Sau khi được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú hôm 6/3, bà Minh Phức trân trọng treo tấm bằng cạnh danh hiệu của chồng - nghệ sĩ Tự Lẫm.
Hai ông bà hiện sống với con trai út ở Bắc Ninh, thỉnh thoảng xuống Hà Nội chơi cùng gia đình con trai cả - nghệ sĩ Tự Long. Những tháng đầu xuân âm lịch, bà thường được mời đi hát ở nhiều hội hè cùng các liền anh liền chị, chỉ bảo một số học trò. Nghệ sĩ cho biết chẳng bao giờ mặc cả tiền cát-xê, nhiều lần đi diễn miễn phí. "Với các học viên trẻ, ai xin học tôi đều rút ruột gan truyền thụ, không bao giờ giấu nghề. Lúc rảnh, tôi tranh thủ chép lại các làn điệu dân gian mình biết, làm tư liệu cho thế hệ sau", bà Phức nói.
Vài năm trước, bà mắc bệnh ung thư, từng phẫu thuật cắt một quả thận. Có thời gian, bà phải xuống Hà Nội mỗi tuần để chữa trị, tiêm thuốc. Nằm viện, bà được chồng, các con chăm sóc tận tình. Năm ngoái, bà lại phẫu thuật khối u ở bàng quang. "Tôi đau nhưng chẳng bao giờ kêu than, bác sĩ bảo gì thì làm vậy, còn chồng con cứ lo cuống cả lên", bà nhớ lại.
Giai đoạn liên tục hóa trị, bà rụng hết tóc, sút hơn 10 kg. Nghệ sĩ Tự Long khi đó nói với bà: "Con chưa thấy ai kiên cường, lạc quan như mẹ". Anh hỏi han nhiều bạn bè là bác sĩ, chăm lo từng viên thuốc, bữa ăn cho mẹ. Đến nay, sức khỏe nghệ sĩ ổn định, duy trì tái khám định kỳ. Nghệ sĩ Minh Phức quan niệm: "Con người sống chết đều có số, nên tôi coi mọi việc nhẹ nhàng. Trải qua thập tử nhất sinh, tôi trân trọng thời gian, sống vui vẻ từng ngày".
Nghệ sĩ Minh Phức 60 năm gắn bó nghệ thuật dân gian. Sinh ra ở làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, một trong những cái nôi của hát chèo, hát quan họ phía Bắc. Có bố là tay trống ở Nhà hát Chèo Việt Nam, các anh em đều là văn công, bà được gia đình ủng hộ theo nghề, là một trong bảy hạt giống đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc.
Năm 1969, bà thi tuyển vào đoàn, gặp gỡ người sau này là bạn đời - nghệ sĩ Tự Lẫm. Thời ấy, lứa diễn viên xuống làng Lim, một trong những làng quan họ cổ để học hỏi. Ban ngày, họ theo các nghệ nhân nhổ mạ, cày bừa, hái dâu, đêm xuống mới có thời gian học hát.
Cùng sinh hoạt, công tác, bà và nghệ sĩ Tự Lẫm nảy sinh tình cảm, kết hôn sau hơn hai năm quen biết. Bà mến ông bởi ngoại hình ưa nhìn, hát hay, tính cách đàng hoàng, luôn chấp hành nghiêm túc lề lối cơ quan. Năm 1973, hai ông bà sinh con trai đầu lòng - Tự Long. Thời chiến tranh, thường xuyên xa nhà đi diễn, lại liên tục được cử đi học chuyên môn, nghệ sĩ Minh Phức phải gửi con cho bố mẹ chồng. Đến nay, bà vẫn day dứt vì các con lớn lên thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ.
Những năm tháng khó khăn, đồng lương bao cấp ít ỏi, nhiều đồng nghiệp đều rời đoàn, chuyển sang nghề khác. Chồng bà, nghệ sĩ Tự Lẫm, từng đóng phim Đến hẹn lại lên cùng Như Quỳnh, được mời chuyển sang công tác ở Xưởng phim truyện Việt Nam. Thế nhưng lãnh đạo tỉnh lúc ấy khuyên ông ở lại, duy trì nghề quan họ cổ.
Khi tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cơ chế thay đổi, đoàn phải tự chủ thu chi, đời sống nghệ sĩ càng gặp nhiều khó khăn. Thời Đổi mới, vợ chồng nghệ sĩ Minh Phức - Tự Lẫm được mời hát ở nhiều sự kiện cưới hỏi, hội nghị theo phong cách mới. Vợ chồng bà từ chối, bởi mong muốn bảo tồn cái hồn quan họ, không bán rẻ nghề nghiệp của mình. Có thời, họ ôm đàn nguyệt, đàn nhị, phách, đi hát chầu văn cho khuây khỏa và có thêm đồng ra đồng vào.
Nghệ sĩ Minh Phức nói: "Chúng tôi gắn bó với nhau hơn 50 năm nhờ chung tình yêu nghệ thuật. Cả hai luôn tôn trọng, san sẻ, động viên nhau trong cuộc sống".
Bà tự hào vì con trai cả - nghệ sĩ Tự Long - nối nghiệp bố mẹ, thành đạt, được khán giả yêu mến. Hết phổ thông, khi Tự Long ngỏ ý muốn học nghệ thuật, bà và chồng đều khuyên con suy nghĩ lại: "Con nhìn bố mẹ thì biết, mấy chục năm theo nghề, vừa vất vả vừa nghèo". Tự Long từng học nghề mộc, chạy xe ôm, dự định sang nước ngoài làm việc, sau cùng vẫn vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. "Quanh đi quẩn lại, nó vẫn bén duyên với nghề, lại có tài nên nổi tiếng", bà Minh Phức ngẫm lại. Bà nói con trai cả chăm lo nhiều cho cuộc sống bố mẹ, giúp em trai, em gái dựng vợ gả chồng, lo giỗ chạp trong gia đình.
Ở tuổi 75, nghệ sĩ Minh Phức mãn nguyện sau hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật. Những lúc rảnh, bà tổng hợp, chép lại gần 500 ca khúc dân ca, ghi lại cụ thể nguồn gốc, xuất xứ từng làn điệu, như một cách tri ân tổ nghề. "Nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, tôi không còn nuối tiếc điều gì. Tôi đã làm tròn nhiệm vụ của người học trò với những nghệ nhân đi trước", bà nói.
Hà Thu