Chương 10: Trời quang mây tạnh
Tiêu Mai hỏi cô có quay lại hay không, cô trả lời nếu không ưng thuận thì sẽ quay lại, còn không sẽ ở quê. Mẹ cô nói trong điện thoại rằng, nếu hai bên vừa ý, trước Tết âm lịch hai nhà sẽ gặp nhau nói chuyện cưới hỏi, cuối năm sẽ cho cô theo chồng đến Quảng Đông làm thuê kiếm tiền, mẹ cô nói đấy là ý của nhà trai.
Ân Tú Chi vừa buông đũa, nói: “Thu Nhi, cháu đừng trách ta nói lời không lọt tai, nhà chúng ta chẳng phải là giàu có triệu phú gì cả, Phượng Bình chẳng phải đã đến nhà người ta làm giúp việc đấy sao? Cháu đỡ đần việc nhà, điều này bác rất cảm ơn. Nhưng bác làm việc luôn chân luôn tay cả đời giờ ngồi yên cũng chẳng thích thú gì, việc nhà này bác có thể làm, vì thế chẳng cần người giúp việc làm gì. Cháu về quê, dù có ưng thuận người đó hay không, cũng không cần phải lên lại đây làm gì, nhưng bác lúc nào cũng chào đón cháu đến chơi, sau này cháu ở lại Bắc Kinh này nếu có việc gì cần giúp đỡ chỉ cần nói ra, nếu giúp được mười phần, bác chắc chắn sẽ không chỉ giúp chín phần”.
Cũng không phải là bà trả tiền thuê tôi, Thu Nhi trong lòng nghĩ vậy và đưa mắt nhìn Cao Hiểu Cương, đợi xem bà phản ứng thế nào. Nhưng Cao Hiểu Cương không nói gì cả, Thu Nhi được gọi đến giúp việc nhà cho bà từ khi bố của Trịnh Sảng bị ốm, Cao Hiểu Cương lúc đó vừa phải đi làm, lại còn chăm sóc người ốm, thêm bao nhiêu việc nhà nên quá bận rộn. Vì Thu Nhi là người nhanh nhẹn, chăm chỉ, lại rất hoạt bát, nên sau khi bố Trịnh Sảng mất bà vẫn giữ Thu Nhi lại giúp việc nhà, dù sao trong nhà cũng có ba người kiếm ra tiền, có lương ổn định thuê một người giúp việc cũng chẳng phải điều gì quá khó khăn.
Tuy nhiên tình hình giờ đã khác, từ đợt Ân Tú Chi khiến bà tức đến phải nhập viện đến nay, tính khí bà ta cũng đã đỡ hơn trước, dù hai người vẫn không nói chuyện gì với nhau, nhưng bà ta cũng ít kiếm chuyện gây sự với bà hơn. Nếu bà ta muốn làm việc nhà, Cao Hiểu Cương cũng để cho bà ta tự làm.
Ngày hôm sau, lúc Thu Nhi về quê Cao Hiểu Cương đưa cho cô thêm một tháng tiền lương, Tiêu Mai lại tặng cô hai món quà, nói là của Ân Tú Chi và cô mỗi người tặng một món quà. Cô bảo Thu Nhi hãy tạm để hành lý vào trong nhà, gọi điện thoại cho người nhà, rồi cô sẽ gửi hành lý về quê cho Thu Nhi, để cô lên xe mang theo nhiều túi to túi nhỏ sẽ không tiện.
Chủ nhật, Phượng Bình đến thăm Bát Kim, biết tin Thu Nhi đã về quê, cô liền nói với Ân Tú Chi để cô đến đây làm tiếp công việc của Thu Nhi. Ân Tú Chi không đồng ý, còn mắng cho cô một tràng. Nói rằng việc con của cô đều do Trịnh Sảng lo tiền học phí, bà làm người cũng phải có chút lương tâm, sức khoẻ của bà còn tốt, việc nhà ở đây bà có thể làm, giúp họ tiết kiệm được một khoản tiền thuê người giúp việc. Cô tự đi kiếm tiền, kiếm được nhiều ít gì cũng là tiền của hai vợ chồng cô, mẹ không cần tiền của cô, cô cũng không cần chú ý đến chuyện này nữa.
