Một chút gợn sóng trong lòng tôi vì những sợi bạc lơ thơ của mẹ nhưng chỉ thoáng qua rồi lại biến mất. Năm 1997, khi còn đang học lớp 10, mỗi chiều tôi đều ra chợ phụ mẹ bên rổ trứng vịt, gà, cút... Khu chợ tỉnh lẻ miền Nam có nét đặc trưng riêng. Chỉ những ai từng buôn bán ngoài chợ mới cảm nhận được những nét riêng này.
Chợ rất tấp nập vào buổi sáng. Những gian hàng phân chia cụ thể nhưng chiều đến 3 giờ chợ mới có người bán, người mua. Khoảng 4 giờ chiều, bảo vệ bắt đầu cho những người bán ở các sạp đổ dồn ra giữa sân để người mua chỉ việc vòng xe vào là có thể mua được những món hàng cần thiết. Thời điểm đó rất khẩn trương, có những ngày nắng, có những ngày mưa, mẹ thường dọn từng rổ trứng từ sạp ra sân, phải rất nhanh để có chỗ tốt, thuận lợi cho việc buôn bán buổi chiều. Dáng người đậm gần 70 kg nhưng vẫn phải thật nhanh.
Mẹ về hưu mất sức khi mới 45 tuổi do giảm sức lao động. Sau khi nghỉ mất sức, mẹ buôn bán để tiếp tục nuôi anh chị em tôi ăn học. Công việc thời trẻ của mẹ rất vất vả. Công ty của mẹ là công ty chăn nuôi lợn của một tỉnh Miền Bắc. Công việc của mẹ và các cô chú trong công ty là đi lấy bèo, băm bèo, nấu cám cho khoảng 300 con lợn giống, lợn con, lợn nhỡ, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại, ngoài ra còn tăng gia trồng trọt, bắt tôm cá để cải thiện bữa ăn. Mỗi ngày mẹ đạp xe đi làm cách nhà 5 km. Nói là mẹ về mất sức nhưng đối với tôi mẹ vẫn còn khỏe. Mẹ còn khỏe hơn tôi, đứa con gái gầy nhỏ chỉ biết học để không phụ lòng bố mẹ. Cũng có thể do bố mẹ vất vả lại rất chiều con, tôi chỉ có mỗi việc học, chơi và phụ mẹ nếu mẹ ra chợ bán nên nhìn tôi rất thanh mảnh. So với mẹ, tuy là thanh niên, nhưng bưng các vật nặng tôi còn thua mẹ, lúc nào tôi cũng có cái cảm giác được mẹ che chở.

Vì thời trẻ làm việc vất vả và độc hại nên mẹ chỉ cao 1m52, nặng 50 kg.
Khi bắt đầu nghỉ mất sức năm 1992, mẹ như được xả hơi. Mẹ tăng cân vùn vụt từ 50 kg lên 68 kg. Thời kỳ này y tế Việt Nam còn chưa phát triển nên việc cảnh báo tăng cân bất thường không được rộng rãi, mầm mống của những bệnh mãn tính. Mãi đến khoảng 7 năm sau khi gia đình tôi không còn ở Miền Bắc nữa mà vào trong Nam sinh sống. Vào khoảng năm 1999 khi tôi chuẩn bị thi đại học, một thời gian mẹ từ 68 kg sụt 1 lúc 6, 7 kg, lúc đó đi khám mẹ mới phát hiện ra mình mắc bệnh tiểu đường.
Sau khi nghỉ mất sức năm 1992, do gia đình tôi có một số anh chị em của mẹ sinh sống trong Nam, nói rằng cuộc sống trong này thoáng đãng cả về thời tiết cũng như cách kiếm tiền và có ý muốn giúp gia đình tôi cùng vào theo. Không phải bố, mẹ là người vào trong Nam thăm dò tình hình trước. Tính mẹ quyết đoán và mạnh mẽ. Không phải bố không làm được việc đó mà tính bố hiền lành, chăm chỉ, biết tính mẹ nên cũng hay nhường nhịn cho mẹ quyết định nhiều việc. Mẹ vào trong Nam sắp xếp nhà cửa rồi cả gia đình tôi mới chuyển toàn bộ vào, cả bố mẹ đều về hưu sớm. Thời gian đầu vì còn nuôi anh chị em tôi đi học, mẹ bươn chải đủ các công việc như trồng rau, nuôi gà, học cách bán thịt rồi chuyển sang bán trứng gà, vịt... Anh chị tôi dần dần cũng lớn, học xong và có việc làm đủ kiếm sống, bố mẹ chỉ còn nuôi tôi ăn học nhưng sức khỏe đã xuống nhiều. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng tôi gần như không thiếu thứ gì.
