Ngày hôm ấy, tiếng chuông điện thoại đã vang lên rất lâu. Một hồi chuông, hai hồi chuông, ba hồi chuông… và lúc nhìn vào màn hình điện thoại, tôi đã thấy có tới cả chục cuộc gọi nhỡ của bố mẹ. Tiếp đó, là những tin nhắn “con đã lên xe chưa?”, “xe chạy đến đâu rồi?”, “sao mẹ gọi cho con không được?”… Tôi không dám nghe máy, không dám nhắn tin vì không biết phải trả lời thế nào. Bởi tôi đã quyết định không lên xe về quê hôm ấy.
Đó là mùa xuân 2010, khi tôi đang là sinh viên năm cuối. Trải qua 4 năm đại học, tôi đã dần quen với cuộc sống tự lập chốn thị thành. Môi trường đại học không chỉ dạy tôi chữ nghĩa, mà nó còn dạy tôi biết cách tự chăm sóc bản thân, tự học cách chi tiêu và hơn cả là tự học cách kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Đó cũng là lý do tôi muốn ở lại. Tôi nghe nói, ở lại làm Tết tiền công cao lắm, có nhiều điều thú vị lắm. Cộng thêm sự tò mò về cái Tết ở chốn thị thành đã cuốn tôi ở lại.

Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi đã gọi điện lại cho mẹ. Thấy tôi gọi điện, mẹ hỏi liên tục hết câu này đến câu khác, sau một lúc… tôi cất tiếng trong nghẹn ngào “Mẹ. Tết này con không về đâu ạ!”. Giọng mẹ tôi chững lại, một khoảng lặng xâm chiếm, có lẽ đó là khoảng lặng dài nhất mà tôi cảm nhận được. Và tôi cũng không thể kể hết những gì đã diễn ra sau đó. Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được bố mẹ cho tôi ở lại bằng những lý do của mình: Nào là con muốn đón Tết ở thành phố một lần xem sao; Con muốn thử cảm giác đi làm ngày Tết như thế nào; Con muốn kiếm một khoản tiền để ra tết đi học tiếng Anh; con muốn…! Thật ra thì còn một vấn đề nữa mà tôi không nói ra, đó là tôi thấy tiền về Tết tốn quá, mỗi lần tôi về Tết, bố mẹ phải cho tiền xe ra vào, tiền tiêu Tết, tiền này tiền nọ cũng tốn không ít. Và tôi đã ở lại…
Càng gần ngày Tết, những chuyến xe lần lượt lăn bánh, những cánh tay chào tạm biệt khiến tôi bắt đầu thấy trống vắng, nhớ nhà. Cuối cùng, thành phố trở nên vắng vẻ đến khó tả. Có những lúc tôi đã lung lay suy nghĩ, nhất là khi bố mẹ gọi ra bảo: “vẫn còn mấy ngày nữa, vẫn còn xe về quê đấy. Hay con về đi, vẫn còn kịp”. Nhưng rồi tôi vẫn nhất quyết ở lại…! Và tôi đã hứa năm sau sẽ về.

Năm đó, cũng là cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi. Vui có, buồn có, cô đơn có, thú vị cũng có…nhưng không thể sánh bằng Tết ở quê được. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng kiếm tiền để sang năm có tiền về quê đón Tết.
Rồi tôi cũng ra trường, cứ ngỡ ra trường đi làm có tiền, tôi có thể tự lo được cho cuộc sống và về quê đón Tết là điều dễ dàng. Nhưng khi lao vào guồng công việc, tôi lại quên đi những suy nghĩ của mình trước đó. Tôi mải miết làm việc, nhưng dường như bài toán mưu sinh lại đè bẹp tôi cùng với những kế hoạch mà tôi đã lập nên. Thất bại nối tiếp thất bại. Kết quả là, tôi đã không có đủ tiền, cộng với áp lực tâm lý nên tôi lại quyết định không về Tết. Thế là thêm một cái Tết tôi xa nhà…!

Và rồi cứ như thế. Năm nào, tôi cũng hứa với mẹ là “Sang năm con sẽ về”. Vậy mà, đã mấy năm trôi qua, tôi đã không về quê đón Tết. Để mỗi lần đón giao thừa, tôi lại nghẹn giọng khi nghe tiếng bố mẹ và người thân qua điện thoại. Tôi thèm khát giây phút đoàn viên, tôi thèm khát giây phút nâng ly chúc mừng xuân mới bên gia đình. Nhưng sao lại khó như thế…!
Lại một mùa xuân nữa sắp đến, gia đình tôi đang chờ đợi tôi trở về. Tôi cũng đang háo hức chờ đợi. Nhưng liệu kịch bản cũ có còn lặp lại?
Ngày ấy, tôi đón Tết xa quê vì muốn biết cái Tết ở thành phố như thế nào, muốn kiếm tiền để học, muốn một cảm giác mới…Nhưng giờ đây, tôi lại muốn được quay về quê hương, về đón cái Tết mộc mạc đơn sơ bên gia đình thân yêu của mình. Nhưng sao tôi thấy khó quá! Tôi trách mình không giỏi kiếm tiền, trách mình mải miết theo đuổi ước mơ mà đánh mất đi những điều hạnh phúc và may mắn mình có. Nếu ngày ấy, tôi không quyết định ở lại thành phố đón Tết, thì có lẽ những mùa xuân sau đó tôi cũng đã không ở lại. Phải chăng đó là sự trả giá!
Tôi biết cánh cửa Doraemon sẽ không mở ra với tôi, tôi sẽ không thể quay về quá khứ để tìm lại những giây phút đoàn viên bên gia đình. Nhưng tôi biết cánh cửa tương lai tôi có thể bước vào…Tôi nhất định sẽ trở về bên gia đình trong những mùa xuân tới.
Tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm đón Tết xa nhà, những niềm vui nỗi buồn đã đánh dấu lên dòng thời gian sống của tôi.
Tôi nhận ra rằng, không gì quý hơn những giây phút chung vui bên gia đình. Một cái Tết nữa sắp đến, ở chốn thị thành xa xôi này, tôi lại mong được trở về…để được xà vào lòng mẹ, được cùng gia đình chuẩn bị nồi bánh chưng, ăn những món do chính tay mẹ làm và cùng bố đi chúc Tết gần xa.
Tôi đang háo hức lắm, nhưng tôi sợ rằng sẽ thêm một cái Tết nữa tôi không thể trở về. Bởi số tiền ít ỏi tôi dành dụm được trong những năm tháng qua, tôi đã đầu tư vào việc học tiếp của mình. Tôi không biết sẽ phải trả lời mẹ như thế nào nữa, đã mấy xuân tôi lỡ hẹn với mẹ rồi! Tại sao một điều bình thường với mọi người lại khó với tôi vậy chứ.
Nhưng nghĩ về ước mơ, nghĩ về con đường học vấn mà tôi đang theo đuổi, nghĩ về những đứa trẻ khuyết tật mà ngày đêm tôi đang dạy dỗ… tôi lại có thêm động lực để tự an ủi chính mình. Mong rằng ở miền quê nghèo xa xôi, mẹ bố sẽ hiểu cho tôi, tôi muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ! Một ngày nào đó, con sẽ về".
Phan Xuân Thông
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |