- Năm nay, Tổ đề thi đại học đã đưa vấn đề thời sự vào đề thi Văn, đó là sự mê muội thần tượng (khối D) và kẻ cơ hội (khối C). Với cách ra đề thi này, các thầy cô kỳ vọng gì ở thí sinh?
- Không phải năm nay mới có chuyện đưa vấn đề thời sự vào đề thi Văn. Từ năm 2009, phần nghị luận xã hội trong đề Văn đều ít nhiều mang tính thời sự. Nghị luận xã hội được dạy trong nhà trường thường hướng trọng tâm vào hai loại vấn đề: là hiện tượng xã hội hoặc khía cạnh đạo lý.
Quan điểm của chúng tôi trước hết là cố gắng ra những đề có thể tích hợp được cả hai hướng đó. Thứ hai, tránh ra những đề có tính muôn thuở nhàm chán mà tập trung vào những vấn đề đang là mối bận tâm thực sự trong lòng mỗi người trẻ hôm nay, đồng thời cũng là vấn đề đang nổi cộm trong xã hội.
Những vấn đề từng được ra như "biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi" (2009), hay "thói đạo đức giả", "thói vô trách nhiệm" (2010) đều là những vấn đề như thế. Năm nay, chúng tôi chọn vấn đề "ngưỡng mộ thần tượng, mê muội thần tượng" và "kẻ cơ hội - người chân chính" là theo quan điểm nhất quán đó.
Chúng tôi cho rằng, một đề thi Văn thực sự không chỉ là bài tập đặc biệt đòi hỏi học sinh biết huy động kiến thức và kỹ năng giải đề, quan trọng hơn phải là cơ hội để học sinh được đối diện với chính mình, sống với con người thực, con người bề sâu của mình. Đó là cơ hội để mỗi người có thể thấu cảm một giá trị sống nào đó.
Sự thấu cảm ấy giúp chủ thể tiếp nhận, hấp thu một phẩm giá để làm giàu cho tâm hồn và hoàn thiện nhân cách của mình. Do đó, sáng tạo thực sự trong học văn và làm văn cần phải được hiểu là: trong khi sáng tạo ra một văn bản, chủ thể đã sáng tạo ra nhân cách của mình, mà cái sau có khi còn đáng giá hơn cái trước.
Tổ trưởng tổ ra đề thi đại học môn Văn cho biết, khi thí sinh sáng tạo một văn bản, chính là các em đã sáng tạo ra nhân cách của mình. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Câu nghị luận của Văn khối D có viết: "ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Vậy từ "thảm họa" nói trên được ban đề thi xem xét và quyết định sử dụng như thế nào?
- Chúng tôi đã cân nhắc nhiều khi chọn từ "thảm họa". Đã mê muội thần tượng, thì dù ở phạm vi một cá nhân hay phạm vi một cộng đồng cũng đều là thảm họa. Sự mê muội ấy có thể khiến cho con người mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm và điên rồ trong hành động. Từ đó mà gây ra những hậu quả khôn lường.
Những gì truyền thông hằng ngày vẫn đưa tin, cả trong nước lẫn trên thế giới, về những thảm họa xuất phát từ việc mê muội thần tượng, sùng bái thần tượng, chẳng nhẽ còn ít hay sao? Mọi sự mê muội thần tượng đều có thể tiềm ẩn một thảm họa, dù đó là thần tượng nào đi nữa.
Lí do đơn giản, một khi đã mê muội tức là chủ thể đã đánh mất lý trí. Không còn sự dẫn dắt của lý trí, con người ta sẽ phạm sai lầm cả trong nhận thức lẫn hành động. Mà mê muội thần tượng là dạng say mê, tôn sùng một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo, có khi còn đến mức cuồng tín thì thảm họa từ nó là điều khó tránh khỏi.
Khi ra đề thi, chúng tôi quan tâm đến lợi ích của toàn bộ xã hội, hướng đến việc bồi đắp những giá trị bền vững cho toàn thể giới trẻ. Cho nên, thật là ngộ nghĩnh khi cho rằng đề ra ám chỉ vào một nhóm nào đó, hay một nơi, một lúc nào đó.
- Nhiều học sinh cho rằng, đề Văn ra theo hướng mở rất tốt nhưng đang nhìn dưới lăng kính của thế hệ thầy cô, chưa theo kịp với giới trẻ khiến nhiều em không dám viết thật vì quan điểm của hai bên khác nhau. Ban đề thi suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Như đã nói ở trên, chúng tôi cố gắng làm sao để mỗi đề Văn sẽ tạo một cơ hội cho người viết được đối diện với chính mình, sống với con người thực của mình, nói lên tiếng lòng của riêng mình. Và hướng dẫn chấm cũng rộng mở để chào đón những ý kiến riêng, những sáng tạo độc đáo khác với đáp án.
Chỉ cần các ý kiến ấy thực sự nghiêm túc, có lý lẽ, có căn cứ xác đáng. Vì thế, nếu em nào đó "không dám viết thật quan điểm của mình" thì sẽ là điều đáng tiếc.
- Giáo viên chấm thi sẽ xử lý như thế nào trước những ngẫu hứng của thí sinh trong câu hỏi mở môn Văn?
- Chuyện văn chương là chuyện tư tưởng, mà tư tưởng cần phải được tự do thì mới có thể có sáng tạo. Một xã hội thực sự văn minh, một nền giáo dục thực sự tốt thì phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của con người.
Vì thế, bao giờ trong đáp án và hướng dẫn chấm, chúng tôi cũng nêu rõ: khuyến khích những sáng tạo, những cách làm khác với đáp án. Tất nhiên, với điều kiện phải có lý lẽ, có căn cứ xác đáng chứ không thể là sự tự do tùy tiện.
Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng bộ môn Địa lý (Ban soạn thảo đề thi đại học) cho biết, Bộ GD&ĐT không chỉ đạo ra đề cụ thể như thế nào, chỉ nhấn mạnh nguyên tắc là không sai, không nằm trong chương trình giảm tải và không nằm ngoài chương trình và theo đúng ma trận đề thi. Đề thi không lắt léo quá, không quá khó, không quá dễ và phân hóa được thí sinh. Việc ra đề thi môn Địa có câu hỏi liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa khiến thí sinh hào hứng làm bài là do ngẫu nhiên vì các đề được lựa chọn sẽ để trong phong bì và bốc thăm. Sau khi đề được bốc thăm ngẫu nhiên, ban đề thi rà soát lại, hoàn thiện nội dung để chắc chắn câu hỏi không nằm trong phần giảm tải, số liệu cũng được xem lại theo niên giám thống kê để chắc chắn nhất. Câu hỏi về biển Đông khá hay bởi nước ta có hơn 3.000 km chiều dài và một triệu km2 vùng biển với thềm lục địa giàu tài nguyên. Toàn bộ kiến thức này có trong phần nội dung kiến thức cơ bản lớp 12. Đề thi hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa và dựa theo nguyên tắc học sinh học gì thi nấy". |
Hoàng Thùy thực hiện