Tôi tự hỏi liệu mình có đang quá khó khăn với mẹ hay do khoảng cách giữa hai mẹ con. Tôi 30 tuổi, độ tuổi nghĩ mình trưởng thành, biết đối nhân xử thế, biết lắng nghe, biết giao tiếp, thế nhưng đối với chính mẹ của mình tôi lại khó chịu. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao mối quan hệ của hai mẹ con lại xa cách như vậy, tôi không hề tâm sự hay chủ động kể chuyện gì cho mẹ nghe, chỉ khi nào mẹ hỏi tôi mới trả lời qua loa. Không biết có ai giống tôi không? Kể sơ qua để mọi người có thể hiểu tại sao mối quan hệ dần xa cách như vậy.
Tôi lớn lên trong một gia đình hạnh phúc như những gia đình khác, có ba mẹ và anh trai, nhưng nó đã không mãi trọn vẹn như vậy vì ba mẹ ly hôn lúc tôi học lớp 3. Ở độ tuổi phải được ăn học, vui vẻ đi chơi cùng gia đình cuối tuần, tôi và anh tôi lại được dắt ra tòa hỏi về cuộc sống của ba mẹ những năm qua như thế nào, ba mẹ ly hôn thì con chọn sống với ai. Cả hai anh em đều chọn sống với mẹ, chắc tới đây mọi người sẽ đều nghĩ tại sao một đứa con gái sống với mẹ từ nhỏ đến lớn mà lại xa cách mẹ mình đúng không.
Ngày trước khi còn là sinh viên, tôi cũng luôn tự đặt câu hỏi đó cho bản thân. Tôi đã nghĩ chắc do hai mẹ con không hợp mệnh, mẹ mệnh Thủy, tôi mệnh Hỏa, chẳng bao giờ nói chuyện lâu mà không mâu thuẫn. Đi học đại học xa nhà, cách vài ngày mẹ gọi hỏi thăm nhưng cũng chỉ những câu chuyện bình thường. Một thời gian sau khi đi làm, tôi tiếp xúc với nhiều người, đọc sách, nghe podcasts, tôi mới tìm được câu trả lời cho mình. Chính là từ ngày gia đình tôi không còn đầy đủ, chuỗi ngày đứa trẻ trong tôi dần dần bị cất sang một bên.
Mẹ tôi nóng tính, nghiêm khắc, luôn đổ lỗi khi tôi sai hay đúng, chỉ vướng một lỗi nhỏ hoặc bị đau vì lỡ đụng trúng thứ gì đó. Những lúc đó, khi đứa trẻ trong tôi đang trực òa khóc thì mẹ lại nghiêm nghị và la mắng tôi, nói tôi có ai làm gì mà khóc, khóc để trù ẻo nhà này à? Tôi lại cất đứa trẻ đó trong mình sang một bên và phải thể hiện ra một con người cứng rắn, trưởng thành, không được rơi nước mắt. Dần dà khi đứa trẻ trong tôi luôn bị sợ hãi mỗi khi xuất hiện như vậy, tôi đã lãng quên đứa trẻ ấy luôn rồi, đứa trẻ ấy đã kiếm một góc tối và trốn mãi trong đó, cứ thế theo tôi lớn dần lên.
Tôi lớn lên với một vẻ ngoài không cảm xúc, vô cảm trước những vở kịch cảm động về gia đình trong những buổi ngoại khóa. Tôi vô cảm trước hoàn cảnh gia đình của một đứa bạn khi nó tâm sự ba mẹ nó cãi nhau và muốn ly hôn. Tôi vô cảm trước bài văn điểm cao nhất lớp kể về gia đình bạn ấy. Tôi vô cảm trước những giọt nước mắt của những người cảm động vì một câu chuyện hay vấn đề gì đó. Lúc đó tôi luôn tự nghĩ trong đầu là tại sao mọi người lại dễ rơi nước mắt với những điều bình thường như vậy. Tại sao mọi người lại dễ khóc đến vậy, nhưng đến bây giờ tôi đã hiểu mỗi người sẽ có một mức độ đối diện với cảm xúc khác nhau. Với cùng một câu chuyện, bạn có thể vượt qua nhưng đâu chắc rằng người khác cũng mạnh mẽ và vượt qua được như bạn.
