Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi nghèo khó nên luôn khát khao được đi thật xa, đến một nơi thật khác và sống một cuộc đời khác. Tôi chán ngán nhìn thấy những con đường đá đỏ gập ghềnh. Đường cứ lầy lội mỗi khi mưa xuống, rồi khi nắng lên hong khô thì cứ chiếc xe nào chạy qua lại tốc bụi mịt mù. Cây và nhà hai bên vệ đường nhuộm một màu đỏ quạch chán ghét.
Tôi chán cảnh người dân quê sống túm tụm lại với nhau, dòm ngó chuyện nhà người khác. Vậy mà đi ra khỏi khu dân cư là không còn gì ngoài núi và những hàng cây, được bàn tay con người trồng lên đều tăm tắp một cách chán ngắt.
Tôi cũng cảm thấy bất lực khi mỗi ngày mẹ phải dậy thật sớm, nấu cơm đem theo và rời khỏi nhà lên rẫy làm thuê cho người ta. Chiều tối mịt mẹ mới trở về, tối nằm thì cứ trằn trọc với cơn đau lưng dai dẳng. Nhiều lúc tôi vô tình phát hiện ánh mắt buồn rười rượi của mẹ khi nhìn chúng tôi ăn cơm. Mâm cơm lúc nào cũng là rau luộc, tương cà, mấy cái trứng của con gà đẻ sau vườn cùng rổ rau rừng bố hái...
Trong lòng mẹ lúc nào cũng tràn ngập niềm mong ước các con có được tương lai tươi sáng hơn. Vì vậy mẹ cố gắng ngày đêm để chúng tôi được đến trường đầy đủ, không phải nghỉ giữa chừng rồi khổ như đời bố mẹ.
Những năm tháng khó khăn ấy cũng trôi qua, chúng tôi lần lượt rời xa quê hương để tìm kế mưu sinh. Hình ảnh làng quê, mái nhà nghèo khó tuổi thơ ám ảnh tôi suốt thời gian dài, ngay cả khi cuộc sống ở đất khách của tôi từ lâu đã đi vào ổn định. Tôi ám ảnh nhất là ánh mắt buồn của mẹ trong mỗi bữa cơm. Mỗi lần về quê, tôi phải ôm mẹ thật chặt, thầm muốn nói rằng "Con biết ơn mẹ, người đã sinh ra con, nuôi dưỡng và hy sinh cả cuộc đời vì tương lai của con". Mẹ cũng là thần tượng trong lòng tôi vì sự mạnh mẽ. Con cảm ơn mẹ!
Phan Thu Hằng