Tôi là một cô gái ngoan hiền, có phần nhút nhát, sống nội tâm, cảm nhận tình cảm rất sâu sắc, hiểu sự việc, nắm bắt sự việc xung quanh tốt nhưng tôi ít thể hiện ra ngoài, chỉ thể hiện và lên tiếng những lúc cần thiết và mỗi lẫn tôi đưa ra ý kiến thì mọi người rất lắng nghe.
Tôi không biết mối tình đầu của tôi tan vỡ là tốt hay xấu sau này nhưng nó cũng có sự can thiệp của mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học mẹ nhờ cậu xin cho tôi vào một công ty nhà nước lớn. Tuy nhiên để thử thách, ban đầu công ty cho tôi đi làm ở huyện xa nhà 40 km. Tại đây tôi quen anh. Anh hơn tôi 7 tuổi, đẹp trai, tôn trọng, yêu thương tôi, cũng trầm tính và sâu sắc như tôi.
Tuy nhiên sau 1 năm công tác, tôi được chuyển về thành phố gần nhà, còn anh vẫn công tác ở huyện. Cơ hội cho tôi, một cô gái ngoan hiền, công việc tốt ở thành phố là rất nhiều trong các mối quan hệ, kể cả hôn nhân. Trước khi chuyển từ huyện về thành phố, anh có đưa tôi một cuốn danh ngôn có gấp đánh dấu dòng chữ "Công danh, tiền tài, danh vọng, tất cả chỉ là hư ảo, chỉ có tình yêu là sự thật". Tôi, một cô gái lần đầu yêu, chưa đủ sâu sắc để nhận ra được điều ấy. Tôi cũng mường tượng ra sự khó khăn trắc trở khi yêu xa nhưng cơ hội chỉ có một nên tôi chọn về thành phố theo gia đình. Còn anh đẹp trai, công việc tốt, cũng có nhiều cô gái theo anh. Có cô còn nhờ vả anh chở đi chỗ này, chỗ kia. Tôi nhìn thấy, anh giải thích, tôi tin anh.
Mỗi lần ở huyện lên thăm tôi cũng rất vất vả cho anh. Có một lần mẹ bảo tôi ra ngoài để mẹ nói chuyện riêng với anh. Tôi tôn trọng nên ra ngoài, đằng xa tôi chỉ nghe loáng thoáng lời mẹ "hai đứa không hợp". Anh chào tôi và cả nhà, không nhận quà sinh nhật tôi đã chuẩn bị sẵn cho anh và từ đó anh không quay lại nữa. Tôi không hiểu, tự hỏi tại sao anh đối xử với tôi như vậy. Một lần lấy hết can đảm tôi xuống huyện thăm anh để hỏi rõ chuyện thực hư như thế nào. Vì thời đó chưa sử dụng điện thoại di động nên gặp nhau cũng khó. Khi tới nơi anh ở, tôi lại thấy người con gái đó ở chỗ anh. Lòng ghen tỵ và tự tôn cao lên ngùn ngụt, tôi chào anh một cách dứt khoát và không một lần quay lại đó nữa.
Tuy nhiên sau đó là chuỗi ngày tôi đau khổ, vật vã, buồn tủi, cứ tự hỏi tại sao không được như ý mình, tại sao anh từ chối tôi, phải chăng anh có người con gái khác, tại sao anh không phải là người tìm tôi, năn nỉ tôi. Tôi thất tình. Tôi khóc rất nhiều nhưng vì là một cô gái kín đáo và sống nội tâm nên tôi không biểu hiện ra ngoài, người tôi gầy xộc, khuôn mặt u ám.
Ngoài công việc, mỗi đêm về tôi lại khóc. Một lần mẹ nói chuyện với tôi, rươm rướm nước mắt, không muốn tôi trong tình trạng này nữa. Mẹ nói đêm nào tôi khóc mẹ cũng biết và mẹ khóc theo vì thương tôi. Tôi hơi bất ngờ vì cứ nghĩ mình rất kín đáo, nhưng vì đang đau khổ nên tôi nói với mẹ rằng chắc tại mẹ nói gì với anh nên anh mới bỏ tôi. Mẹ nhìn tôi và nói mẹ không nói gì quá đáng với anh và nói nếu anh thương yêu tôi thật lòng, tình cảm của anh đủ lớn thì những lời của mẹ có đáng là gì. Sau này nghĩ lại tôi thấy mẹ nói đúng. Có lẽ tình yêu của hai chúng tôi không đủ lớn để vượt qua.