Hai mẹ con tôi không có nhiều thời gian ở cạnh nhau khi tôi còn nhỏ. Để có tiền chăm lo hai anh em tôi lớn và đi học đầy đủ, ngoài giờ làm hành chính, tối mẹ còn đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, tới tối về chỉ cùng nhau ăn tối, sau đó mẹ tiếp tục soạn giáo án, còn tôi tự học bài và đi ngủ. Cứ như thế khoảng thời gian tôi và mẹ tiếp xúc hay nói chuyện, hỏi han nhau chẳng có là bao. 30 năm cuộc đời tôi và mẹ chưa hề có một cuộc nói chuyện tâm sự lâu dài với nhau, nhiều lúc tôi tự hỏi có phải do đồng tiền đã chia rẽ tôi và mẹ hay không.
Mẹ tôi có thể không phải là một người mẹ tâm lý, không phải là người mẹ hiền lành, không phải là một người luôn lắng nghe tâm sự của con cái, mẹ luôn nổi nóng và chuyện bé xé ra to với tất cả những vấn đề tôi nói. Thế nhưng mẹ luôn cho anh em tôi những thứ tốt nhất, mẹ không để anh em tôi thiếu thốn. Nếu mẹ có 10, sẵn sàng cho anh em tôi hết cả 10. Mẹ nghĩ chỉ cần cho chúng tôi về mặt vật chất như vậy đã là thành công rồi. Mẹ không biết rằng những tâm lý thuở bé đã khiến cho tôi và mẹ ngày càng xa cách và không có tiếng nói chung.
Có lần mẹ hỏi tôi tại sao các con của dì đều có thể tâm sự với mẹ của nó, có chuyện gì cũng kể mẹ nó nghe, còn mẹ chẳng bao giờ thấy con kể chuyện hay tâm sự . Tôi trả lời vì mẹ chẳng bao giờ nghe con nói hết câu, mẹ không bao giờ nhận mẹ sai, mẹ luôn đổ lỗi cho bất cứ chuyện gì xảy ra mà không hề suy nghĩ và giải quyết chuyện đó. Mẹ luôn nổi giận với bất kỳ câu chuyện nào bản thân không hài lòng. Nghe tôi nói xong, mẹ lại nổi nóng và bảo tôi hỗn, đủ lông đủ cánh rồi nên hay cãi lời mẹ.
Khi lớn lên, thay vì tìm cách thay đổi mẹ, tôi chọn cách thay đổi bản thân, chọn cách luôn im lặng mỗi khi hai người cãi nhau hay khi mẹ nổi giận. Tôi chọn cách không chia sẻ hay tâm sự gì với mẹ, để mẹ khỏi nói, dẫn đến hai mẹ con bất đồng quan điểm rồi lại cãi nhau. Giờ mẹ con tôi ít cãi nhau, cũng dần có những đoạn hội thoại dài hơn, không biết là do mẹ thay đổi, bớt nóng tính hơn vì tôi lựa chọn im lặng và không khó chịu với những câu hỏi của mẹ, hay do tôi đang dần ôm ấp và chữa lành đứa trẻ trong mình. Nhưng dù vậy, giữa tôi và mẹ vẫn có gì đó xa cách và tôi không thể nào có thể tâm sự với mẹ chuyện gì, à phải nói đúng hơn là với mọi người. Tôi ít khi tâm sự hay chia sẻ với ai, tự gặm nhấm nỗi buồn và tự vượt qua.
Tôi có đọc được một câu, cảm thấy rất đúng: "Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ". Sau cùng, tôi vẫn rất biết ơn và thương mẹ vì đã nuôi dạy tôi đến hiện tại. Tôi cũng chẳng đổ lỗi cho ai khi mối quan hệ mẹ con trở nên xa cách như vậy, chỉ là tôi không biết liệu sau này có dần mở lòng để có thể tâm sự với mẹ như những người mẹ con khác được hay không?
Huyền Linh