Mẹ tôi năm nay 56 tuổi, một người với dáng hình nhỏ nhắn nhưng nghị lực sống lại rất đỗi phi thường. Cuộc đời mẹ trải qua biết bao đắng cay, khổ ải, nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng ngày ngày mẹ vẫn vững vàng như cây cổ thụ trước cơn bão. Người mẹ mà tôi ngưỡng mộ về sự chịu đựng, khâm phục về khả năng vượt qua đau khổ mà kiên cường đứng dậy.
Ông bà ngoại của tôi là người gốc Thái Bình. Những năm 40 của thế kỷ trước khi nhà nước vận động người miền xuôi lên miền núi xây dựng kinh tế mới, ông bà gồng gánh dắt theo đàn con lên Điện Biên, rồi xung phong vào tận rừng sâu khai khẩn đất hoang, phát rừng trồng ngô, đỗ. Cuộc sống bao cấp vô cùng vất vả. Ông bà có năm người con, mất một, mẹ tôi là thứ hai. Sau khi học xong tiểu học, mẹ tôi đi học sư phạm, rồi về làm cô giáo ở bản. Ba mươi tuổi mẹ mới lấy chồng, bố tôi hơn mẹ 3 tuổi, học luật ở Hà Nội rồi về làm ở tòa án huyện. Gia đình bố danh giá hơn, ông bà nội có chức có quyền, các anh em của bố đều làm nhà nước, vì thế khi bố mẹ lấy nhau bà nội đã rất phản đối vì chê ông bà ngoại nông dân ở xó rừng.
Cuộc đời mẹ tôi sóng gió từ đây, mẹ vốn là người rất chịu thương chịu khó nên khi chưa lấy chồng, mẹ đã tự mua được đất và làm nhà. Còn bố tôi có tài nhưng là người nhu nhược và không có ý chí. Sau hai năm lấy nhau, bố tôi đi bộ đội và bị nghiện thuốc phiện, mẹ chỉ sinh hai chị em tôi vì sợ có con trai sẽ nghiện ngập hư hỏng. Thời ấy ở trên vùng Tây Bắc trồng rất nhiều thuốc phiện, số người nghiện hút nhiều. Bố nghiện thì mọi tiền của trong gia đình cứ lần lượt ra đi, tiền lương của ông ấy không đủ hút ông ấy về xúc trộm thóc, phá tủ lấy tiền thậm chí lấy trộm cả con lợn nhựa đựng tiền tiết kiệm của hai chị em tôi đi hút. Kinh tế gia đình, tình cảm vợ chồng, con cái ngày một mất dần.
Mẹ thì đầu tắt mặt tối quần quật cả ngày, sáng đạp xe 10km đi dạy học, trưa về lúc nào trên xe mẹ cũng chở thêm thóc, ngô… để chiều đem bán. Mẹ phải làm thêm rất nhiều nghề, chủ nhật nghỉ mẹ lấy kem cho vào thùng xốp chằng lên xe đạp đi vào các bản bán hoặc đổi thóc, mẹ nuôi lợn, gà, thức đêm nấu rượu. Tiền kiếm được mẹ thuyết phục bố tôi đi cai nghiện, cứ ở đâu có người mát tay chữa tốt là me lại đưa bố đi. Thuốc Tây thuốc Nam loại nào cũng uống, nhưng cứ cai xong được vài tháng thì bố lại tái nghiện, số lần ông ấy cai nghiện còn nhiều hơn cả tuổi của tôi.
Bố mẹ đánh nhau suốt, ly thân hết lần này đến lần khác, ly hôn cũng không được vì cứ đem ra tòa là họ lại hòa giải vì bố làm ở đó mà. Mẹ chịu khổ vì bố nhiều lắm. Và khi tôi học lớp năm, mẹ bị bắt đi tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy, nhiều năm mẹ tôi âm thầm buôn thuốc phiện. Mẹ bị phạt 7 năm ở Thanh Hóa. Ngày mẹ tôi bị bắt cũng là ngày gia đình tôi hoàn toàn tan nát, bố mất việc và ông ấy lập bàn đèn ở nhà mở cổng cho những con nghiện vào hút để lấy tiền sống. Một năm sau, ông cũng bị bắt đi trại, lúc này bố mẹ tôi chính thức ly hôn vắng mặt. Ra tù, ông đi lang thang và lấy vợ mới. Đến nay 14 năm tôi cũng chưa lần nào gặp lại. Tôi được gửi cho bà nội và dì nuôi.
