Chị Liên 28 tuổi, ở Yên Bái, mang thai đôi ở tuần 37, vừa chuyển từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương chờ sinh. Chị dự sinh vào tuần tới.
"Em mong chờ đến ngày được gặp con quá, đó là quả ngọt sau 9 năm ròng", chị Liên nói.
Kết hôn năm 2010, mãi đến 2014 vợ chồng Liên mới đậu thai sau nhiều tháng ngày chạy chữa. Nhưng niềm vui quá ngắn, chị chửa ngoài tử cung, phải can thiệp và cắt một vòi trứng. Đứt đoạn từ đó, suốt những năm tháng về sau, vợ chồng chị không có tin vui.
Dành dụm được ít tiền, hai vợ chồng chị Liên mạnh dạn xuống Hà Nội, tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn để mong cơ hội có con. Lúc này, Liên mới biết mình bị tắc vòi trứng - nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn.
Các bác sĩ cho biết vợ chồng chị khó có con tự nhiên, nên làm thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng chi phí khoảng 100 triệu đồng, so với tổng thu nhập 700.000 đồng mỗi tháng của nhà Liên, quá lớn. Họ đành về.
Năm 2019, vợ chồng chị Liên cùng chín cặp vợ chồng khác may mắn nhận được suất hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.
Chị Liên chuyển phôi một lần đã thành công. Sáu ngày sau khi chuyển phôi, hai vợ chồng đã hồi hộp thử thai. "Thấy que thử hiện hai vạch, vui lắm nhưng nước mắt cứ chảy dài", chị Liên kể.
Những ngày sau đó, Liên bắt đầu đối mặt với một thai kỳ đầy khó khăn, vất cả. 17 ngày sau chuyển phôi, chị đã nghén nặng, không ăn uống được gì, uống nước lọc cũng nôn. Có thời điểm, chị chỉ truyền nước và thở ôxy, sụt 16 kg. Có một tháng phải chuyển sang Bạch Mai vì nghi cường giáp. Gia đình đã bàn bạc nên bỏ đi một bé nhưng Liên từ chối.
"Khó khăn lắm con với đến với mình. Em không thể bỏ con nào được", chị Liên nói.
Hầu hết thời gian mang thai, Liên nằm tại viện nhờ các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc. Anh Sơn, chồng chị còn công việc ở nhà, cứ cuối tuần lại đến thăm vợ. Một tuần nay, anh có mặt ở Hà Nội, trực chờ cùng vợ vượt cạn, đón hai con gái chào đời. Liên khoe, hai bé đã nặng hơn 2,2 kg.
Nằm giường bên cạnh, chị Phạm Thị Tơ ở Nam Định cũng được hỗ trợ làm thụ tinh ống nghiệm, đang mang thai ở tuần 36, chờ sinh. Tơ cũng bị tắc một bên vòi trứng nhưng gia đình khó khăn không có tiền để làm thụ tinh ống nghiệm.
Chị Tơ được chuyển hai phôi thì đậu một thai. Chị mang thai cũng không thuận lợi, phải khâu cổ tử cung vì cổ tử cung ngắn dễ sinh non. Từ khi thai ở tuần thứ 12 đến nay, chị nằm dưỡng thai tại viện. Hai vợ chồng cũng đã chuẩn bị một ít đồ sơ sinh đón con đầu lòng.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết trường hợp như chị Liên, chị Tơ không khó để can thiệp về y học, nhưng là trường hợp rất khó khăn về kinh tế. Bệnh viện phải cân nhắc và hỗ trợ toàn bộ kinh phí trong suốt quá trình mang thai và điều trị. Năm nay, bệnh viện tiếp tục hỗ trợ thêm 10 cặp miễn phí làm IVF nữa.
Các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ, nguyên nhân hay gặp nhất là tắc 2 vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung... Với người chồng thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoặc không tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược.
Tỷ lệ làm IVF thành công tại bệnh viện đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Bệnh viện đã can thiệp được nhiều ca khó như bố mẹ mang gene bệnh lý như tan máu bẩm sinh, teo cơ tủy, người chồng tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không có tinh trùng.
Bệnh viện cũng áp dụng kỹ thuật nuôi phôi dài ngày với xu hướng nuôi phôi ngày 5, vì nhận thấy hiệu quả vượt trội của nó so với việc nuôi phôi ngày 2 hoặc 3. Nghiên cứu cho thấy, từ tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ có thai, tỷ lệ thai trên 10 tuần, tỷ lệ em bé chào đời của nuôi phôi ngày 5 so với ngày 2,3 đều cao hơn hẳn.