Em gái bạn đã mất mà không để lại di chúc nên theo điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015), trường hợp này sẽ giải quyết vấn đề thừa kế theo pháp luật.
Theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015: "Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Do vậy, mẹ bạn là người được hưởng toàn bộ di sản thừa kế mà em gái bạn để lại.
Theo khoản 1 Điều 23, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Trường hợp của mẹ bạn 77 tuổi, không còn minh mẫn và không thể ký tên được, bạn có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố mẹ bạn là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trên cơ sở giám định pháp y tâm thần.
Khoản 2, khoản 4 Điều 54 quy định về cử, chỉ định giám hộ như sau:
- Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
- Trừ trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 48, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật này. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.
Như vậy, trong trường hợp tòa án chỉ định bạn hoặc chị gái bạn làm người giám hộ nhưng mẹ bạn không đồng ý thì em gái bạn sẽ là người giám hộ đương nhiên của mẹ. Người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ; có thể rút tiền từ tài khoản mẹ bạn để phụng dưỡng bà.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội