Đọc những bài viết từ nhiều cha mẹ chia sẻ trên VnExpress, tôi cảm thấy thật ngưỡng mộ vì cách dạy con thông thái của họ. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, vốn bị căn bệnh "nghiện shopping" ám ảnh, thì dạy con về tiền như thế nào khi bản thân còn chưa học được? Vậy mà qua những đợt dịch vừa qua, từng bước một, mẹ con tôi đã có cơ hội để học được nhiều bài học sâu sắc về tiền.
Con gái 10 tuổi của tôi vốn khá đãng trí, thường xuyên làm mất tiền, bé thường để tiền lung tung và không biết tiết kiệm tiền, thường xuyên vòi mẹ mua cho nhiều quần áo vì nhìn thấy tôi cũng mua nhiều đồ. Tôi nhìn con giống như một phiên bản thu nhỏ của chính mình, không biết làm sao để dạy con, nhưng vì có một đứa con gái duy nhất nên tôi luôn nuông chiều con, có la mắng nhưng không có hành động hợp lý tác động nên "đâu vẫn vào đấy". Cho đến khi trong đợt dịch vừa qua, công việc của tôi gặp trục trặc, tôi bị cắt giảm lương. Hoàn cảnh bắt buộc, tôi phải học cách tiết kiệm chi tiêu, phải rà soát lại các khoản chi và khoản thu một cách cẩn thận. Căn bệnh "cuồng shopping" của tôi đành phải hạn chế bớt.
Từng bước nhỏ, tôi hướng dẫn con và cũng hướng dẫn chính mình cách tiết kiệm từng thứ nhỏ nhặt nhất, chú ý không để thực phẩm dư thừa, hạn chế dùng đồ nhựa, tiết kiệm điện (máy lạnh, ánh sáng đèn điện), tiết kiệm nước (Tái sử dụng nước để tưới cây, kiểm tra lại hệ thống rò nước trong nhà...). Tôi từng nghĩ những điều này không quan trọng, không bao giờ để tâm đến chúng. Tôi không ngờ chỉ việc tắt nước, dùng đủ nước đã tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ.
Bước tiếp theo chính là thanh lý quần áo - việc khó nhất với tôi. Chính việc ít đi ra khỏi nhà khiến tôi thật sự nhìn lại những bộ quần áo mình từng mua. Tôi cùng con soạn quần áo của chính mình và con, nói rõ lý do tại sao mình lại bỏ món đồ đó. Có rất nhiều món tôi mua nhưng vẫn còn nguyên nhãn mác, những món đồ tôi mới chỉ mặc một lần, khi cầm lên và nói với con lý do bỏ, đến tôi còn thấy ngượng với con vì thói quen mua sắm của mình. Với những bộ quần áo không mặc nữa, tôi chọn cách cùng con tặng cho hàng xóm và trung tâm cần. Tôi thật sự tâm đắc nguyên tắc "Đợi ít nhất 24 giờ". Khi dự định mua một món đồ nào đó có giá trị cao, nên cân nhắc trong ít nhất 24 giờ (hoặc tốt hơn là 3 ngày) trước khi mua để tránh tiêu tiền trong tâm lý hấp tấp, vội vàng, thiếu suy nghĩ. Không ít những bộ quần áo tôi quyết định trong tích tắc chỉ vì thích, sau đó lại không thích ngay khi nhận hàng. Làn sóng cảm xúc chi phối hành động dẫn đến việc chúng ta sẵn sàng chi tiền cho những thứ không cần.
Do Covid-19 nên tôi và con cùng có cơ hội học và làm việc cùng nhau. Chính vì điều này, con tôi đã hiểu phần nào nguồn gốc của những đồng tiền tôi kiếm được. Tôi chia sẻ với con nhiều hơn về công việc mình đang làm, những khó khăn và lợi ích của công việc hiện tại. 10 tuổi tưởng chừng như chưa lớn nhưng sự thấu cảm của con khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Con cũng kể với tôi nghe về gia đình bạn bè, về nghề nghiệp của bố mẹ bạn. Con trẻ cũng thường trao đổi với nhau cả về nghề nghiệp của bố mẹ. Chúng biết hết, đừng xem nhẹ sự hiểu biết của con mình.
Chưa có ví dụ nào dễ hình dung hơn tiết kiệm tiền cho những trường hợp khẩn cấp lại rõ ràng như trong Covid-19. Tôi và con cùng xem những video về người nghèo bị thất nghiệp, không có thức ăn, việc làm để sống qua ngày khi thành phố bị cách ly, cảm thấy may mắn vì mình chỉ bị cắt giảm lương chứ không phải thất nghiệp hoàn toàn. Tôi và con thiết lập thêm một mục tiêu tiết kiệm tiền mới: Để giúp đỡ người khác. Trước đây, tôi rất hay cảm thấy thiếu tiền và việc để ra một khoản làm từ thiện là điều "vô ích" và bắt buộc. Nhưng từ khi học cách kiểm soát chi tiêu, chỉ mua những thứ cần, bỏ bớt nhiều điều chưa cần thiết, thì thật ngạc nhiên, tôi cảm thấy mình đủ đầy hơn. Và mặc dù còn nhiều việc cần đến tiền, tôi dạy con rằng dù trong hoàn cảnh nào, mình vẫn có thể đóng góp từ thiện và cộng đồng bằng cách đi làm tình nguyện hoặc tặng lại vật dụng không cần thiết trong gia đình tới những người khó khăn hơn.
Ngoài ra, để rèn lại tính hay vứt tiền lung tung của con. Tôi học một người bạn cách này: mua cho con một chiếc ví thật đẹp, dặn con luôn vuốt thẳng tờ tiền, xếp đúng thứ tự của tiền từ nhỏ đến lớn, suy nghĩ cảm ơn khi nhận được tiền, khi tiền nằm ngay ngắn. Chính việc tâm linh quý trọng tiền này sẽ giúp con có được nhiều tiền hơn, càng ngày càng nhiều tiền. Dù chỉ vài tháng thực hiện, nhưng con tôi rất thích cách này. Thói quen vứt tiền lung tung của con tôi cũng dần hạn chế bớt.
Học quản lý tiền không chỉ giúp con tôi mà còn giúp tôi trưởng thành hơn. Đối với tôi, kiếm tiền có thể học được, việc quản lí tiền cũng có thể học được. Nhìn những vật phẩm mình mua, nhìn cách sử dụng tiền phung phí, cũng là nhìn vào chính "góc khuất" trong cuộc sống của mình. Mong rằng các phụ huynh sẽ luôn tỉnh táo để cùng con học về tiền, học về dùng tiền.
Minh Hương
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây