- Bạn gái cũ tìm đến mẹ tôi xin nương nhờ vì bị ruồng bỏ
Tôi tự lập sớm, hay quan tâm đến sinh hoạt của gia đình cũng như những người xung quanh. Tôi sang định cư Pháp đã lâu. Hồi đó, ba tháng sau khi đặt chân đến đây, tôi tìm được việc làm chính thức trong một công ty của Pháp và nhanh chóng hòa nhập vào đời sống mới. Sau đó, hàng tháng tôi đều đặn gửi tiền về mẹ để giúp đỡ gia đình.
Mẹ tôi có nhà riêng nhưng khóa cửa để trống và thích thay đổi chỗ ở, khi thì sống với gia đình chị ở Sài Gòn, lúc khác lại chuyển về sống với gia đình anh Hai ở Gò Công, rồi dời qua ở với cháu gái. Mẹ than thở rằng gia đình anh Hai ở quê có nhà vách lá quá cũ, muốn tôi giúp đỡ xây lại nhà mới. Ý thức về bổn phận và trách nhiệm của mình, tôi gửi thêm tiền và xây xong một ngôi nhà khang trang bằng gạch, mái ngói. Cháu gái con anh Hai lấy chồng ở gần đó thấy vậy năn nỉ mẹ tôi xin giúp cháu xây nhà. Tôi cũng nể và nghe lời mẹ nên gửi tiền xây nhà cho cháu gái, để cháu có được ngôi nhà như của anh Hai.
Một người anh họ xuống thăm và chê bai đủ thứ làm tôi rất buồn vì chẳng ai hiểu để làm được như vậy tôi đã phải hy sinh quên mình, lo cho gia đình biết bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng cái gì cũng phải có giới hạn của nó.
Anh tôi quen với một chàng trai mắc chứng bệnh lạ, tính mạng bị đe dọa, bác sĩ kê toa là một loại thuốc trong nước không có, nhờ đến thân nhân định cư ở các nước Canada, Mỹ, Australia, Đức cũng không có. Trong tận cùng của sự tuyệt vọng, chợt nhớ anh tôi có người em định cư tại Paris nên chạy đến van xin hãy cứu anh ấy, nhờ anh hỏi mua thuốc giùm, hứa sẽ hậu tạ xứng đáng, tiền bạc không thành vấn đề vì nhà rất giàu. Tôi nhanh chóng đi gặp bác sĩ và tỏ thật mọi sự, bác sĩ kê toa mới biết đó là loại thuốc đặc biệt quý hiếm và rất đắt nhưng tôi không phải trả tiền từ khám cho đến lấy thuốc.
Tôi gửi bảo đảm kèm một lá thư dặn anh đây là món quà của người ở phương xa tặng, chúc cậu ấy sớm bình phục và tuyệt đối không được nhận tiền. Mấy năm sau, nhỏ cháu gọi điện thoại kêu chú ba về gấp để nâng đỡ, tinh thần anh ấy bị suy sụp vì bệnh trở nặng khó qua khỏi. Tôi về gặp anh trước khi lìa đời. Ngày sau đó, nhiều người đến phúng điếu chia buồn, nhỏ cháu dẫn tôi đến gặp một thanh niên trạc 40 tuổi giới thiệu để hai bên biết nhau, rằng năm xưa nhờ chú từ Paris gửi thuốc về mà kịp thời cứu anh trong cơn nguy kịch, được sống lại lần thứ hai. Cậu ấy bắt tay với vẻ miễn cưỡng, gương mặt lạnh lùng vô cảm khi đối diện với người năm xưa đã giúp mình thoát khỏi cái chết cận kề, giàu về vật chất nhưng quá nghèo trong cách cư xử, chỉ hai tiếng cảm ơn cũng rất khó nói. Nhưng tôi nghĩ lại thấy vui vì đã cứu sống một người, cảm ơn thì tốt mà không biết cảm ơn cũng không sao.
Khi mẹ gửi thư hỏi ý kiến về người yêu cũ muốn xin giúp đỡ, tôi đã suy nghĩ và tìm những lý luận có tính thuyết phục người nghe để giúp tạm thời trong khi cô ấy khó khăn. Lúc đó, tôi lấy tư cách là một người con có hiếu, rất quý trọng và yêu kính mẹ mình để tâm sự và tuyệt đối không bao giờ dám có ý xúc phạm hay dạy dỗ mẹ. Xin thưa với các bạn là tuyệt đối không có, nhưng các bạn ở một góc nhìn khác lại lên án. Tại sao tôi lại muốn giúp cô ấy? Theo tôi biết, lúc ấy cuộc sống rất khó khăn, nhà mẹ lại khóa cửa để trống. Nếu bị từ chối, chắc ba mẹ con cô ấy phải ngủ đầu đường xó chợ. Khi đó, tôi không nghĩ xa là cô ấy sau này có thể sẽ không chịu dời nhà đi, vậy sẽ là làm ơn thành mắc oán. Thú thật là tôi không thể nào nghĩ xa như vậy.
Để trả lời một bạn nói rằng mẹ tôi vô cùng bất hạnh khi sinh ra một người con như tôi, xin hỏi bạn muốn có đứa con có tính tình giống như tôi hay là đứa con suốt ngày chỉ thích ăn chơi, không chịu làm ăn, có vợ con nhưng vay nợ khắp nơi nướng vào cờ bạc, chơi cá độ, làm bạn phải rút tiền tiết kiệm, bán đất để trả nợ (có đầy trên diễn đàn)? Bạn thích có con như nào vậy? Thưa với bạn rằng, sinh con ra dễ nhưng để dạy dỗ chúng nên người là cả một chặng đường cam go gian khổ.
Nếu tôi có con thì dạy nó biết lễ nghĩa, uốn nắn ngay từ khi bé thơ, dạy đi học phải khoanh tay cúi đầu thưa những người lớn từng người một và về cũng vậy. Gặp người bạn của ông bà, mẹ cũng phải khoanh tay cúi đầu chào, khi trả lời phải: "Dạ thưa" ở đầu câu. Dạy con tự ăn khi đưa chén cơm, tự làm một mình, dạy sự tôn trọng ý kiến trái chiều với mình, sống ngay thẳng không gian dối, không hại người, dạy con ai cho cái gì phải biết nói lời cảm ơn. Khi được tặng quà hay được giúp về cái gì, hãy nhìn tấm lòng của người cho, tuyệt đối không đánh giá qua giá trị vật chất được tặng. Dạy con rằng giá trị của con người không phải giàu sang vật chất nhưng là biết quan sát, lắng tai nghe và mở rộng lòng chia sẻ với những người gặp bất hạnh trong cuộc sống mới đáng quý.
Muốn được vậy, cha mẹ phải là những người mẫu mực và làm những việc bác ái để con cái nhìn thấy bắt chước. Cha mẹ có đời sống phóng túng không ra gì thì đừng mong có những đứa con ngoan. Một đứa con biết thương tha nhân bất hạnh thì nó sẽ không bao giờ làm đau lòng cha mẹ, đó là điều chắc chắn. Nhiều năm sau, nghe nói mẹ bán lại căn nhà cho cô ấy với giá rẻ, tôi rất mừng vì cô đã ổn định cuộc sống.
Nguyễn Huỳnh