Anh chị đã lớn, đều đã có gia đình, tôi là con gái út, anh chị đi làm, chỉ còn tôi ở với bố mẹ, mẹ đi đâu thường là tôi chở. Một lần buổi trưa chở mẹ từ chợ về, lúc xuống xe sao tôi thấy mẹ lâu thế, có vẻ nhấc chân xuống xe hơi chậm. Trời trưa nắng tôi hơi gắt gỏng với mẹ, thầm nghĩ trong đầu rằng trưa nắng thế này mà còn chậm chạp, tôi hơi khó chịu. Hình ảnh này theo tôi mãi, cảm thấy hối lỗi vì đó là thời điểm có lẽ mẹ bắt đầu đau đầu gối, bị giãn tĩnh mạch tương đối nặng mà tôi không nhận ra.
Rồi tôi lấy chồng, có con. Anh là người đàn ông đẹp trai, mạnh mẽ. Công việc của anh hay đi xa nên con cái một tay tôi lo, ở gần nhà ngoại cũng đỡ được phần nào. Mẹ lúc này chân hay đau, không đi được xe đạp nữa nhưng vẫn có thể đi bộ ra chợ, nấu ăn. Khi lấy chồng tôi chọn ra ở riêng vì biết con rể không thích ở nhà vợ, bố mẹ có phòng trọ cạnh nhà, muốn chúng tôi có thể xây sửa thành nhà rồi ở gần bố mẹ sau này vì anh chị tôi đều đi làm ăn xa. Tôi thì lại không muốn điều đó. Tôi cùng chồng vay mượn mua đất và xây nhà ở một con hẻm phía sau cách nhà bố mẹ 200 m, có thể đi bộ qua được. Tôi quan niệm con cái có gia đình chỉ nên ở gần chứ không nên ở cùng vì sẽ phát sinh nhiều vấn đề giữa hai thế hệ mà vẫn có thể trông nom bố mẹ những lúc ốm đau.

Dù không ở cùng nhưng tôi và chồng thường đưa hai cháu sang nhà thăm mẹ.
Chị gái đã đi lấy chồng, anh trai và chị dâu vì tính chất công việc nên đưa 2 đứa con về cho ông bà chăm để lo mưu sinh cuộc sống bên ngoài. So với bố, mẹ có sức khỏe yếu hơn nhiều. Mẹ nhiều bệnh từ lúc mập lên gần 70 kg và tăng dần số bệnh theo thời gian: phẫu thuật tuyến giáp, tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, khớp hay nhức mỏi...
Bố không cao to mà người gầy, nhanh nhẹn. Lúc nào mẹ cũng xác định về già mẹ sẽ yếu và chết trước bố. Vì vậy mẹ thường lo công việc bếp núc, bố giúp tôi và anh chị hai chở các cháu đi học, đón về. Ban ngày bố sinh hoạt ở phường. Lúc rảnh bố thường đi khắp các nẻo đường quanh khu vực đang sống, ai cần xem đất đai bố sẽ giới thiệu cho.
Vậy mà một ngày tháng 6/2015, khi tôi đi công tác trên Sài Gòn về, bố ghé xem vợ chồng tôi đã về chưa. Đến 9 giờ tối, mẹ gọi cho vợ chồng tôi nói rằng có người báo bố đi bộ qua đường bị người ta tông. Bố ra đi ngay đêm hôm đó. Đó là một cú sốc đối với cả gia đình tôi. Ai cũng sợ mẹ sốc, ảnh hưởng sức khỏe vì mẹ đang bị bệnh tiểu đường. Vậy mà mẹ lại là người mạnh mẽ nhất. Đêm hôm đó mọi người cản nhưng mẹ vẫn bắt xe lên xem tình trạng của bố như thế nào, chứng kiến bố ra đi, sắp xếp công việc ma chay, lại là người vững chãi nhất giúp chúng tôi vượt qua cú sốc này.

Buồn vì thiếu vắng bố nhưng nghĩ lại còn mấy đứa cháu, mẹ vẫn cố gắng lo lắng đùm bọc, cũng nhờ vậy mà mẹ từng bước vượt qua được nỗi buồn.
Từ khi bố mất, cuộc sống đảo lộn, mấy đứa con tôi không ai đưa đón, con anh hai cũng vậy. Tôi có thể tự lo cho con mình, còn mẹ cáng đáng nuôi 2 con anh hai trong căn nhà rộng mà anh chị cùng bố mẹ xây cách đây mấy năm.
Mẹ ăn uống nghiêm ngặt, tự tìm niềm vui cho riêng mình. Mặc dù nhiều bệnh nhưng sự kiên trì tự chăm sóc bản thân của mẹ là không giới hạn. Mẹ tự làm các loại thuốc hỗ trợ nếu nghe có lợi cho bệnh của mình như xay quả nhào, phơi mướp đắng, ngâm rượu tỏi... Dọc theo xóm mẹ ở cũng có một số cụ ông bị bệnh tiểu đường nhưng chỉ 5, 10 năm là ra đi hết. Thỉnh thoảng mẹ thường nói với tôi phải biết khuyên chồng bớt ăn nhậu ảnh hưởng đến sức khỏe, hai vợ chồng phải biết tiết kiệm để phòng lúc ốm đau.
