Căn hộ của gia đình chị Thanh đầy ắp tiếng cười mỗi tối, với những hoạt động vẽ tranh, làm thí nghiệm hay làm đồ chơi từ vật dụng tái chế của chị và con gái, bé Đoàn Ngọc Thanh Tú, hơn 4 tuổi.
Xin được ít chai, thìa nhựa từ lớp mầm non, bé Tú liền nghĩ ngay đến việc tô màu vào đáy chai rồi in trên giấy, tạo thành hình bông hoa. Chỉ với chiếc kéo, ít màu vẽ và cây cọ, Tú tự tạo ra bức tranh bông hoa đầy màu sắc trong vài phút.
Khi chưa chào đời, Tú đã được mẹ cho nghe nhạc, chuyện trò và đọc truyện mỗi tối. Một tuổi, Tú bắt đầu làm quen với bút, cọ vẽ, màu sắc và các trò chơi.
Không muốn con dán mắt vào tivi và máy tính bảng, chị Thanh tìm nhiều trò để tương tác với bé, lôi kéo bé vào các hoạt động tinh và thô. Chị cũng đọc sách, vào các diễn đàn cha mẹ để học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con.
Dùng ngôn ngữ giải thích bé khó hiểu nên chị Thanh lồng ghép chủ đề hay bài học qua các hoạt động. Muốn dạy con về vật liệu tái chế, chị kiếm khay đựng trứng bằng giấy về tạo hình con sâu. Chị cùng con nhặt những chiếc lá rụng để tạo nên bức tranh đàn cá vàng với lời nhắc không ngắt hoa, bẻ cành.
Những viên sỏi gặp trên đường, thậm chí rổ rau thơm, nắm nấm chuẩn bị cho bữa tối cũng trở thành phụ liệu cho buổi tương tác mỗi tối kéo dài 30 phút đến một tiếng của mẹ con chị Thanh. "Mẹ con tôi đi đâu cũng tha lôi đủ thứ. Nhà tôi lúc nào cũng có sẵn chai lọ, thùng và vật dụng để con sáng tạo", chị Thanh nói.
Lúc đầu con chưa quen, chị Thanh làm mẫu, hướng dẫn sử dụng kéo, súng bắn keo, cọ vẽ, màu vẽ hay băng dính hai mặt. Dần dần con hình thành cách làm của riêng mình, tự sáng tạo cách vẽ và hướng dẫn lại mẹ. Đi học về, Tú sẽ rủ mẹ chơi cùng hoặc tự lấy giấy ra vẽ.
Các tác phẩm thủ công của Tú sau khi hoàn thành đều được mẹ Thanh treo lên tường hoặc đóng thành album. Với những bức vẽ làm bằng lá cây hoặc hoa dễ héo, chị Thanh tận dụng lại tấm bìa, đôi mắt nhựa để làm các sản phẩm tiếp theo.
Bức tranh tổ ong trên cây là một trong các tác phẩm ấn tượng, tốn nhiều thời gian và công sức nhất của mẹ con bé Tú. Chị Thanh cho hay tác phẩm được ghép lại từ hai miếng bìa lớn. Hai mẹ con mất vài ngày để tạo ra những chú ong từ hạt chôm chôm và túi nylon, tỉ mẩn cắt từng miếng bìa nhỏ để ghép lại thành tổ ong và xoắn giấy báo, túi nylon để làm thân cây, vòm lá.
Tranh sau đó được chị Thanh đóng khung treo trong phòng làm kỷ niệm. Quá trình làm, Tú được học về kỹ năng sinh tồn khi gặp tổ ong. "Tú đề xuất với mẹ đóng khung các bức tranh con vẽ, sau đó bán với giá rẻ để mua sách tặng các bạn khó khăn hoặc giúp đỡ bệnh nhi trong viện. Ý tưởng của con rất hay, nhưng tôi không biết có ai mua không", chị Thanh cười nói.
Bà mẹ 33 tuổi kể giờ mỗi khi đi ra ngoài, Tú ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, biết phân loại rác tái chế và còn nhắc mẹ bảo vệ môi trường. Đến lớp tiếng Anh, thấy cô vứt đi nhiều lõi giấy và chai nhựa, Tú xin về làm đồ chơi.
"Tôi bất ngờ khi con biết quan sát. Lúc dạy, tôi không kỳ vọng quá nhiều rằng con sẽ để trong đầu. Nhưng một lúc nào đó, con vận dụng đúng những gì đã được dạy hoặc đọc trong sách", chị Thanh chia sẻ.
Thấy con nhớ tốt và thích hoạt động mẹ đưa ra, chị Thanh càng có động lực để tìm tòi. Nhiều lúc, chị căng thẳng khi không nghĩ ra trò mới để chơi với con. Chị Thanh thường phải lên ý tưởng, chuẩn bị từ đầu tuần và cố gắng thay đổi, làm mới các hoạt động để con không thấy nhàm chán.
Mỗi khi hoàn thành các hoạt động với mẹ, Tú sẽ được xem một tập phim hoạt hình (10-15 phút) hoặc truyện cổ tích yêu thích như một phần thưởng. Nhiều hôm xem xong, Tú ngồi khóc vì thương nhân vật.
Nhận thấy con có khả năng ngôn ngữ, chị Thanh giúp con quay video để bé rèn luyện sự tự tin. Mỗi lần chơi cùng mẹ, Tú đều yêu cầu mẹ quay hoặc chụp lại rồi đăng lên nhóm phụ huynh để hướng dẫn các bạn khác.
Nhờ được làm quen với nhiều hoạt động và đọc sách từ nhỏ, Tú biết cách giao tiếp và xử lý tình huống. Ở trường, cô bé thường được giao nhiệm vụ làm người dẫn chương trình, thuyết trình hay tham gia văn nghệ.
Hiện vừa kinh doanh, vừa bận rộn với con gái thứ hai mới một tuổi, nhưng chị Thanh luôn cố gắng dành thời gian làm bạn với con, tạo cho con nhiều hoạt động để bé được chơi, được trải nghiệm. Chị cũng nghĩ ra các hoạt động như đi dạo, đi bơi hay trò chơi để bố có thể tham gia, giúp gắn kết gia đình.
Bình Minh