Bài viết dưới đây của chuyên gia giáo dục Vương Hòa, Trung Quốc
Tôi có hai người bạn, một người tên Vương Tình, một người tên Tạ Linh. Họ đều đang sống và làm việc tại một thành phố nhỏ, thu nhập và chức vụ giống nhau. Năm nay, hai người con của họ đều tốt nghiệp đại học.
Con gái của Vương Tình đã được một công ty về công nghệ mời về làm việc với mức lương 20.000 tệ/tháng (khoảng 64 triệu đồng).
Trong khi con gái của Tạ Linh vẫn đang vật lộn với đống hồ sơ xin việc, đến giờ vẫn chưa có công ty nào nhận.
Tại sao hai đứa trẻ có xuất phát điểm giống nhau, hoàn cảnh gia đình giống nhau lại có sự khác biệt như vậy? Vì tò mò tôi đã hỏi cách dạy con của cả hai người bạn.
Hồi trung học cơ sở, cả hai cô bé này đều nằm trong danh sách 10 học sinh ưu tú nhất của huyện nơi gia đình đang sinh sống.
Đến kỳ thi vào cấp 3, hai đứa trẻ có 2 sự lựa chọn
Một là sẽ theo học trường ở huyện gần nhà. Đây là ngôi trường cấp 3 tốt nhất ở huyện, được miễn học phí cho 10 học sinh xuất sắc nhất, đồng thời 10 học sinh đứng đầu này sẽ được nhận thêm 1.000 tệ tiền khích lệ.
Hai là bốn trường top đầu của tỉnh, nơi đào tạo đến 90% học sinh có thể đỗ vào các trường đại học danh tiếng trong cả nước. Tuy nhiên nếu học những trường này, hai đứa trẻ phải xa nhà để ở ký túc xá, đặc biệt không miễn phí hay có tiền thưởng khích lệ.
Bà mẹ Tạ Linh đã rất đau đầu khi phải lựa chọn. Cuối cùng cô nói với con gái rằng nên chọn trường ở huyện bởi những lý do sau:
- Con xa nhà, ai chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho con, nhỡ con bị bắt nạt thì ai bảo vệ con?
- Ở đó toàn những học sinh kiệt xuất, con học ở đó sẽ rất mệt mỏi.
- Cuối cùng là con được miễn học phí, lại được thêm tiền thưởng. Không phải ai cũng may mắn như vậy.
Cuối cùng, Tạ Linh nói với con gái: "Học tập ở đâu chẳng quan trọng, miễn là đầu tư nhiều, sau này con chắc chắn đỗ vào trường đại học danh tiếng. Quan trọng là sau này kiếm được bao tiền thôi".
Trong khi đó, Vương Tình lại cho con theo học một trong 4 trường top đầu của tỉnh với mong muốn con có được một cuộc sống tự lập, không dựa dẫm vào bố mẹ. Đến năm thứ 2 trung học, cô chuyển việc đến sống cùng con, hàng ngày cùng đọc sách, cùng trò chuyện với con.
Sau 3 năm, con của Vương Tình đỗ vào đại học danh tiếng nhất Trung Quốc – Đại học Bắc Kinh, còn con của Tạ Linh cũng vào học tại một trường top đầu.
Sau khi vào đại học, Tạ Linh thúc giục con cần phải học tập chăm chỉ, tranh thủ học lên thạc sĩ và tiến sĩ. Để mong đạt được thành tích cao trong học tập, Tạ Linh chi rất nhiều tiền cho con gái học tiếng Anh ở những môi trường tốt nhất.
Bốn năm học đại học của cô bé này không khác gì 3 năm trung học, chỉ học và học. Sau khi tốt nghiệp, cô chẳng tích lũy được kinh nghiệm làm việc gì, bạn cũng chỉ có vài người.
Năm ngoái trong kỳ thi lên thạc sĩ, vì không đủ điểm nên cô bé bị loại. Lúc này cô mới nghĩ đến việc làm hồ sơ để xin việc. "Con cứ nộp thôi vì chưa có mục tiêu công việc là gì. Việc gì đến rồi sẽ đến, đã có mẹ con lo. Con nghĩ nó sẽ đơn giản như việc con đi học thôi mà", cô bé nói với tôi.
Con gái Vương Tình lại hoàn toàn khác.
Trong 4 năm học đại học, cô bé đã cùng nhóm bạn cùng nhau kinh doanh rồi tham gia rất nhiều các hoạt động thiện nguyện. Khi ra trường, cô bé đã có khá nhiều kinh nghiệm trên thương trường cũng như nhiều mối quan hệ xã hội.
Thông qua bạn bè giới thiệu, năm thứ 4, con gái của Vương Tình đã xin thực tập tại một trong 500 công ty hàng đầu thế giới. Là thực tập sinh xuất sắc, ngay khi ra trường, cô bé được nhận vào làm tại chính công ty thực tập với mức lương 20.000 tệ/tháng (64 triệu đồng) - cao gấp đôi của bố mẹ cô bé làm việc trong nhiều chục năm.
Một lần gặp lại hai người bạn, Tạ Linh nói với tôi: "Nếu tôi không có cách nhìn hạn hẹp như 7 năm trước thì con gái tôi đã không phải khó khăn, vật lộn xin việc như thời điểm hiện tại". Tạ Linh nhận ra con gái cô không hề tự lập, hoàn toàn chỉ biết học.
