Thông qua một người quen, bà Wu, ở Giang Tô, được giới thiệu với Chen, người tuyên bố có cổ phần ở một số công ty điện ảnh, truyền hình, đồng thời nói mình có nhiều mối quan hệ trong ngành giải trí.
Con gái Wu đang theo học một trường cao đẳng nghệ thuật. Người mẹ coi đây là cơ hội để con thành người nổi tiếng trên internet và đặt nền móng gia nhập làng giải trí trong tương lai.
Wu đã chi 1,3 triệu tệ (4,5 tỷ đồng) để Chen sản xuất 125 dự án phim, 28 video có chủ đề đô thị, 8 bài hát và một MV ca nhạc cho con. Người mẹ giàu còn dự kiến chi thêm 200.000 tệ cho truyền thông khi con ra mắt.
"Bước đầu tiên là tạo nội dung. Một người có ảnh hưởng cần một lượng nội dung nhất định. Khi đã có đủ, chúng ta có thể tập trung vào việc quảng bá ở giai đoạn thứ hai, tích hợp các chủ đề xu hướng và các cuộc phỏng vấn tương tác", một tin nhắn từ Chen cho biết.
Lịch trình chi tiết, rõ ràng, con gái Wu sẽ đi xuyên quốc gia để làm video. Ước mơ trở thành ngôi sao càng đến gần và gia đình bà Wu cảm tưởng nhìn thấy được tương lai tươi sáng đó.
Tuy nhiên, trong 2 năm, chỉ có hơn 50 dự án được hoàn thành và trong đó chỉ có 30 dự án được đưa lên nền tảng trực tuyến. Hơn nữa, hiệu quả thấp hơn nhiều với kỳ vọng.
Không hài lòng, bà Wu đã đâm đơn kiện Chen, yêu cầu chấm dứt hợp đồng và thu hồi 1,3 triệu nhân dân tệ. Trong phiên xử hồi tháng 2/2024, tòa án xác định khối lượng công việc của Chen tương đương 400.000 tệ, nên sẽ trả lại cho Wu 900.000 tệ.
Tin tức vừa ra, dư luận đã dậy sóng. Một số cư dân mạng cho rằng tiêu nhiều tiền như vậy là cách làm của những bậc phụ huynh giàu có. Một số người còn khẳng định con gái bà Wu nỗ lực suốt hai năm không nổi tiếng, nhưng bà lại nổi tiếng ngay khi ra mắt.
"Đáng lẽ bà nên tiêu số tiền đó vào việc phẫu thuật thẩm mỹ, tập thể dục, đi du lịch hoặc nuôi thú cưng rồi đăng lên Xiaohongshu. Đó có thể là con đường nhanh hơn để trở thành người nổi tiếng trên mạng", một người nói.
Câu chuyện của Wu phản ánh một thực tế hiện nay trong xã hội về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Tờ Nhân dân Nhật báo từng công bố dữ liệu khảo sát, trong số những ngành mới nổi mà Gen Z hứng thú nhất có tới 54% lựa chọn trở thành người nổi tiếng trên Internet. Lý do là vì nó dễ dàng, kiếm được tiền và ánh hào quang.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản để trở thành một người nổi tiếng. Dữ liệu năm 2022 cho thấy ở Trung Quốc có 150 triệu người sáng tạo nội dung, trong đó hơn 95% có thu nhập dưới 5.000 tệ mỗi tháng (17 triệu đồng) và chỉ 0,4% có thu nhập hàng tháng trên 100.000 tệ (350 triệu đồng).
Trước khi kiếm được tiền, những nhà sáng tạo nội dung cũng phải bỏ ra số tiền lớn. Hơn nữa, ngành này khiến người tham gia phải chịu áp lực luôn sáng tạo cái mới, nhiều người bất chấp rủi ro và đạo đức để làm ra các nội dung nhằm thu hút người xem.
Bảo Nhiên (Theo 163)