Tôi sinh ra ở miền quê nghèo tỉnh Long An. Dù người ta thường nói miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, cây trái bốn mùa nhưng nơi tôi sống, nước mặn quanh năm. Nhà tôi mỗi năm chỉ sống nhờ một vụ lúa nhưng hiếm khi trúng mùa. Nếu có trúng, mảnh đất chưa đầy 5 công, gia đình 6 miệng ăn vẫn không dư dả.
Nhà nghèo, đông con, bữa cơm quanh năm nhờ vào con tôm, con cá mẹ bắt ngoài sông. Số tiền kiếm được phần lớn do mẹ bắt còng bán ở chỗ thu mua. Bữa nào có cơm đủ ăn là mừng. Đến bữa mẹ thường không ăn cùng cả nhà, luôn bảo anh chị em tôi ăn trước, mẹ chưa đói. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng mẹ chờ chúng tôi ăn xong, còn thừa cơm mới dùng.
Nhà tôi nuôi một con chó. Tôi rất yêu thương nó nên bữa nào cũng lén đem cơm cho nó. Đến một ngày, tôi bị anh trai phát hiện và mắng: "Cơm mẹ không có ăn còn cho chó". Từ đó trở đi, tôi ăn bớt lại, một phần cơm dành cho chó, một phần để chừa cho mẹ. Gia đình nghèo nên ba mẹ vất vả. Sớm ý thức được điều đó nên từ nhỏ tôi luôn cố gắng học hành.
Khi tôi 10 tuổi, ba bị bệnh thần kinh tọa, đau nhức đến nỗi không thể đi được. Anh chị em tôi đang tuổi ăn tuổi học không thể giúp gì cho mẹ. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai, mẹ vừa chăm ba vừa lo cho đàn con đến trường. Mẹ đưa ba đi chạy chữa khắp nơi, từ tây y đến đông y mà bệnh vẫn không đỡ. Ba đau nhức đến nỗi không thể tự bước xuống giường. Tôi nhớ, đến lúc đóng tiền trường, mức học phí lúc đó chỉ có 20.000 đồng nhưng mẹ cứ khất mãi. Tôi đâm giận lắm, thầy cô cứ nhắc khiến tôi xấu hổ với bạn bè. Tôi về khóc lóc với mẹ xin cho bằng được tiền để đóng nhà trường.
Tôi nhớ, có lần tôi nuôi hai còn gà, đến khi gà đẻ trứng, tôi đều nhờ mẹ đem bán kiếm tiền bỏ ống heo đi học. Lần nào nhờ mẹ bán trứng về cũng không có tiền như tôi mong đợi. Tôi đâu biết rằng, số tiền dù nhỏ đó cũng giúp mẹ mua vài cân gạo, bó rau cho gia đình. Ba lâm bệnh khiến nhà nghèo lại càng khó khăn. Đứa con gái út ăn chưa no lo chưa tới, chưa hiểu chuyện đâu biết rằng vì bệnh của ba mà mẹ phải gồng gánh.
Đến lúc nhìn thấy ba không tự bước nỗi xuống giường, chị hai đòi nghỉ học để đi kiếm tiền phụ mẹ, tôi mới chợt hiểu. Khó khăn nhưng mẹ kiên quyết không cho đứa nào nghỉ học. Mẹ bảo chúng tôi học đến nơi đến chốn mới mong không cực khổ như mẹ. Mẹ kể lúc mẹ mới học lớp 2, nhà ngoại nghèo lắm, mẹ đi bắt còng cân cho người ta xong mới đi học. Lúc nào mẹ cũng đến lớp trễ, không theo kịp bạn bè nên thường bị cô giáo mắng. Rồi mẹ cũng phải nghỉ học vì không có tiền.
Rồi không biết trời thương, chạy chữa khắp nơi, uống nhiều loại thuốc, ba tôi đỡ bệnh, dần đi lại được. Chị hai không phải nghỉ học nữa nhưng nhà vẫn nghèo lắm. Căn nhà lá mỗi mùa mưa lại dột, có đêm đang ngủ nước mưa rơi xuống, chị em tôi phải tỉnh dậy. Mỗi khi có bão, gió mạnh làm chúng tôi sợ lắm. Ba phải lấy dây chằng lại vì sợ sập nhà các con không có chỗ để ở.
Khoảng năm 2004, nhà tôi bắt đầu học cách nuôi tôm sú. Nhờ trúng vài vụ tôm mà gia đình bớt khó khăn. Anh chị em tôi được học đến nơi đến chốn. Chị hai, chị ba học cao đẳng, anh tư không thi đậu đại học nên đi trường nghề. Chị hai ra trường lại có chồng, sinh con sớm. Mọi việc trong nhà vẫn một tay mẹ lo hầu hết.
Khi anh vào đại học cùng là lúc tôi đậu đại học. Mỗi lần về nhà, mẹ tôi tranh thủ gom góp tiền cho anh em tôi lên thành phố tiêu xài. Nhiều lần, mẹ không có tiền phải bán chiếc vòng, nhẫn dành dụm. Tôi không nhớ suốt 4 năm đại học bao nhiêu tiền mẹ lại đội nón ra đi không trở lại. Nhưng mẹ chưa bao giờ than phiền, động viên chúng tôi ráng học để tìm việc làm lo cho cuộc sống. "Lo học, lo làm để sau này sung sướng, nghèo khó rất khổ", mẹ nói.
