Đây là lần thứ năm chị Liên đưa con ra nước ngoài nghỉ hè. Điểm khác biệt của chuyến này là chị chỉ lo hộ chiếu và đặt vé máy bay, toàn bộ chương trình do các con (17 tuổi và 14 tuổi) tự thiết kế.
"Lần này hai con sẽ học kỹ năng sinh tồn ở rừng 8 ngày đêm với các bạn người Nhật, người Mỹ", chị Hồng Liên, 40 tuổi, công tác trong một trường liên cấp ở Hà Nội nói.
Chị Liên kể trước đây không có thói quen đi trại hè cùng con. Đến một năm chị nhận ra các con "có những vấn đề cần giải quyết". Bé lớn thông minh nhưng lười học, bé em ngoan nhưng chậm chạp. "Tôi nhận ra giáo dục là lấy cuộc sống để con trải nghiệm chứ không phải học trong một ngôi trường đắt tiền không giống đời thực", người mẹ nói.
Năm năm trước, khi con lớn 12 tuổi, con bé 9 tuổi chị Liên chia ba tháng hè thành hai phần. Khoảng một tháng đầu kỳ nghỉ, các con được gửi đến các trung tâm kỹ năng sống gần nhà và đi thực tập ví dụ làm việc trong một công ty truyền thông hay làm phục vụ khách sạn, phụ bếp cho các nhà hàng. Nửa thời gian còn lại ba mẹ con đi nước ngoài. Chuyến đi đầu tiên năm 2018 là một khóa du học hè một tháng tại trường Hallet Cove ở TP Adelaide, Australia.
Chị Liên lên kế hoạch chuyến đi này trước cả năm. Chị tìm hiểu và biết có 5 hình thức trại hè, trong đó lựa chọn trại theo kiểu du học ngắn hạn. Trường nhận học sinh từ lớp 4 nếu có cha mẹ tham gia và tiếng Anh tốt. Người mẹ cũng được cấp mã ra vào trường như con, được dự giờ học, đi tham quan cùng lớp của các con và làm tình nguyện viên trong trường.
"Tôi tìm được chương trình này do một người bạn giới thiệu. Từ tháng 12 năm trước mình đã liên hệ với trường. Nhà trường gửi thư xin phép Sở giáo dục của bang và hỗ trợ xin visa", chị cho biết.
Ngay khi được trường và bang chấp nhận, chị đặt vé máy bay và thuê nhà ở rồi mới nộp hồ sơ visa để tỷ lệ đỗ cao hơn.
Các thành viên đều có tiếng Anh tốt nên ngoài cho con học ở trường, cả gia đình tận dụng mọi cơ hội để con học trong cuộc sống. Hơn ba tuần ở đây, họ chuyển nhà ba lần, từ khu ngoại ô gần trường, khu thành phố vệ tinh đến trung tâm thành phố tập nập. Các bạn nhỏ được tham quan các trường đại học, bảo tàng, đi công viên, ra đảo; ngắm những trang trại rộng; tận mắt nhìn sư tử biển, kaola, kangaroo ở Adelaide, Melbourne và Sydney.
"Sau chuyến đi hai con nói từ nay sẽ kiếm tiền và tiết kiệm để mỗi năm được mẹ cho đi trại hè nước ngoài dài ngày một lần", người mẹ kể. Tổng chi phí cho mỗi thành viên khoảng 70 triệu đồng.
Kỳ nghỉ đầu năm 2019, chị Hồng Liên cho các con tự tổ chức một chuyến phượt 8 ngày ở Nhật Bản. Mùa hè năm đó, gia đình bay đi Mỹ tham dự trại hè tại trường Cambridge Arts, Technology & Science Academy ở Boston. Các con được trải nghiệm cuộc sống với bạn bè quốc tế đến từ rất nhiều quốc gia châu Âu, Á, Mỹ và Phi và tham quan thêm New York và Washington, D.C trong ba tuần.
Hai mùa hè tiếp theo gia đình lên kế hoạch hè ở châu Âu nhưng đều bị hủy do đại dịch. Năm ngoái, họ trở lại Mỹ với kế hoạch phượt Chicago, Michigan và Florida.