Bà đã nói thế cô cũng không dám nói thêm, cô đến đưa Bát Kim đi chơi, nghỉ ngơi một buổi tối, đến sáng thứ hai sẽ đi xe buýt đưa cậu bé về.
Đến buổi trưa Ân Tú Chi đón Bát Kim chân tay lấm lem về, làm xong bữa trưa, cũng không bảo Bát Kim đi gọi Cao Hiểu Cương, tự bà tháo tạp dề đi vào phòng khách, tay chống hông, hướng về phía phòng đọc sách của Cao Hiểu Cương gọi to: “Không sợ tôi bỏ thuốc độc vào thức ăn thì ra ăn cơm đi, nấu xong rồi chẳng lẽ muốn tôi đút tận miệng hay sao? Đừng có để nguội rồi lại phải hâm nóng lại, lò vi sóng không phải dùng điện sao? Điện thì không phải trả tiền à?”.
Mặc dù mấy lời bà ta nói chẳng lấy gì là dễ nghe, nhưng rốt cuộc bà ta cũng đã tự tay làm rồi còn đích thân đi gọi mời, Cao Hiểu Cương cũng không muốn đem cơm vào phòng ăn hay đợi hai bà cháu họ ăn xong rồi mới ra ăn. Tuy nhiên, quanh bàn ăn không chỉ có hai bà, còn có Bát Kim, còn nhỏ nên luôn miệng kể chuyện hỏi Đông hỏi Tây nên không khí cũng không đến mức quá ngượng ngùng.
“Bà nội ơi, hôm nay cháu đến trường nhìn thấy công gia đấy”. Bát Kim còn đang phồng miệng cơm đã kể chuyện.
“Hả, công gia?”, Ân Tú Chi lặng người
“Ầy… anh ta cao to, đầy vẻ uy nghiêm”
“Bát Kim”, Cao Hiểu Cương quay đầu hỏi lại cậu bé, “cháu nói công gia... có ý nghĩa gì thế?”.
“Đúng là công gia mà”. Bát Kim mở to mắt, tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên khi hai bà đến công gia là gì cũng không biết là gì.
Cao Hiểu Cương và Ân Tú Chi bất giác nhìn nhau, cả hai người đều không hiểu chuyện này là thế nào.
“Bát Kim, bà Cao vẫn không hiểu lắm, cháu vừa nói công gia là chỉ… một người sao?”
“Vâng, anh ta mặc một cái áo khoác, hai tay chỉ cần như thế này...”. Cậu bé bỏ đũa xuống bàn ăn, đưa hai tay ra sau lưng, rồi quay người nói với Cao Hiểu Cương, “bà nhìn rõ không, chính là như thế đấy, trong tay anh ta còn có một cái đèn pin nữa, chắc là ai đã nhặt được thứ đấy rồi đưa cho anh ta”.
Cao Hiểu Cương nghe xong mà thấy mơ hồ, Ân Tú Chi lúc này như chợt tỉnh, mấy hôm nay bà xem một bộ phim truyền hình đã cũ, trong đó tất cả học sinh nhặt được đồ đều đưa cho công gia, bà nhìn thấy Bát Kim như cũng đứng gần đấy, đa số học sinh đều đem cái tên công gia đặt cho một người nào đó.
Hiểu ra chút ít, Ân Tú Chi vỗ vai cậu bé rồi hỏi: “Cháu nói công gia là để chỉ một người nào đó sao?”.
Bát Kim nói: “Lẽ nào không phải ạ? Vậy sao lại nói nhặt được đồ bị rơi thì đưa cho công gia?”.
Cao Hiểu Cương cười nhẹ, giờ mới nghe ra câu chuyện.
“Vậy công gia không phải chỉ một người thì là chỉ cái gì vậy ạ?”, Bát Kim quay sang Ân Tú Chi muốn bà giải thích rõ ràng. Ân Tú Chi nghĩ một lúc lâu cũng không giải thích được điều gì, không nói được bà quay sang quát Bát Kim: “Ăn cơm đi chứ, sao mà nhiều lời quá vậy”.
Bát Kim không chịu, lại quay sang hỏi Cao Hiểu Cương công gia có nghĩa là như thế nào.
