Tôi và vợ cùng 38 tuổi, có một con. Tôi làm cơ quan nhà nước, thường vắng nhà, đang cố gắng xin về gần nhà nhưng chưa được. Lương tôi 20 triệu đồng mỗi tháng, đưa vợ phần nhiều, chỉ giữ lại một ít, nếu có phát sinh thì vợ đưa thêm, tính cả tiêu xài và đám tiệc dao động 5-8 triệu đồng. Khi xưa, tôi công tác gần nhà vợ nên gặp rồi quen nhau. Nhà tôi cách nhà vợ gần 100 km nên vợ không biết gì nhiều về gia đình tôi. Đấu tranh mãi mới được sự đồng ý của cha mẹ vợ.
Sau cưới, vợ ở hẳn nhà đẻ vì đó là điều kiện nhà vợ đưa ra nếu muốn cưới vì không muốn con gái gả đi xa. Hơn nữa khu vực nhà tôi đa số chỉ làm vườn tược không thích hợp để phát triển kinh tế. Lúc cưới, vợ làm ở ủy ban xã gần nhà. Sau khi có con, thấy kinh tế không dư dả vì lương tôi lúc đó chưa cao nên nhà vợ trao lại cơ ngơi kinh doanh mười mấy năm của mẹ vợ. Sau ít năm, cha mẹ vợ cho mảnh đất mặt tiền và cho thêm vốn để mở cửa hàng lớn hơn. Nhờ đó chúng tôi có nhà riêng.
Nếp sống nhà vợ tình cảm, cha mẹ yêu thương con cái, anh chị em hòa thuận, quan tâm giúp đỡ nhau. Tôi về sống hạnh phúc như chưa từng được có. Nhà tôi thì ngược lại, tôi tự ra đời, tự đi kiếm tiền và phấn đấu học tập. Cha mẹ ban đầu không muốn tôi đi học, vì tôi quyết liệt nên hỗ trợ một ít do trường tôi học không đóng học phí. Khi ra trường đi làm, tôi đưa phần lớn lương cho mẹ đến lúc cưới vợ. Nhờ lương của tôi bao năm, mẹ sửa được nhà.
Ban đầu tôi và vợ thống nhất khoản tiền lo cho hai bên như nhau. Nhưng cha mẹ vợ không nhận, còn cha mẹ tôi không từ chối bất cứ gì. Vợ thấy bên tôi khó khăn hơn nên giỗ chạp em chủ động chi tiền tất cả, Tết nhất biếu mẹ tôi tiền sắm sửa, mỗi tháng vẫn gửi tiền đều đặn. Mỗi lần về thăm nhà chồng, vợ tôi đều không vui vì thấy mẹ chồng kem phấn trắng trẻo, tay chân hầu như không đụng tới việc gì. Chị gái tôi lấy chồng xong vì nghèo nên sống cùng mẹ tôi đến nay là 15 năm.
Lần này về thăm, vợ thấy mẹ tôi xăm môi, để móng tay vuốt nhọn sơn màu hồng, em phản ứng ra mặt. Vợ về cằn nhằn với tôi là mẹ em sống cả đời cực khổ, lo cho con cái, đồ mắc tiền không dám mua, sợ con cực nên phụ chăm cháu. Còn mẹ chồng suốt ngày than khổ không có tiền, nhưng hơn 60 tuổi còn mua sắm, chưng diện quần áo đẹp, sữa mua loại mắc nhất để uống, kem phấn đầy người. Bà muốn vợ chồng con trai phụng dưỡng để ăn sung mặc sướng bất chấp con cái cực khổ ra sao. Thậm chí chùa tỉnh nào cũng tới nhưng cháu nội thì bà chưa thăm lần nào rồi đổ do say xe, mệt không đi xe buýt nổi, rồi đổ do không tiền, tới thăm đi tay không kỳ nên không đi.
Vợ nói bấy lâu nay em cư xử, đối đãi hết mình với lương tâm của một con người chứ không phải vì trách nhiệm. Em sẽ không bao giờ đem của cải, công sức của cha mẹ em gầy dựng để sau này lo cho ai ngoài cha mẹ em. Vợ bảo tôi lãnh lương thì mang về cho mẹ như trước kia, cô ấy dư khả năng nuôi con rồi. Vợ trách tôi từ đầu giấu giếm hoàn cảnh cha nghiện rượu chửi bới, mẹ nhu nhược sống chỉ biết có bản thân, còn chị gái thì lười biếng không lao động, thích soi mói trách móc.
Vợ nói giờ bên nào bên nấy lo, nếu tôi muốn thì ký đơn, vợ sẽ nộp ra tòa vì phận làm con, vợ không thể ép tôi bỏ cha mẹ, vậy sẽ mang tội. Còn nếu tiếp tục, em thấy quá nhiều gánh nặng vì hiện tại phát hiện cha mẹ tôi mượn nợ, chỉ vài chục triệu thôi nhưng hỏi chi cho việc gì thì mẹ không nói. Mỗi tháng thu nhập 4-5 triệu đồng tiền vườn, vợ chồng tôi gửi thêm là cha mẹ đủ cho ăn uống, chi tiêu. Nhưng 4-5 triệu đó, giờ mẹ chia cho chị gái vì chồng chị thu nhập thấp, cuộc sống thiếu thốn.
Thật sự vợ tôi rất vất vả, 22h đêm mới được ăn cơm tối, có khi một giờ sáng còn đóng hàng, thuê hai người làm nhưng họ chỉ làm tới 20h tối. Tôi vẫn im lặng với cha mẹ mình, mấy chục triệu nợ tôi không đả động tới, hai tháng nay tôi chỉ gửi tiền sinh hoạt như trước. Tiền lương tôi mang về bỏ ngăn kéo bàn trang điểm của vợ nhưng vợ không đụng tới thật. Tôi cảm thấy rất mệt, không biết làm sao cho đúng. Vợ chồng lạnh nhạt, không nói chuyện với nhau, mỗi khi gọi về chỉ nói chuyện với con. Tôi nên làm gì đây?
Hoàng Minh