10 ngày trước, người phụ nữ mang thai 34 tuần đến khám định kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ thăm khám, nghi ngờ có nhau bong non nên khẩn cấp hội chẩn và quyết định mổ lấy thai cấp cứu.
Kíp trực nhanh chóng phẫu thuật lấy ra một bé cân nặng 2,9 kg, bánh nhau đã bong 50%.
Bác sĩ nhận định đây là trường hợp khá hy hữu vì phát hiện được nhau bong khi đang khám định kỳ, thai mới 34 tuần chưa chuyển dạ. Sản phụ cũng không gặp chấn thương, không có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiền sản giật, vỡ ối trong đa thai, đa ối, u xơ tử cung, tiền căn nhau bong non, sử dụng cocain, hút thuốc lá, sinh nhiều lần, lớn tuổi...
Bé gái được chăm sóc tại khoa sơ sinh vì non tháng, vàng da. "Trước mổ bác sĩ tư vấn mẹ có nguy cơ xuất huyết gây tử vong, con có thể nhiễm trùng, suy hô hấp, vàng da.... May mắn bé chỉ bị vàng da và đang dần ổn", bà mẹ ba con cho biết.
Nhau bong non khá hiếm gặp, tỷ lệ tử vong cao do em bé non tháng. Can thiệp kịp thời trong nhau bong non giúp cứu sống bé, đồng thời giúp mẹ tránh các nguy cơ như rối loạn đông máu, suy thận, băng huyết sau sinh.
Khi nhau bong non, lượng máu cung cấp cho thai giảm, nhất là những hợp bánh nhau bong với diện tích lớn, có thể dẫn đến thai suy, mất tim thai. Trường hợp nặng có thể nguy hiểm tính mạng người mẹ.
Nhau bong non thể nhẹ thường không có triệu chứng. Khi diện tích khối máu tụ lớn, thai phụ có thể cảm nhận bụng gò liên tục không nghỉ, đau bụng liên tục. Chảy máu âm đạo có thể có hoặc không có triệu chứng này. Sản phụ có thể mệt lả, tim đập nhanh... Đây là một tình trạng cấp cứu.
Để phòng tránh nhau bong non, bác sĩ khuyến cáo các sản phụ nên khám thai định kỳ, dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là bổ sung acid folic trước và ngay sau khi mang thai, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để xử trí kịp thời.
Ba tháng trước, một sản phụ 30 tuổi ở Cần Thơ mất con trong bụng khi bé mới 27 tuần thai do nhau bong non. Bác sĩ kịp thời mổ cứu tính mạng mẹ, cố gắng bảo tồn tử cung để duy trì khả năng sinh sản về sau.