“Cái này… công gia là…”. Cao Hiểu Cương tự dưng bị hỏi dồn, cũng không biết nên giải thích như thế nào để cậu bé có thể hiểu, trong lòng bắt đầu thấy sốt ruột, vì Ân Tú Chi không trả lời được câu hỏi này, bà cảm thấy mình sẽ trả lời được.
“Là cái gì?”, Bát Kim hỏi dồn dập muốn biết rõ ngọn nguồn.
“Là như thế này. Công gia không phải chỉ một người cá biệt nào cả, mà dùng để chỉ mà cũng không phải… ầy… nên nói như thế này, công gia là chỉ một quốc gia, hoặc là một tập thể nào đó. Ví dụ như mỗi phòng học ở trường của cháu đều có bục giảng, bàn học, những thứ đó không thuộc cá nhân cháu, cũng không phải là đồ của bất kỳ một bạn học sinh nào trong lớp, mà là vật sở hữu chung của tất cả mọi người. Tất cả đồ vật thuộc sở hữu chung của mọi người thì là thuộc sở hữu công gia, cháu hiểu chưa?”.
Bát Kim chớp chớp mắt, tỏ ra không hiểu lắm, cậu bé mà không hiểu Cao Hiểu Cương cũng không có cách nào giảng giải cho cậu hiểu, bà cảm thấy rất hài lòng với câu trả lời vừa rồi.
“Bà Cao ơi, vậy quốc gia có phải là một người không? Là nam hay là nữ?”. Bát Kim lại hỏi.
“… Bát Kim à, cháu mà cứ hỏi tiếp như vậy, bà đoán chắc bà cũng chẳng sống thêm được mấy năm đâu”
Ân Tú Chi gắp thêm thức ăn vào bát cho Bát Kim, nói: “Đợi đến mai tới trường hỏi thầy cô giáo của cháu, nộp nhiều tiền học phí thế để làm gì? Để cho bọn trẻ con về nhà làm khó người nhà sao?”.
Bát Kim trề môi, cầm lấy đũa và mấy miếng cơm, rồi lại nói tiếp chuyện trường lớp với Ân Tú Chi.
Cao Hiểu Cương cười cười, cầm đũa gắp thức ăn trong đĩa, trong lòng bỗng nhớ về ngày trước. Mấy năm trước, trong căn phòng nhỏ nơi tứ hợp viện, cũng như những giây phút này đây, bà với Ân Tú Chi cũng ngồi đối diện nhau, quanh bàn ăn Trịnh Sảng cũng vừa ăn vừa hỏi hai người họ những chuyện kỳ lạ cổ quái. Năm đó, Trịnh Sảng cũng chỉ lớn tầm như Bát Kim bây giờ, Trịnh Minh Hà đi công tác xa hoặc làm tăng ca không về ăn cơm với Cao Hiểu Cương, quanh bàn ăn là bà, Ân Tú Chi và Trịnh Sảng ba người họ. Không khí lúc đó cũng vui vẻ như bây giờ, chỉ có là căn phòng bếp nhỏ xíu năm đó giờ đã là phòng ăn rộng rãi sáng sủa, Trịnh Sảng giờ đã có Bát Kim thay thế, trên khuôn mặt bà và Ân Tú Chi cũng đã có những dấu vết của thời gian.
Nghĩ lại chuyện đã qua, suy ngẫm kỹ lại một chút, đuôi mắt đã hằn nhiều vết rạn chân chim, trong lòng cũng đã nổi sóng không biết bao lần. Ngày đó ngồi ở bàn ăn bà chỉ là khách, đến hôm nay cũng ngồi quanh bàn ăn, bà đã là chủ. Ấy, chuyện xưa chuyện nay, thị phi đủ cả, khiến trong lòng Cao Hiểu Cương dội lên những cảm xúc khó có thể gọi tên…
Còn tiếp...
Thanh Nghiêm
(Tiểu thuyết Mẹ ơi chồng con đang khóc của nhà văn Trung Quốc Thanh Nghiêm, do Hồng Tú Tú dịch, Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành. Giữ bản quyền tác phẩm Hồng Tú Tú).