Hẳn ai được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ thì đều cảm thấy rất hạnh phúc và yêu quý cuộc đời mình. Tuy nhiên vẫn còn có những số phận éo le bước vào đời mà không có bàn tay yêu thương chăm sóc ấy.
Cũng như bao người khác tôi sinh ra mà không được biết đến mặt bố trong suốt cuộc đời này, chỉ có mẹ và anh trai là kề cận tôi mỗi khi vui, buồn, hay vấp ngã. Gánh nặng gia đình đáng lẽ ra phải là người cha gánh vác nhưng với gia đình tôi thì mẹ là người kiêm luôn cả những trách nhiệm này, từ việc nhỏ đến việc lớn đều dồn cả lên đôi vai bé nhỏ và đôi tay gầy guộc thô ráp của mẹ.
Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé, mẹ thường dắt tôi đi chợ cùng và mua cho tôi những chiếc bánh rán còn nóng hổi rồi đút cho tôi ăn từng miếng một, những lúc như vậy mẹ thường nhìn tôi âu yếm và nấc lên những tiếng khóc nghẹn ngào. Ấy vậy mà tôi lại không hiểu nỗi khổ cực của mẹ còn nói những lời chê bai khiến mẹ buồn lòng: “Tay mẹ vừa bẩn lại vừa có mùi hôi hôi tanh tanh ghê lắm để con tự cầm lấy ăn cơ.” Mẹ vẫn dịu dàng: “Ừ vậy con cầm lấy ăn đi kẻo nóng đấy nha”. Nói rồi mẹ quay đi và gạt những giọt nước mắt đau khổ. Tôi chỉ biết dương đôi mắt ngây thơ của mình lên nhìn mẹ khó hiểu mà còn không nỡ cho ai cắn một miếng bánh nữa kia kể cả mẹ. Đến khi lớn lên chút nữa tôi mới biết được mẹ khổ sở thế nào.
Ngày bố mất cũng là lúc mẹ mang thai tôi được ba tháng còn anh trai mới hơn một tuổi. Nhà nghèo không có gì để ra cả lại bị mọi người nhà chồng ghét bỏ không đoái hoài giúp đỡ, nên một mình mẹ phải cặm cụi làm việc cùng với đôi bàn tay gân guốc gầy rộc và xấu xí đó để nuôi hai đứa con thơ khôn lớn.
Cái tuổi 25, tuổi mà hầu hết những người phụ nữ còn đang được sống trong hạnh phúc gia đình bé nhỏ của mình hay những mối tình say đắm thì mẹ tôi lại khác, phải sống cảnh góa chồng nuôi hai con nhỏ. Biết bao khổ cực mẹ đều vượt qua, vượt qua những mặc cảm của cuộc đời, bỏ qua những ánh mắt khinh rẻ của người khác để kiếm tiền mà không nghĩ đến việc tìm cho mình một chỗ dựa khác. Thế rồi tôi được sinh ra và lớn lên dưới bàn tay nghị lực ấy, bàn tay gắn bó với đồng ruộng, gắn với đồng tiền xương máu của mẹ.
Tuy nghèo đói nhưng mẹ vẫn luôn lo cho chúng tôi cái ăn, cái mặc và đi học đầy đủ để bằng bạn bằng bè, không phải xấu hổ với ai trong khi mẹ chỉ vận những bộ quần áo đầy mảnh chắp vá cũ kỹ, đầu tắt mặt tối với bộn bề công việc nặng nhẹ trong nhà. Mặc dù vậy nhưng mẹ vẫn không quên chăm sóc chúng tôi mỗi khi đau ốm, ôm ấp con những khi đêm đông gió lạnh về.
Một mình lận đận ngoài đồng cấy gặt, trồng ngô, trồng khoai, sắn để kiếm ít tiền nuôi con ăn học mà không biết than thở với ai chỉ nhìn hai đứa con khôn lớn từng ngày và nỗi lo kiếm tiền luôn đầy ắp trí óc của mẹ. Thế nên cứ hễ chỗ nào cần người làm là mẹ lại đến xin làm thêm dù có mệt đến mấy cũng chịu, có lần mẹ gửi chúng tôi cho ông bà ngoại một tháng rồi lên tận Hà Nội làm, nhằm có thêm chút tiền đóng học phí cho con.
Lớn lên rồi tôi cũng đi làm đồng cùng mẹ, lúc ấy mới biết một mình mẹ làm ruộng vất vả thế nào. Ấy thế mà chúng tôi vẫn chưa biết thương mẹ nhiều, lúc nào làm xong việc mẹ dặn thì lại chạy đi chơi cùng bạn bè, về nhà anh em còn hay chạnh chọe đánh cãi nhau mặc cho việc nhà còn đầy rẫy khiến mẹ đã mệt lại còn buồn bã hơn. Những lúc như vậy mẹ thường mắng mỏi và bảo ban chúng tôi: "Hai đứa chúng mày phải cố mà học cho tốt sau này còn có công ăn việc làm chứ làm ruộng như mẹ mày thì khổ lắm, đừng để người ta khinh". Tôi còn bầy hầy nói lớn: "Bố mẹ có học giỏi đâu mà chúng con học tốt được chứ". Chắc hẳn nghe câu nói này của tôi mẹ buồn lắm vì bà luôn đặt niềm tin vào chúng tôi mà. Tuy vậy nhưng kết quả học tập của tôi cũng luôn đạt loại khá và đứng trong top đầu của lớp, anh trai thì học kém hơn. Mẹ cũng thường khuyên anh cố gắng học nếu không được thì nghỉ đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi em, nhưng vì tuổi cũng vừa mới lớn nên anh chỉ làm nuôi nổi bản thân còn chủ yếu vẫn là do mẹ lo cho tôi.
Đến năm tôi lên lớp 7, mẹ quyết định vào Nam làm thuê kiếm tiền, anh làm mộc ở Hà Nội. Mẹ con mỗi người một nơi, tôi được ông bà ngoại đón về ở cùng. Ngày tháng trôi đi thế mà đã gần được chục năm rồi mẹ con tôi chỉ được nói chuyện với nhau qua những dòng thư hay những cuộc điện thoại ngắn ngủi, chỉ toàn là lời động viên bảo ban tôi chăm chỉ làm việc giúp ông bà và chịu khó học, tôi chỉ được gặp mẹ trong những lần mẹ về ăn tết.
Giờ đây tôi đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội rồi, tiền ăn học bao năm qua của tôi vẫn là do mẹ làm việc vất vả gửi về cho con. Chính bàn tay mẹ đã nuôi nấng và uốn nắn tôi như ngày hôm nay, ban tặng cho tôi cuộc sống này.
Những công ơn lớn lao ấy tôi không hề kể xiết được nhưng tôi sẽ vẫn giữ mãi trong trái tim mình, và giờ đây tôi chỉ muốn nói lên những điều mà tôi luôn ấp ủ bấy lâu nhưng vẫn chưa có dũng khí để giãi bày với mẹ, chỉ mong mẹ có thể đọc được những dòng tâm sự này của con, thầm cảm ơn mẹ yêu.
Con muốn nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi, con yêu và thương mẹ nhiều lắm. Ở nơi xa mẹ hãy sống mạnh khỏe và chờ con mẹ nhé, chờ đôi bàn tay mẹ đã ban tặng cho con để nó được chăm sóc và đền đáp công ơn của mẹ". Hai năm nữa thôi con sẽ được ra trường và đi làm công việc mà con mong ước, mẹ cố chờ con nha.
Thùy Dưỡng
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |