhà nhỏ nép vào chân đồi, chiều xuống những đợt gió tràn vào trong vườn làm rụng cuống những chiếc lá đã căng mình suốt mùa đông, vài nụ hoa đào đã e ấp trong gió lạnh. Đó là một buổi chiều cuối cùng của tháng Chạp, tiết trời mùa đông se lạnh, những con đường làng thưa bước chân người qua lại, dạo bước quanh làng đã có mùi bánh chưng thoang thoảng và mùi nhang len lỏi trước ban thờ. Chiều 30 Tết bận bịu, những việc cả năm còn chưa làm hết, nhưng thong thả tinh tươm cho một năm mới sắp sang…
Những nôn nao Tết trong tôi không hẳn vì tết là dịp hội hè. Đi làm xa nhà cả năm, tôi chỉ mong Tết như một kỳ nghỉ vài ngày, không công việc, không stress, không có những bức bối thường nhật... Một kỳ nghỉ ở ngay chính căn nhà thơ ấu của mình, bên ba mẹ, để thấy lòng thật bình yên, dù là một kỳ nghỉ không dài. Từ lúc lớn lên, đi học xa nhà rồi đi làm xa, Tết của tôi bao giờ cũng đi kèm với những vội vã, những ngày qua quá nhanh và những dự định chưa bao giờ làm kịp... Năm nào tôi cũng cố để dành phép xin về sớm một chút, đi muộn một chút, nhưng chưa bao giờ toại nguyện.
Tôi thèm được sống trong bầu không khí của những ngày giáp Tết, khi mọi người lục đục dọn dẹp nhà cửa, quét vôi, sơn cửa, khoác cho căn nhà thường ngày của mình một màu áo mới. Thợ vôi trong những ngày giáp Tết đắt sô kinh khủng, thường thì không tìm ra hoặc vì đắt sô quá làm không kỹ nên ba tôi hay mua vôi, mua sơn về túc tắc tự làm. Hồi tôi còn ở nhà, những thứ bảy, chủ nhật gần trước Tết, tôi luôn phụ ba sơn cửa, chà mạng nhện, quét vôi... Sau đó dọn dẹp bàn thờ ông bà, chùi bộ lư đồng cho lên nước bóng loáng, rửa tất cả ly tách, chén bát, nồi niêu sạch sẽ. Ra nghĩa trang dọn cỏ, quét vôi, đồ lại chữ trên bia mộ ông bà.
Đến ngày cuối năm đi dạo chợ hoa Tết, hì hục bê về mấy chậu hoa cúc. Mẹ tôi thích hoa vàng nên tết nào nhà cũng vàng rực sắc hoa. Hồi đó, những việc tẩn mẩn như vậy làm tôi chán kinh khủng, bởi trong lúc mình chúi đầu với cọ sơn, vôi vữa đầy người thì ngoài kia, nắng Tết vàng ươm, mơ hồ như lụa, gió bay, lá reo và bao nhiêu điều hấp dẫn đang chờ đón. Đến khi xa nhà đi học, rồi đi làm, lúc tôi được nghỉ Tết về nhà thì nhà cửa đã khang trang, một tay ba cặm cụi làm hết. Mà ba thì ngày càng già đi, sức khỏe chẳng thể như xưa... Bây giờ tôi chỉ ước mình có lúc nào đó được rảnh rang để lăng xăng đỡ đần ba những ngày giáp Tết...
Những ngày giáp Tết ở thị xã bé tẹo của tôi, chợ tết thường phình to ra một cách bất ngờ, người bán và người mua đều gia tăng, rộn ràng, tấp nập. Đi chợ với mẹ thường sẽ gặp muôn vàn người quen, sẽ phải liên tục cúi chào và mỉm cười khi có ai đó hỏi han. Để mẹ sẽ sung sướng trả lời: con trai tôi ở xa về đó! Sẽ khệ nệ hai tay xách hai túi thức ăn, bánh trái nặng trĩu mà có khi sau Tết, khi tôi đi rồi, ba mẹ ở nhà dễ chừng phải ăn đến cả tuần lễ chưa hết. Biết là phiên chợ đầu năm sẽ họp lại vào ngày mồng hai Tết, nhưng năm nào cũng vậy, những ngày Tết của gia đình chỉ có ba người chúng tôi luôn tràn ngập thức ăn. Ôi, sao mà nhớ quá chừng không khí quê tôi vào những ngày giáp Tết, thân thuộc đến cháy lòng...
Tết xa biến khoảng cách địa lí không còn có ý nghĩa bằng "nỗi nhớ", đôi khi nỗi nhớ đến từ những thứ bình dị nhất. Tết xa là đôi khi đang đi trên đường, bất chợt cảm xúc ùa về khẽ gieo vào lòng như cái lạnh đầu đông, bỗng thấy một góc quen thân thuộc sao giống ngõ nhỏ, phố nhỏ ở nhà đến lạ lùng và giả vờ đãng trí đi theo với hy vọng sẽ về được đến nhà, là cảm giác run run khi bấm chuông cửa khẽ thì thào "Mẹ! Con đã về", chỉ có trong tiềm thức thôi mà sao đôi khi lại chân thực đến thế. Là nghe đi nghe lại những bài hát xuân, cứ Tết đến xuân về là rộn ràng trong tiềm thức người xa quê.
Tết xa là những giọt nước mắt của mẹ, xót con trong Tết đầu tiên xa nhà, là hỏi "Con ở đó có khỏe không?". Tết xa là cảm giác "thèm" vị mứt gừng cay cay đầu lưỡi, thèm cảm giác co ro run rẩy ngồi xem pháo hoa với chị gái. Ngày bé, tôi vẫn thường tò mò hỏi mẹ "Tại sao pháo hoa khi nổ lại kêu to hả mẹ?". "Để đánh thức những giấc mơ đã ngủ quên trong tiềm thức", mẹ trả lời. Để rồi những câu chuyện của mẹ vẫn theo tôi đến tận bây giờ.
Tết xa là nỗi nhớ những sáng đầu năm, nằm co ro trong chăn ngủ nướng không thèm dậy, là nỗi nhớ tiếng gọi của mẹ, của bố, là cảm giác khoái trí khi áp cả bàn tay lạnh vào lưng chị gái, là khai bút đầu xuân, là những uớc mong mà chỉ khi còn bé bạn mới ước, là tiền lì xì, là cảm giác quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói.
Tết xa là cuộc hành trình tìm lại mình mà cuộc sống tặng cho bạn, nó khiến cho nỗi nhớ nhà của bạn nhân lên gấp bội, nhưng để rồi bạn trân trọng những xúc cảm đã ngủ quên từ lâu - những xúc cảm "xa xỉ" hết mức mà bạn rất khó tìm thấy khi ở nhà. Tết là thấm thía sự vất vả của bố mẹ' là nâng niu những kỷ niệm về Tết bên ông bà, cha mẹ, chị gái, khẽ cất sâu vào một góc trong trái tim, để rồi đem ra "gặm nhấm" cho những cái Tết xa nhà tiếp theo đang tới.
Tết xa là cảm giác hụt hẫng, ngồi thẫn thờ trên xe buýt đến trường hay xe máy một mình đến nơi làm viêc trong cái lạnh tê tái cuối đông, là giật mình khi thằng bạn thân khẽ huých vào tay nói: "Cậu lại mơ gì à?"
Im lặng trong khoảnh khắc, để rồi khẽ mỉm cười nói: "Không phải là mơ mà là uớc". "Ước gì?". "Ước thời gian vùn vụt trôi để được về nhà".
Nguyễn Hồng Linh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |