Ngoại kể khi xưa ngoại đẹp nhất làng, nhiều người trong làng đến nhà ông bà cố để hỏi cưới nhưng ngoại không chấp nhận. Ngoại từ lâu đã có người thương, là ông ngoại bây giờ. Ông ngoại lúc đó đang đi lính ở xa, ngoại vẫn thủy chung chờ đợi ngày sum họp.
Ngày đó cũng đến, đám cưới diễn ra với sự chứng kiến của hai bên gia đình. Đám cưới chỉ có vậy, không áo cưới, không nhẫn cưới, không của hồi môn. Đám cưới nghèo nhưng tình yêu chan chứa. Sau đám cưới, ngoại theo ông sống ở khu nhà lính, không gian nhỏ hẹp, điều kiện thiếu thốn. Nhiều năm sau chiến tranh kết thúc, ông bà cùng đàn con dắt díu nhau về quê nghèo tìm kế sinh nhai.
Sau đó là quãng đời cơ cực của gia đình. Mẹ tôi chào đời thừa hưởng nét đẹp của ngoại. Nhưng do nhà nghèo, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, mẹ không được học hành tới nơi tới chốn. Vừa bước vào tuổi cập kê, mẹ đã xác định sẽ lấy chồng sớm để giúp đỡ cho ông bà. Ngày mẹ về nhà ba, ngoại nước mắt giàn giụa, thương con còn nhỏ mà biết nghĩ thương cha mẹ.
Nhà ba tôi thuộc hàng khá giả, cơm dư ăn, áo dư mặc, nhưng từ khi tôi biết nhận thức đến giờ, tôi vẫn cảm thấy trong lòng mẹ có nỗi buồn man mác không diễn tả được bằng lời. Có nhiều lần tôi hỏi ba, ba chỉ nói mẹ nhớ ông bà. Nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, nỗi buồn đó có lẽ là sự hối tiếc về tuổi xuân của mẹ.
Mẹ không có tuổi thanh xuân. Ở cái tuổi đó, người ta sẽ làm nhiều thứ thật dại khờ, được bốc đồng, vô tư cười nói, cãi vả, được từ từ học cách trưởng thành... Mẹ thì không. Mẹ vừa mới lớn đã phải học cách làm dâu nhà giàu, từ cách ăn, nói, đi, đứng, đều phải vì thể diện của gia đình chồng. Rồi bao khuôn phép khác, làm mẹ không được sống là chính mẹ, luôn phải kiềm chế cảm xúc của mình cho chuẩn mực.
Lâu dần, có lẽ mẹ đã quen nhưng nỗi buồn ấy, con gái của mẹ vẫn nhìn ra được. Tôi rất muốn bù đắp cho mẹ nhưng có lẽ cần thời gian rất dài. Dù sao tôi vẫn luôn yêu mẹ, rất muốn nói với mẹ rằng, trong mắt tôi, ba và gia đình, mẹ luôn xinh đẹp, đang trong độ tuổi thanh xuân.
Tú Quyên