Tại Nhật Bản, nhiều bà mẹ đơn thân đang sống với con cái trong cảnh đói nghèo vì xã hội không tạo điều kiện cho phụ nữ sau khi sinh con đi làm trở lại, theo Washington Post.
Quan niệm đạo đức hà khắc khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản, sau khi ly dị chồng hoặc chia tay bạn trai, không dám chia sẻ với bạn bè, thậm chí gia đình. Họ phải tự thân vận động mà không có sự giúp đỡ của người thân.
Bên cạnh đó, vì phụ nữ Nhật Bản khó có cơ hội quay trở lại làm việc sau khi sinh con nên cuộc sống của các bà mẹ đơn thân càng khó khăn.
"Chúng tôi có cái gọi là văn hóa của xấu hổ", Japan Times dẫn lời Yukiko Tokumaru, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ giúp trẻ em nghèo ở Osaka.
"Vị trí trong xã hội của phụ nữ thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Phụ nữ bị đối xử bất công hơn. Họ thường phải làm những công việc không ổn định và làm nhiều việc cùng một lúc để kiếm tiền sống qua ngày".
Bên cạnh khó khăn về tài chính, các bà mẹ đơn thân còn đối mặt với định kiến của xã hội.
Vì sợ xã hội đánh giá nên mỗi khi đi lĩnh trợ cấp, nhiều người phải trang điểm bằng mỹ phẩm rẻ tiền.
"Đôi khi nhân viên chính quyền địa phương, thường là đàn ông, nói những câu như 'Trông cô chả giống người sống bằng trợ cấp nhỉ!'", Junko Terauchi, chủ tịch hội đồng bảo trợ xã hội ở Osaka, nói về thái độ thiếu thiện cảm đối với các bà mẹ đơn thân sống ở Nhật Bản.
Tại Osaka, một bà mẹ đơn thân 35 tuổi với hai con nhỏ học ở tuổi đi học mà không có việc làm được nhận trợ cấp 2.300 USD mỗi tháng.
Số gia đình sống dưới mức trợ cấp của chính phủ đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm qua, theo thống kê của trường đại học Yamagata.
Bộ Y tế cho biết 16% số trẻ em Nhật Bản hiện đang sống dưới mức đói nghèo, trong đó, trẻ em sống với cha hoặc mẹ đơn thân chiếm tới 55%.
Mặc dù chính phủ trợ cấp hàng tháng cho những gia đình khó khăn nhưng "nếu bố mẹ thuộc diện nghèo thì con cái cũng sẽ lâm vào cảnh nghèo, đó làm một vòng tròn đói nghèo luẩn quẩn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác", theo một nghiên cứu của giáo sư Kensaku Tomuro tại trường đại học Yamagata.
Trẻ em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn thường bị phân biệt đối xử và cô lập.
Cộng đồng địa phương ở Osaka cố gắng tổ chức những buổi họp mặt nhằm giúp đỡ các bà mẹ đơn thân và con cái họ.
"Lũ trẻ thiếu sự chăm sóc bởi vì mẹ chúng bận làm việc suốt cả ngày", Yasuko Kawabe, nhân viên xã hội ở Osaka, cho biết thêm cuộc sống thiếu thốn vật chất và phụ thuộc vào từ thiện của cộng đồng khiến nhiều đứa trẻ gặp bất ổn tâm lý, thường xuyên rơi vào tình trạng cáu giận.
"Bọn trẻ thậm chí không nhìn vào mắt người đối diện. Chúng không trò chuyện, giao tiếp", Kawabe nói.
An Hồng