Mẹ tìm niềm vui cho riêng mình bằng cách ban ngày khi các cháu đi học, mẹ tranh thủ đi tập thể dục, nằm giường, tham gia sinh hoạt với các ông bà cùng lứa tuổi để có món ăn tinh thần. Sau đó mẹ tranh thủ đi chợ về nấu ăn cho các cháu. Mỗi buổi chiều chở con đi học về tôi đều tạt qua bên nhà. Mẹ ngồi ngoài thềm trong căn nhà rộng, vẫn dáng người đậm ấy nhưng nhìn hiu quạnh, chờ 2 đứa cháu đi học về. Lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm xót xa mà không biết thể hiện thế nào.
Mẹ sống rất giản dị, tiết kiệm và thương con, hay sợ con tốn kém. Mỗi lần nói đưa mẹ đi may đồ hoặc mua gì cho mẹ là mẹ lại từ chối. Mẹ nói có nhiều rồi và muốn tự mua. Con cái biếu tiền mẹ cũng không lấy. Sau nhiều năm công tác, tôi lần đầu tiên được công ty thưởng cho một chuyến du lịch nước ngoài. Người đầu tiên tôi nghĩ đến sẽ mua một món quà dành tặng là mẹ. Vì mẹ đậm người nên rất khó lựa đồ. Rồi tôi cũng chọn được bộ đồ đẹp vừa với mẹ, tính ra tiền Việt Nam giá cũng tương đối cao.
Về tặng mẹ, mẹ nói tôi mua cho mẹ làm gì, mẹ đầy quần áo. Mẹ bảo bộ đồ xấu òm, hỏi tôi mua hết bao nhiêu tiền, chỉ sợ tôi tốn kém, khuyên tôi phải biết tiết kiệm. Những hôm sau đó thỉnh thoảng tôi thấy mẹ mặc, ai khen mẹ đều nói được con gái đi nước ngoài mua cho với niềm tự hào. Có thể bộ đồ chưa thực sự làm mẹ thích nhưng mẹ rất vui.
Từ khi bố mất, buổi tối hoặc thứ 7, Chủ Nhật, tôi thường cho con cái sang bên nhà chơi để căn nhà bớt hiu quạnh. Gần đây mẹ tâm sự với tôi không hiểu sao đêm nằm vô thức tay cứ giật giật, đi tiểu nhiều lần. Linh tính sợ có bệnh nặng, tôi đưa mẹ đi khám ở tuyến tỉnh nhưng không phát hiện được bệnh gì. Anh hai về đưa mẹ tôi lên Sài Gòn khám. Với kinh nghiệm của các bác sĩ tuyến trên, khi nghe thấy điều đấy bác sĩ nói với anh hai rằng nguy cơ mẹ bị ung thư ở đâu đó là rất cao và đã biến chứng nặng, các xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng. Một lần nữa cú sốc đến với anh chị em tôi. Mẹ bị ung thư thận đã di căn lên phổi và não, giai đoạn cuối chỉ có thể kéo dài sự sống theo thời gian.
Vì mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường và là người hay lo lắng, suy nghĩ nên anh em tôi quyết định giấu không cho mẹ biết bệnh tình. Anh hai quyết định nghỉ không lương ở nhà chăm mẹ và mấy đức nhỏ. Chúng tôi không biết làm gì, chỉ biết để mẹ sống những ngày tháng cuối cùng thật thoải mái, thanh thản bên con cháu. Mẹ chỉ biết rằng mình bị bệnh gì đó tương đối nặng do biến chứng tiểu đường mà không phát hiện ra.
Mẹ vẫn sống vui vẻ và vẫn dành cho con cái sự quan tâm nhất định. Mẹ vẫn lo lắng hỏi tôi rằng có đủ tiền để trả tiền nhà ở xã hội hay không. Tôi luôn nói với mẹ rằng mọi chuyện của tôi đều ổn. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, mẹ yếu dần, u phổi làm chặn đường thở, cướp mẹ của tôi đi thật xa.
Tôi biết chỉ có thời gian mới có thể làm nguôi ngoai nỗi đau. Bố mẹ không còn nữa, mỗi lần nghĩ đến mẹ tôi lại thấy mình chông chênh quá. Không có bố mẹ tôi như mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, mọi việc tự mình làm chủ, tự mình giải quyết và còn tạo sự vững chãi để các con mình sau này có được chỗ dựa tinh thần vững chắc như mẹ đã dành cho tôi. Yêu mẹ rất nhiều, cổ họng nghẹn lại, mắt tôi nhòe đi vì nước mắt khi viết ra câu chuyện của mình. Mẹ luôn là người phụ nữ mà tôi trân quý nhất.
Nguyễn Thị Huệ