Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: "Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con".
Bạn và bạn trai chưa đăng ký kết hôn, tuy nhiên quyền và nghĩa vụ của hai bạn với con vẫn sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sau ly hôn: "Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".
Như vậy, về nguyên tắc, người mẹ có quyền nuôi con, ưu tiên trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng. Trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con để giành quyền nuôi con thì việc nuôi con sẽ được giao cho người có điều kiện hơn hoặc người do các bên thỏa thuận.
Xét về trường hợp của bạn, bạn trình bày mình không có nghề nghiệp ổn định, trong trường hợp nuôi con vẫn phải nhờ bố mẹ giúp đỡ. Đây là những điểm bất lợi có thể khiến cho bạn không giành được quyền nuôi con.
Tuy nhiên, để xác định bạn có được quyền nuôi con hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và việc này sẽ do Tòa án quyết định, nếu có tranh chấp.
Để thuận lợi giành quyền nuôi con, bạn cần trung thực và trình bày hoàn cảnh hiện tại của mình trước Tòa án. Ngoài ra, bạn có thể thỏa thuận với bạn trai về việc con do ai nuôi sẽ tốt hơn sau khi hai người không sống chung nữa.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội