Theo báo cáo của Công an huyện Phước Long gửi UBND huyện Phước Long và UBND tỉnh Bình Phước, cháu Hảo sinh năm 2004. Sau khi sinh được sáu tháng, vợ chồng bà Mỳ đem cháu Hảo cho một cặp vợ chồng ở Bà Rịa - Vũng Tàu làm con nuôi. Đến tháng 6 vừa qua, cặp vợ chồng nhận nuôi cháu Hảo ly dị nên vợ chồng bà Mỳ mới đến đón cháu Hảo đem về nhà tại Bình Phước.
Đến chiều qua, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về mức độ tỷ lệ thương tật của cháu Hảo. Tuy nhiên, theo một thành viên trong hội đồng giám định, tỷ lệ thương tật của cháu Hảo phải từ 40% trở lên.
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế phối hợp điều trị phục hồi các chức năng bị tổn thương của cháu Hảo. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ và Công an huyện Phước Long khẩn trương xác minh các tình tiết vụ việc, củng cố các chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mỳ và người liên quan theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch tỉnh ra thời hạn các ban, ngành phải báo cáo vụ việc trước ngày 10/10 để tỉnh báo cáo Thủ tướng.
Giường bệnh của cháu Hảo có rất nhiều gấu bông. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
"Sở Lao động sẽ nhận nuôi cháu Hảo", đó là khẳng định của ông Trần Hữu Quyền, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước. Ông cho biết mấy hôm nay, nhiều người ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM điện thoại đặt vấn đề nuôi cháu. Ban giám đốc Sở rất cảm ơn những gợi ý trên, nhưng sẽ nhận trách nhiệm nuôi cháu Hảo.
"Cách tốt nhất là đưa cháu vào sống trong một tổ chức xã hội tại địa phương để sau này hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Các nhà hảo tâm có thể tiếp tục đóng góp ủng hộ cháu tại bệnh viện và thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh", ông Quyền lý giải. Riêng số tiền quyên góp vừa qua, Bệnh viện tỉnh đang quản lý, sau khi cháu xuất viện sẽ giao lại Sở gây quỹ chăm lo, hướng nghiệp cho cháu sau này.
Trả lời về trách nhiệm của Sở trong việc để xảy ra vụ hành hạ cháu bé mới 3 tuổi, ông Quyền giải thích từ khi Ủy ban Dân số gia đình và chăm sóc bà mẹ trẻ em của tỉnh sát nhập vào Sở Lao động Thương binh và Xã hội thì bộ phận chuyên trách chăm lo cho trẻ em coi như bị giải thể.
Trước kia ở mỗi cơ sở đều có 15 cộng tác viên chuyên trách từng vấn đề cụ thể nên nắm địa bàn rất tốt. Bây giờ số này bị giải tán, chỉ còn một người phụ trách chung, nhưng lại thuộc trạm y tế xã. Đây là một đơn vị hành chính sự nghiệp, không mang tính xã hội nên tính chất làm việc có khác.
"Trường hợp cháu Hảo, nếu có cán bộ, cộng tác viên chuyên trách tại cơ sở thì chúng tôi có thể phát hiện sớm và báo cho cơ quan chức năng phối hợp xử lý triệt để", ông Quỳnh nói.
Ngày 18/9, cháu Nguyễn Thị Hảo, 3 tuổi, được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước trong tình trạng hôn mê, toàn thân nhiều thương tích, đầu và mặt bầm tím. Người đưa cháu đến bệnh viện là Nguyễn Thị Mỳ, 33 tuổi, ở huyện Phước Long.
(Theo Pháp luật TP HCM)