Đi Mỹ cần một hành trình chuẩn bị kỹ càng. Là một người từng đi gần 20 nước, làm việc nhiều với du học sinh và người nước ngoài, chị Liên lên chương trình rèn các con với khoảng 15 nội dung khác nhau, từ cách hoàn thành thủ tục visa, cách trả lời phỏng vấn; tìm hiểu về văn hóa Mỹ và những điều phải lưu ý khi nhập cảnh và sống tại Mỹ; tìm hiểu về lạm dụng và bắt nạt - hai điều tối kỵ tại Mỹ.
Khác với chuyến đến Mỹ trước được trường hỗ trợ visa, chuyến năm 2022 gia đình tự tổ chức mọi thứ nên chi phí rẻ hơn nhưng phải tự lo mọi thủ tục. Chỉ riêng điền tờ khai, mỗi đứa trẻ có 3-5 form, người lớn cần 4 form, với một loạt chứng chỉ và xác nhận. Làm được một form thường mất vài ngày nghiên cứu.
Theo chị, dù vất vả nhưng những trải nghiệm của hai con là không thể đo đếm. Trong trại hè năm ngoái, hai cậu bé vào rừng Twin Lake, bang Michigan cắm trại với học sinh bản ngữ 8 ngày đêm. Ở đây không điện, không wifi, hàng ngày các học sinh hoạt động ngoài thiên nhiên từ sáng tới 22h. "Chúng em mang văn hóa Việt Nam tới Mỹ nên các bạn rất thích. Em học được sự hiểu biết, tự lập và gọn gàng của các bạn Mỹ", Vũ Hà, con trai lớn nói.
Các cậu bé cũng nhớ mãi người bạn được trường giao nhiệm vụ hỗ trợ mình khi du học ở Australia, thấm nhuần văn hóa im lặng, xếp hàng, phân loại rác của người Nhật khi phượt từ Tokyo, đến Kyoto, Osaka.
"Đợt đi Nhật hai lần chúng em bị nhầm tàu, nhỡ tàu và mất ví nhưng cuối cùng đều an toàn và nhận lại được ví, nhờ có kỹ năng và giao tiếp ngoại ngữ", Vũ Hà kể.
Để đồng hành cùng con trong các chuyến đi không dễ. Trước đây chị Liên làm cho doanh nghiệp nên để xin nghỉ dài phải hoàn thành trước phần việc của mình. Vợ chồng chị đi làm công ăn lương nuôi con ăn học nên để có kinh phí cho những trại hè ở nước ngoài, có những thời điểm họ làm 2-3 công việc, tới 15 tiếng mỗi ngày.
"Tôi muốn tiếp động lực cho những gia đình có kinh tế trung bình, nếu quyết tâm vẫn có cách để cho con đi được", chị Hồng Liên nói.
Sau nhiều năm tổ chức các chuyến đi nước ngoài cho con, người mẹ rút ra hai kinh nghiệm quan trọng. Trước tiên, các con nên được tham gia trại hè ngay từ cấp một và từng bước trưởng thành qua các trại bán trú với giáo viên nước ngoài trong nước, trại nội trú xa nhà 1-2 tuần. Mỗi tháng một lần gia đình đi cắm trại với một hội nhóm đã nhiều năm nên các con quen với việc chuẩn bị đồ, di chuyển, cách sống trong tự nhiên.
Thứ hai, một nguyên tắc không thể bỏ qua là gia đình luôn tìm người quen ở nước muốn đi để được hỗ trợ thêm thông tin về trại, địa điểm vui chơi, chỗ ăn ở hợp lý và hướng dẫn tất cả các thủ tục. "Muốn đi nước nào phải có người quen ở nước đó tôi mới dám đưa con đi, để nhỡ có vấn đề gì còn kêu gọi cứu trợ", chị Liên chia sẻ.
Bà mẹ thừa nhận mỗi chuyến đi đều rất vất vả cho cả bố mẹ và con, nhưng trải nghiệm con có được rất nhiều, kỷ niệm gia đình là rất lớn và những thứ đó chẳng thể đánh đổi bằng tiền.
"Bây giờ nhìn lại chỉ còn những giây phút tự hào, hạnh phúc trước mỗi sự trưởng thành đúng hướng của con", bà mẹ hai con nói.
Một số hình ảnh về các trải nghiệm của gia đình.
Phan Dương