Năm 2016, khi nguồn nước ngày càng ô nhiễm, con tôm nuôi cũng không còn trúng mùa. Lúc trước nếu trung bình nuôi 3 vụ thì trúng 2 vụ, lỗ 1 vụ. Mỗi vụ lỗ khoảng 20-30 chục triệu, có khi ít hoặc nhiều hơn. Những năm gần đây, khu công nghiệp ồ ạt xây dựng, nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm. Trong xóm, ai nuôi tôm cũng thua lỗ. Nhà tôi cũng vậy. Đỉnh điểm đợt lỗ nặng nhà mắc nợ gần 100 triệu đồng. Mỗi lần nuôi tôm thua lỗ là ba mẹ tôi lại buồn, tự trách bản thân.
Tôi đã đủ lớn để hiểu rằng không phải do ba mẹ không có kỹ thuật nuôi, không theo sát con tôm từng ngày mà nguồn nước ô nhiễm do các nhà máy công nghiệp. Nếu ngày trước, con sông trong xanh, có thể xuống tắm thỏa thích thì nay nước đen ngòm. Tôi thấy thương ba mẹ nhiều hơn, vất vả sớm hôm mong chờ con tôm lớn, vậy mà... Thương ba mẹ, anh chị em tôi luôn động viên nhau ráng làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình.
Tôi ra trường đi làm năm 2011. Cuộc sống trên thành phố biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, nào đám cưới, sinh nhật bạn bè, sắm sửa quần áo. Tôi quên bẵng đi mất lương tháng đầu tiên gửi về cho mẹ. Mẹ bảo không bao giờ muốn nhận tiền của tôi, mẹ chỉ mong tôi dành dụm để lo cho bản thân, sau này lấy chồng, sinh con. Mẹ nuôi con chỉ mong con khôn lớn, thành người chứ không mong các con báo đáp lại.
4 năm sau, tôi sinh con đầu lòng, nửa đêm mẹ từ quê lên thành phố, túc trực cả buổi tối ở bệnh viện, hồi hộp mong chờ cháu ngoại chào đời. 3 tháng ở bên nhà mẹ, tôi được chăm bẵm, được mẹ giặt cho từng cái quần, cái áo. Muốn ăn món gì ngon chỉ cần nói với mẹ là sáng hôm sau đã có sẵn. Tôi chỉ việc ôm con, chơi với con, mọi việc nấu nướng, giặt giũ, cho bé ngủ đã có mẹ lo. Không chỉ riêng tôi mà hai chị tôi cũng vậy, mẹ không bao giờ ngại khó ngại khổ. Nhìn thấy mẹ vất vả tôi càng hiểu tình mẹ bao la biết dường nào.
Khi về nhà chồng sau 4 tháng sinh, sống với cha mẹ chồng tôi càng nhận ra rõ cách đối xử khác biệt giữa mẹ ruột và mẹ chồng. Một tay tôi hầu như từ sáng đến đêm phải chăm con. Không ngủ được, đau nhức lưng tôi lại nhớ đến mẹ, ao ước được ở nhà với mẹ. Ở nhà chồng, không tránh khỏi mâu thuẫn. Ba mẹ chồng nặng lời trách tôi không biết chăm con để bé khóc, nuôi con hoài không lớn... Tôi chỉ biết gọi điện về khóc với mẹ, hơn ai hết mẹ hiểu và động viên, không phải đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi.
Mẹ tôi giờ đã có tuổi, bị tiểu đường, sức khỏe yếu hẳn đi. Mỗi lần gọi điện về nhà tôi luôn dặn mẹ hạn chế tinh bột, chọn những thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa, tập thể dục. Dù không còn khỏe nhưng mẹ thích đi bắt cá tôm. "Mẹ đi bắt con cá con tôm về nhà lại thấy khỏe hơn, ba ăn hoài thịt mua ngoài chợ lại ngán, bắt về cho ba ăn cơm ngon hơn".
Tôi thường tâm sự với mẹ, không biết sao mà ngày xưa nhà mình nghèo đến vậy, cơm còn không đủ ăn nói chi có quần áo đẹp. Tôi giờ có điều kiện hơn nên không muốn mẹ khổ nữa. Gần 60 năm cuộc đời mẹ đã khổ nhiều rồi. Mẹ không cần quà sinh nhật, hoa, bánh kem, cũng không biết những ngày đặc biệt như 8/3, 20/10. Mẹ chỉ mong 4 anh chị em tôi đều hạnh phúc, khỏe mạnh.
Mẹ không chỉ là đấng sinh thành mà còn như người bạn tôi có thể chia sẻ mọi thứ. Những lúc buồn, vui tôi thường gọi điện tâm sự với mẹ. Nếu trước kia, tôi nghĩ đã quá quen thuộc, người trong nhà không cần nói nhau những lời yêu thương hoa mỹ thì từ khi có con, tôi mới nhận ra lời yêu thương ý nghĩa biết dường nào. Tôi sợ rằng nếu không bày tỏ đến những đấng sinh thành khi quá muộn lại hối tiếc. Tôi muốn nói với mẹ rằng: "Mẹ à, con thương mẹ nhiều lắm!".
Kim Uyên