Những năm ở tù, anh em họ hàng của mẹ đều ngoảnh mặt làm ngơ, mặc dù trước kia mẹ giúp họ rất nhiều. Sau khi mẹ ra tù, trở về với hai bàn tay trắng không có một đồng trong người, ngôi nhà cũng bị bố bán mất nhưng vì nhà đứng tên mẹ, nên ông cho người khác ở và lấy một khoản tiền. Mẹ phải vay tiền của dì để chuộc lại ngôi nhà. Mẹ với căn nhà trống không, hai đứa con nhiều đêm mẹ thức trắng suy nghĩ xem phải làm gì để sống, gần một tháng mà tôi thấy mẹ gầy và già đi nhiều quá. Các cô chú bên nội giàu có nhưng sống ích kỷ và giả tạo, nên không ai hỏi han gì tới mẹ con tôi. Nhiều người thấy thương thì đem cho vài thứ như xong nồi, bát đĩa.
Nhờ tính chịu thương chịu khó và tình yêu với hai đứa con mà mẹ từng bước đứng dậy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. Mẹ cuốc đất trồng rau xung quanh nhà, ngoài ngõ, mượn đất hoang ở gần bờ suối để trồng. Mẹ đi vay một ít tiền mua một bộ đồ nấu rượu, mấy chục cân gạo, một đàn lợn giống. Nấu rượu lên, rượu thì bán, nấu cho lợn, vườn rau mẹ tôi bón phân tưới tắm suốt nên rau lên nhanh và tốt, làm ngày không hết thì mẹ làm đêm. Mùa khô không có nước, mẹ đi đào mương rồi gánh từng thùng nước tưới rau. Nhờ trời rau mẹ trồng lúc nào cũng được giá, đàn lợn lớn nhanh không ốm đau gì nên khi xuất chuồng lãi cũng được nhiều, mẹ nấu rượu ngon nhiều người tìm đến mua. Có tiền, mẹ nuôi nhiều lợn hơn, nuôi cả lợn đẻ, nuôi gà, vịt, chó, thuê thêm đất trồng rau, nấu nhiều rượu hơn. Có lẽ ông trời thấy mẹ khổ nhiều quá nên cho mẹ chăn nuôi được mùa.
Từ hai bàn tay trắng, sau hai năm mẹ nuôi hai chị em tôi đi học đại học, sắm đầy đủ đò dùng trong nhà và trả nợ. Trước đây mẹ có hơn 20 năm dạy học và được nhà nước tặng một huân chương vì sự nghiệp giáo dục, nên bây giờ sau khi làm đơn, mẹ đã có quyết định được hưởng lương hưu của Nhà nước. Sau bao nhiêu cố gắng bây giờ mẹ đã không còn phải vất vả nữa, thành công lớn nhất của mẹ là hai đứa con. Có lúc tưởng chừng như cuộc sống vùi dập không cho mẹ đứng dậy, nhưng nhờ ý chí sắt đá và tình yêu thương, mẹ đã làm được nhiều điều mà không phải ai cũng làm được. Tôi không biết những gì mẹ làm có được gọi là đam mê hay không, nhưng niềm đam mê đâu phải chỉ có đối với các bạn trẻ, với những công việc nghệ thuật, máy móc. Đối với tôi, đam mê là được sống, được vì người thân vì tình yêu với con cái mà vượt qua sóng gió. Bây giờ mẹ chính là một thần tượng, là nguồn đam mê và nghị lực để tôi sống và phấn đấu. Khi gặp khó khăn, tôi chỉ cần nghĩ về mẹ là lại có thêm sức mạnh để vượt qua tất cả.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Hạnh