Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo giữa dãy đất miền Trung. Từ nhỏ, tôi đã kém may mắn hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc gia đình tôi gặp sóng gió, ba mẹ tôi ly thân rồi ly dị nhau. Mấy năm sau, ba tôi đi làm ăn xa rồi có vợ khác, mẹ tôi cũng qua đời vì tai nạn ôtô. Tôi được sống trong vòng tay yêu thương, nuông chiều của bà nội nhưng khi bà già yếu không còn đủ sức chăm sóc cháu nữa nên đã giao phó tôi cho bà và dì. Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi từ đó và ước mơ đến trường của tôi nhiều lần cũng tan vỡ.
Kể từ khi ba tôi đưa vợ con từ miền Nam trở về, ba dường như không yêu thương tôi nữa, mọi tình cảm và sự quan tâm ba đều không dành cho tôi, ba và dì nhiều lần còn bắt tôi bỏ học. Cuộc sống của tôi như địa ngục, hàng ngày tôi và chị gái luôn phải hứng chịu những đòn roi đánh đập của dì. Năm tôi lên chín, tôi đã bắt đầu rong ruổi trên cả con đường thành phố để lượm ve chai kiếm sống. Rồi ba dì cũng theo đoàn thầu xây dựng đi làm ăn xa, ở nhà tôi và chị gái không có tiền ăn, tiền học, hai chị em tôi lại tiếp tục đi lượm ve chai mấy năm ròng.
Tôi còn nhớ như in những ngày tháng đó và mỗi khi nhớ lại chắc có lẽ đó là những ngày tháng tủi nhục nhất. Đi lượm ve chai sợ hàng xóm, bạn bè, người quen phát hiện, chê cười bản thân và gia đình nên chị em tôi ngụy trang rất kỹ trước khi đi làm. Những ngày thường, chị em tôi đi làm từ rất sớm để được về sớm học bài. Và những ngày mưa lũ, chị em tôi vẫn phải đi lượm ve chai vì hôm đó ít người đi nhặt và mình sẽ nhặt được nhiều hơn. Cuộc sống vẫn diễn ra như thế, tôi cũng lớn dần theo dòng thời gian, vẫn vật vã với cuộc sống mưu sinh của mình. Năm tôi thi vào cấp 3, tôi đã không may mắn khi thi vào trường điểm của tỉnh, tôi phải học một trường dân lập gần nhà. Lại một lần nữa, ba dì đã ngăn cản ước mơ đến trường của tôi. Ba nói: “Học trường dân lập thì học làm gì cho tốn tiền”. Tôi đã khóc rất nhiều và cuối cùng tôi đã đi làm phục vụ quán ăn, quán cafe để kiếm tiền đóng học phí đi học.
Có phải chỉ khi khó khăn thất bại nhất con người ta mới biết vươn lên trong cuộc sống. Tôi đã cố gắng học không ngừng vì hy vọng một ngày nào đó tôi được bước chân vào cổng trường đại học mà tôi yêu thích. Nhưng thật trớ trêu thay năm tôi học lớp 11, thì gia đình lại nghe lời một người chị bên Thụy Điển bắt tôi bỏ học sang bên đó lấy chồng Việt kiều để thay đổi hoàn cảnh gia đình, và bà chị cũng được một số tiền kếch xù, nhưng tôi đã không đồng ý. Tôi vẫn tiếp tục đến trường trên con đường của riêng tôi. Năm tôi học lớp 12, tôi đã tự viết hồ sơ thi đại học ở Sài Gòn và tôi đã chạy vạy khắp nơi để có tiền lộ phí đi thi.
Tôi lang thang vào Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 6/2012 để thi đại học. Vừa thi đại học xong, tôi đã bắt đầu đi làm ở một shop quần áo gần nhà trọ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thời gian đó tôi mong chờ điểm thi đại học từng ngày, ngày nào tôi cũng vào trang web xem điểm có chưa, mình có đậu không. Và cái gì cũng sẽ đến, hạnh phúc vỡ òa khi tôi trúng tuyển vào ngôi trường đại học mà tôi yêu thích. Nhưng nỗi buồn càng dâng lên không kém khi tôi suy nghĩ về cuộc sống, về việc học của bản thân, con đường phía trước rồi sẽ ra sao, mình có thể lo cho cuộc sống bản thân được không. Rồi tôi cũng có câu trả lời cho bản thân tôi, là tôi sẽ cố gắng đi làm thêm để tiếp tục học. Tôi đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống như phục vụ quán ăn, nhà hàng, phát tờ rơi, bán hàng, giao hàng và thậm chí còn làm công nhân, làm PG tiếp thị bia. Tôi làm tất cả mọi việc, không hề hà công việc gì, miễn sao có tiền để tiếp tục học là được.
Cuộc sống Sài thành đối với một cô sinh viên tỉnh lẻ như tôi cảm thấy rất khó khăn, có những ngày tháng tủi nhục lấy nước mắt để chan cơm và có những ngày trong túi không còn lấy một ngàn, phải nhịn đói nhịn khát đi học rồi đi làm, có khi bị xỉu, bị ngã xuống đường vì đói. Còn mỗi khi đến hạn đóng học phí tôi dường như gục ngã khi trong túi không có tiền, sợ bị cấm thi, rồi cũng chạy vạy khắp nơi vay tiền. Hàng đêm, sau khi kết thúc ngày dài mệt mỏi tôi thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè ở quê. Các dịp lễ tết ai ai cũng được về quê thăm gia đình, quê hương còn tôi vẫn phải đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Giờ đây, tôi đã là sinh viên năm 3 và mỗi khi nhìn lại về quãng đường đã qua tôi bỗng rơi nước mắt, nhưng cũng chính nhờ những giọt nước mắt đó đã làm tôi khôn ngoan, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi tự hứa với bản thân mình là cho dù con đường phía trước có nhiều chông gai, thử thách như thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không bao giờ chùn bước. Tôi tin một ngày nào đó mình sẽ thành công!
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Hướng Dương