Người phụ nữ 39 tuổi xem danh sách người hiến tinh trùng ngoại quốc trên trang web của một ngân hàng tinh trùng ở nước ngoài. Cô là một trong nhiều phụ nữ Trung Quốc độc thân giàu có thích làm mẹ đơn thân hơn kết hôn.
Tại Trung Quốc, phụ nữ chưa kết hôn không được tiếp cận ngân hàng tinh trùng hay các dịch vụ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF). Do đó, họ phải tìm đến dịch vụ hiến tinh trùng ở nước ngoài.
Sau khi lựa chọn được người hiến phù hợp có mã số #14471 trên trang web của ngân hàng tinh trùng California, Xiaogunzhu bay sang Mỹ để thực hiện bước đầu tiên trong quy trình thụ tinh nhân tạo.
"Nhiều phụ nữ không muốn kết hôn, đồng nghĩa họ khó có cơ hội làm mẹ với các quy định ở Trung Quốc", Xiaogunzhu, người dùng tên blog để tránh gây chú ý, cho biết. "Nhưng tôi đã tìm được con đường khác".
Oscar, đứa con lai hiện 9 tháng tuổi của Xiaogunzhu, được đặt theo tên một nhân vật trong truyện tranh Pháp, như một cách để ghi nhớ về gốc gác của đứa trẻ.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong 5 năm qua. Năm ngoái, trung bình chỉ có 7,2 trên 1000 người ở quốc gia này lập gia đình, theo số liệu thống kê chính thức.
Nhà xã hội học Sandy To cho biết phụ nữ có trình độ học vấn cao rất khó kết hôn, bởi nam giới thường "khó chấp nhận một bạn đời có học thức và kiếm tiền giỏi hơn họ".
Nhưng nhiều phụ nữ thấy rằng khó lấy chồng hoặc không muốn có chồng không thể là lý do ngăn cản họ làm mẹ. Xiaogunzhu tin rằng một đứa trẻ không nhất thiết phải có cha. Cha của cô, người luôn kiểm soát và nổi nóng, đã khiến cô không còn hứng thú với việc lập gia đình. "Tại sao ai cũng nghĩ trẻ con sẽ thắc mắc về chuyện không có cha?", cô nói.
Giới phân tích dự đoán thị trường dịch vụ hỗ trợ sinh sản ở Trung Quốc sẽ đạt mức 1,5 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp đôi năm 2016. Nhưng nhu cầu của người dân Trung Quốc về dịch vụ này ở nước ngoài cũng bùng nổ. Ngân hàng trứng và tinh trùng Cryos International ở Đan Mạch đã lập trang web tiếng Trung và tuyển nhân viên biết ngôn ngữ này. Các ngân hàng tinh trùng ở châu Âu và Mỹ cho biết lượng khách người Trung Quốc ngày một tăng.
Tuy nhiên, hành trình "tìm con" của phụ nữ độc thân Trung Quốc không rẻ và dễ dàng. Bộ Y tế Trung Quốc quy định mục đích của các ngân hàng tinh trùng là điều trị vô sinh hiếm muộn và ngăn ngừa các bệnh về di truyền. Điều đó đồng nghĩa phụ nữ chưa kết hôn không thể sử dụng dịch vụ của họ.
"Chúng tôi muốn giúp phụ nữ độc thân làm mẹ, nhưng đáng tiếc có nhiều quy định hạn chế chúng tôi", Liu Jiaen, giám đốc một bệnh viện phụ sản ở Bắc Kinh, chia sẻ.
Trong khi đó, chi phí mang thai một đứa trẻ thông qua ngân hàng tinh trùng nước ngoài tối thiểu là 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.500 USD).
Do Trung Quốc cấm nhập khẩu tinh trùng, phụ nữ Trung Quốc phải sang nước ngoài vài lần để tiến hành các bước thụ tinh nhân tạo. Họ cũng phải chịu sự phán xét của những người xung quanh, bởi xã hội Trung Quốc vẫn đặt nặng chuyện kết hôn rồi mới sinh con.
"Cho phụ nữ độc thân được tiếp cận các ngân hàng tinh trùng và công nghệ có liên quan như đông lạnh trứng là cách bảo vệ khả năng sinh sản của họ", Alan Zhang, nhà hoạt động về quyền sinh sản ở Bắc Kinh, cho biết.
Nhà hoạt động 28 tuổi đã viết hơn 60 lá thư gửi tới các đại biểu quốc hội Trung Quốc để đề xuất thay đổi quy định hạn chế quyền sinh sản của phụ nữ độc thân. Đây là một phần trong nỗ lực của Zhang và tổ chức phi chính phủ Diversity Family do cô đồng sáng lập nhằm ủng hộ mô hình gia đình phi truyền thống.
"Chính phủ không tạo điều kiện, nên họ phải tự tìm cách", Zhang nói.
Ở Trung Quốc, người hiến tinh trùng phải giấu danh tính và các thông tin liên quan. Ngược lại, các ngân hàng tinh trùng quốc tế cung cấp cho phụ nữ mọi thông tin về người hiến, như màu tóc, hình ảnh lúc nhỏ hay chủng tộc.
"Khi bạn lựa chọn người hiến, tinh trùng thực chất không khác gì món hàng", Carrie, mẹ đơn thân 35 tuổi sống ở tây nam Trung Quốc, cho biết. Carrie cho rằng ngân hàng tinh trùng nước ngoài tốt hơn ở Trung Quốc và "đáp ứng được nhu cầu của khách hàng".
Peter Reeslev, CEO của Cryos International, cho biết phụ nữ Trung Quốc thường thích chọn người hiến tinh trùng là đàn ông da trắng. Một lý do khác có thể là ngân hàng tinh trùng nước ngoài có ít người hiến là đàn ông Trung Quốc.
Cyros chỉ có 9/900 người hiến là người Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này ở ngân hàng tinh trùng California Cryobank là 70/500 người.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù có nhiều người hiến tinh trùng là người Trung Quốc hay người Mỹ gốc Hoa, phụ nữ vẫn thích có những đứa con lai.
"Hầu như người hiến tinh trùng được chọn đều là da trắng", Xi Hao, một người điều phối ở Bắc Kinh chuyên giúp khách hàng Trung Quốc liên hệ với một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở California, cho biết.
Zhan Yingying, đồng sáng lập tổ chức Diversity Family, chia sẻ hiếm khi thấy phụ nữ chọn người cha gốc Trung Quốc cho con họ. Mắt hai mí và làn da sáng là tiêu chuẩn về cái đẹp của người Trung Quốc.
"Trước khi chọn người hiến, tôi không quan tâm nhiều tới chủng tộc của họ", Carrie chia sẻ. Nhưng cô đã thay đổi suy nghĩ và thích nét đẹp của đàn ông ngoại quốc sau khi xem danh sách người hiến tinh trùng. Carrie hiện có hai đứa con lai Đan Mạch.
Đối với Xiaogunzhu, tính cách được mô tả "hài hước, vui vẻ" là yếu tố chính khiến cô chọn người cha gốc Pháp cho Oscar. Trên Weibo của cô, hình ảnh Oscar kèm theo hashtag #con lai được nhiều người yêu thích.
"Cá nhân tôi không quan tâm đến màu da", Xiaogunzhu nói. "Tôi chỉ quan tâm đến đôi mắt to và những đường nét đẹp trên khuôn mặt".
Thanh Tâm (Theo AFP)