Vương Tình đáp rằng, suy nghĩ của Tạ Linh là "tư duy người nghèo" khiến không chỉ cô mà ngay con gái cũng bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ.
Vậy "Tư duy người nghèo" là gì?
Quá thực dụng
Trong một nghiên cứu về giáo dục được thực nghiệm ở Ấn Độ, các nhà khoa học đã đưa cho số đông phụ huynh những quyển bích họa đầy màu sắc với đề bài: "Cắt và ghép những hình ảnh có trong sách để nêu lên quan điểm của bạn về cách giáo dục con cái".
Phần lớn tác phẩm thu lại được đều là những bức tranh cắt ghép vàng bạc, châu báu và những chiếc ôtô đắt tiền. "Cha mẹ nghèo thường chỉ coi giáo dục là cách để con cái họ có nhiều của cải", người đứng đầu về nghiên cứu này cho biết.
Kết quả này cũng đúng với cách giáo dục của nhiều cha mẹ hiện nay. Họ sẽ luôn phân vân giữa hai lựa chọn "Trường nào giáo dục tốt và trường nào sau này ra đời có thể kiếm được nhiều tiền hơn?" Đối với tư duy của người nghèo thì "giáo dục chỉ là công cụ để làm giàu".
"Do đó đối với những người coi học tập là việc của cả đời, coi giáo dục là một phần tất yếu của đời người sẽ ngày càng giàu lên. Trong khi những người chỉ coi giáo dục là phương tiện thì sẽ chỉ ngày càng nghèo đi mà thôi", người đứng đầu nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Chỉ coi trọng những thứ có giá trị trước mắt
Nhà kinh tế Gary Baker từng nói: Sự giàu có luôn dạy con người về việc đầu tư thời gian và nhẫn nại nhất có thể.
Hàm ý câu nói này còn có nghĩa: Nghèo đói xuất phát từ việc chẳng thể kiên nhẫn.
Tích lũy quá lâu, bỏ cuộc
Giáo dục quá dài, bỏ cuộc
Thay đổi quá dài, hoàn toàn bỏ cuộc
Thế giới trong mắt người nghèo thường là hai chữ bỏ cuộc khi một việc gì đó diễn ra lâu hơn sự mong đợi của họ. Điều này cũng có nghĩa họ sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Trong giáo dục, "tư duy người nghèo" còn thể hiện rõ ràng hơn.
Gần đây Trung Quốc rộ lên phong trào cho con theo học lớp dạy tư duy "siêu việt" - dạy đọc "lượng tử" 100.000 chữ trong 5 phút. Những lớp học này ngay lập tức thu hút rất nhiều cha mẹ học sinh đến đăng ký mặc dù chi phí lên tới 269.000 tệ (khoảng 881 triệu đồng).
Trong lớp các bậc phụ huynh chăm chú xem con cái mình mở sách nhoay nhoáy. Quảng cáo về các khóa học khẳng định: "Một khi đã nắm được kỹ thuật này, nhìn lướt qua trang giấy là chữ nghĩa và hình ảnh sẽ hiện lên trong đầu học sinh, giúp các em nắm được nội dung nhanh nhất có thể". Tuy nhiên, kỹ thuật kỳ lạ này đã bị các chuyên gia giáo dục Trung Quốc bác bỏ vì thiếu cơ sở khoa học.
Phó giám đốc Viện nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Bắc Kinh cho rằng, nhiều phụ huynh đổ xô đi đăng kí vì họ lo lắng cho sự thành công của con cái trong tương lai. "Tuy nhiên, cách họ đổ xô đưa con đi học lớp học kỳ lạ này chứng minh họ chưa thực sự sát sao với việc học tập của con cái", ông Hùng nói.
Không tin vào sự giản đơn
Khi con ốm, đa phần cha mẹ đều đưa đi viện thăm khám. Nhưng nếu bác sĩ nói rằng, bệnh tình không nghiêm trọng, chỉ cần về nhà nghỉ ngơi thì nhiều người cho rằng bác sĩ trình độ thấp.
"Con ốm thế làm sao không tiêm hay uống thuốc cho được", họ nghĩ vậy và tự mình đi mua hàng loạt những sản phẩm y tế đắt tiền hoặc tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề thay vì đưa con về nhà nghỉ ngơi.
Giống như lớp học "phi thường" - dạy đọc "lượng tử" 100.000 chữ trong 5 phút, rất nhiều lớp học như vậy với lời quảng cáo "biến con thành thần đồng" khiến nhiều cha mẹ sướng điên, sẵn sàng thức đêm để đăng ký cho con học.
Nhiều cha mẹ vẫn tin rằng: "Giáo dục chuẩn mực là chi nhiều tiền, càng nhiều con càng giỏi".
Trong khi đó họ lại không hiểu rằng, nếu họ dành thêm nhiều thời gian cho con hơn, đọc sách cùng con và trò chuyện với con nhiều hơn, sự giáo dục mà trẻ em nhận được sẽ tốt hơn rất nhiều những khóa học kiểu như trên.
Là cha mẹ nên có tầm nhìn rộng, không nên vì lợi ích hiển hiện trước mắt mà bỏ đi những cơ hội trong tương lai của con. Con cái giống như một hạt giống nhỏ, trưởng thành theo từng giai đoạn. Nếu bón phân sai, thì cây không những chẳng ra nổi trái mà còn sống èo uột, khó trụ lại được khi có giông bão.
Hải Hiền (Theo aluobowang, SCMP)